Nhưng đến cuối ngày hôm đó, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn nắm quyền, còn các cố vấn của ông Trump quay sang đổ lỗi cho Cuba, Nga và 3 quan chức Venezuela đã khiến kế hoạch của họ thất bại.
Việc những người Venezuela quyết định tiếp tục đứng về phe ông Maduro, dù vì lý do bị đe dọa, cảm thấy lo lắng hoặc chưa bao giờ có ý định bỏ trốn, đã đặt ra những câu hỏi rằng phải chăng Mỹ đã nhận được thông tin tình báo giả về khả năng phe đối lập Venezuela chia rẽ các thành viên trong chính phủ khỏi ông Maduro. Nó cũng đặt ra những câu hỏi rằng liệu các trợ lý của ông Trump có phải đã nhận được đánh giá sai về tình hình hiện trường.
|
Tổng thống tự phong Juan Guaido kêu gọi phe ủng hộ trong cuộc xuống đường hôm 29/4. (Ảnh: AP) |
Ông Maduro bị làm suy yếu đáng kể ở cả trong và ngoài nước, nhưng vẫn là quyết liệt bám trụ trước sức ép từ lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người được Mỹ thừa nhận là nhà lãnh đạo thực tế của Venezuela. Dù chính quyền Mỹ dường như có một khởi đầu chắc chắn ở Venezuela và đã tập hợp được vài chục quốc gia quay lưng với ông Maduro, những người chỉ trích cho rằng phản ứng của Washington đã trở nên rối loạn khi cuộc khủng hoảng kéo dài.
Các trợ lý của ông Trump tin rằng lời kêu gọi biểu tình quy mô lớn của ông Guaido và việc các quan chức Venezuela đào tẩu vào hôm 29/4 sẽ trở thành thời điểm bước ngoặt cho chiến dịch suốt 3 tháng qua nhằm lật đổ ông Maduro. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe viết trên Twitter về “Chiến dịch tự do”, còn Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton gọi đó là “thời điểm có tính chất quyết định”.
Ông Trump không đề cập đến chiến dịch này, nhưng sau đó ông công kích Cuba đã hậu thuẫn ông Maduro, dọa sẽ gia tăng trừng phạt và cấm vận. Báo New York Times dẫn lời các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ nói rằng ông Trump rất quan tâm đến việc đánh bật nhà lãnh đạo Venezuela, đến mức nêu ra cả khả năng gặp riêng để bàn chuyện quân đội Mỹ tham gia để đẩy nhanh thực hiện mục tiêu đó.
Khi lên nắm quyền, ông Trump gạt bỏ xu hướng can dự mà những người tiền nhiệm của ông theo đuổi. Ông cũng ít nói công khai về Venezuela hơn các trợ lý của mình. Còn ông Bolton đăng hàng trăm tweet về cuộc khủng hoảng, về các đoạn video hướng đến người dân Venezuela và xuất hiện gần như mỗi ngày trên truyền hình để nói về tình hình nước này.
Ông Pompeo chọn ông Elliott Abrams làm phái viên đặc biệt tới Venezuela, bất chấp chuyện Nhà Trắng đã từ chối để ông này đảm trách các vị trí khác vì đã chỉ trích ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016.
Ông Abrams được biết đến là người có theo chủ nghĩa bảo thủ mới, từng có kinh nghiệm làm việc dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và từng tham gia vào một kế hoạch bí mật nhằm cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang chống lại Mặt trận giải phóng dân tộc Sandinistas ở Nicaragua. Và dưới thời chính quyền George W. Bush, ông này là người ủng hộ chiến tranh Iraq.
Dù hay sử dụng ngôn ngữ khó nghe với các đối thủ, đặc biệt là Iran, nhưng ông Trump thường không cố gắng thay thế lãnh đạo của các nước đó bằng ứng viên yêu thích của mình, vì cho rằng đó là cách tốn kém và gây ra những vướng mắc quân sự vô ích. Ông đã đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đề xuất đối thoại với lãnh đạo Iran.
Ngược lai, cả ông Bolton và ông Pompeo nói thường xuyên về việc ông Maduro phải ra đi, và tạo nên hy vọng ông Guaido sắp đánh bật được nhà lãnh đao này.
Khi cuộc khủng hoảng Venezuela kéo dài, các quan chức chính quyền Mỹ đổ lỗi cho nhiều bên. Ông Pompeo đổ lỗi cho Nga, cho rằng Mátxcơva đã khiến ông Maduro thay đổi ý định rời khỏi đất nước vào sáng 29/5, trước khi nổ ra đợt biểu tình.
Ông Bolton dựa vào vai trò của 3 quan chức: Bộ trưởng quốc phòng Vladimir Padrino López; Chán án tòa án tối cáo Maikel Moreno; và Rafael Hernández Dala, tư lệnh lực lượng vệ binh của ông Maduro. Ông Bolton nói rằng 3 người này sẽ mất cơ hội được Bộ Tài chính chính Mỹ bỏ lệnh trừng phạt nếu họ không thực hiện cam kết bỏ ông Maduro để tham gia phe của ông Guaido.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng phải mất nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng mới có thể lật đổ ông Maduro. Mỹ không đặt ra thời hạn nào, cũng như chưa đi xa hơn lời cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự. Nhưng những tuyên bố giận dữ từ các trợ lý hàng đầu của ông Trump cho thấy Nhà Trắng có vẻ đang mất kiên nhẫn, báo New York Times nhận định.
Đổ lỗi
Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tổ chức họp hôm 1/5 để thảo luận “các bước đi bổ sung để tăng cường và bảo đảm sự chuyển giao quyền lực hòa bình”, ông Bolton cho biết. Còn ông Pompeo gọi điện cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để cảnh báo Mátxcơva chớ can thiệp vào Venezuela.
“Sự can thiệp của Nga và Cuba đang gây bất ổn cho Venezuela và cho quan hệ Mỹ - Nga”, Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Pompeo nói với ông Lavrov.
Một vấn đề Nhà Trắng bất đồng với CIA là đánh giá của CIA về vai trò của Cuba đối với chính phủ của Tổng thống Maduro.
Cả ông Bolton và ông Pompeo liên tục chỉ trích Cuba đã hậu thuẫn chính phủ Venezuela, nhưng CIA kết luận rằng Cuba không tham dự nhiều và mức độ ủng hộ của họ không đáng kể như các quan chức cấp cao Mỹ đánh giá, một cựu quan chức Mỹ cho biết.
Các quan chức Lầu Năm góc vẫn hạ thấp khả năng can thiệp quân sự. Nhưng các diễn biến gần đây có thể khiến chính quyền Mỹ chuyển sang cân nhắc cách hành động khác.
Một số nhà phân tích cho rằng trong lúc giận dữ, ông Pompeo và ông Bolton có thể đã tiết lộ thông tin tình báo nhạy cảm, nguy cơ chặt đứt các kênh thông tin đó. Bình luận của ông Pompeo về thông điệp của Nga gửi tới ông Maduro có thể khiến nhà lãnh đạo Venezuela chuyển sang sử dụng kênh liên lạc an toàn hơn. Và việc ông Bolton nêu tên 3 quan chức Venezuela có thể làm mất cơ hội thảo luận với 3 quan chức này trong tương lai về việc chuyển phe.