Mối họa Iran khiến Israel và các nước Ả-rập xích lại gần nhau

Google News

Đang có nhiều tín hiệu chuẩn bị cho tiến trình lịch sử bình thường hoá quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ảrập, điều tưởng chừng như không thể.

Một số bước đi mang tính kiến tạo đang diễn ra tại chính trường Trung Đông. Thế giới có thể sắp sửa được nhìn thấy sự bình thường hóa mang tính lịch sử trong quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ảrập. Và đó tất cả đến từ Iran.
Diễn biến kịch tính thế giới Ả Rập - Israel
Ngày 13/3, các đại diện Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Oman và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), cùng với các nước khác, đã tham gia cuộc họp một ngày tại Nhà Trắng về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng ở Gaza. Hội nghị được triệu tập bởi cố vấn cao cấp của Trump về hòa bình Trung Đông Jared Kushner. Và điều đáng lưu ý nhất là một phái đoàn Israel cũng tham dự, đánh dấu một cuộc họp ngoại giao công khai đầu tiên được công nhận liên quan giữa những nước trên và nhà nước Do thái.
 Iran đang khiến thế giới Ả Rập - Israel xích lại. 
Iran đang khiến thế giới Ả Rập - Israel xích lại.
Theo National Interest (NI), những tín hiệu về sự thay đổi đang liên tục diễn ra. Cách đây một tuần, một chuyến bay của Air India từ New Delhi bay qua không phận Saudi Arabia và Oman để tới sân bay Ben-Gurion của Israel. Đây là chuyến bay chở khách trực tiếp theo lịch trình đầu tiên được phép theo lộ trình đó do Saudi và Oman trước đó không thừa nhận rằng có một điểm đến như vậy. Tuyến đi mới này cắt giảm hai tiếng đồng hồ đường bay, và cũng đang tạo ra một vấn đề rắc rối khi hãng hàng không quốc gia của Israel El Al đang kiện chính phủ vì việc họ chưa thể sử dụng tuyến đường ngắn hơn và rẻ hơn này.
Bên cạnh đó, trong một thông điệp khác mạnh mẽ hơn, các máy bay phản lực của Israel và UAE đã bay song song trong cuộc tập trận chung Iniochos 2018 ở Hy Lạp. Và hôm thứ ba, hoàng tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman (MbS) tại New York đã gặp đại diện của các tổ chức Do Thái lớn tại Mỹ, bao gồm AIPAC, Hội nghị các Tổng thống, Liên đoàn người Do Thái ở Bắc Mỹ, ADL, AJC và B'nai B'rith.
Sự hội tụ chiến lược giữa lợi ích của Israel và Ả Rập không phải là một hiện tượng mới. Các quốc gia này đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng hiện diện và sức mạnh đe doạ tại khu vực của Iran, cũng như sự sụp đổ của giá năng lượng kể từ năm 2014. Điều mới ở đây là sự công nhận rộng rãi về mối quan hệ đang phát triển này cũng như các động thái chuyển dịch đang chuyển sang các chính sách rộng hơn.
Duyên cớ từ sức mạnh Iran
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir, người đã ở Washington tuần trước với MbS, tuy nhiên cảnh báo việc kì vọng quá nhiều và quá sớm. Ông nói rằng nước này duy trì chính sách không công nhận ngoại giao đối với Israel cho đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình với người Palestine. Ông cũng gọi quyết định của chính quyền Trump chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem là một "bước lùi".
Dù vậy, theo National Interest (NI), động thái của Đại sứ quán Hoa Kỳ chỉ đơn giản là công nhận hiện trạng tại khu vực hiện tại. Nền tảng ngoại giao cũ đã bị phá vỡ, và một mô hình mới đang nhanh chóng nổi lên. Vấn đề Palestine hiện không còn là mối quan tâm lớn nhất của họ nữa. Sự tăng cường sức mạnh của Iran, các chương trình hạt nhân và tên lửa, hoạt động của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là những vấn đề mấu chốt đang khiến Israel và các quốc gia Ả Rập tiến sát lại. Các nhà lãnh đạo Palestine tỏ ra không sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh mới. Và việc phe Hamas đang xích lại gần Iran hơn thì lại càng đẩy tiến trình trên diễn ra nhanh chóng hơn và tiến trình hòa bình Israel – Palestine lại ngày càng phức tạp.
Thực tế là cả Israel và Saudi đều đang chủ động bảo vệ lãnh thổ của họ khỏi các tên lửa đến từ Iran. Hoàng tử Saudi cũng đang dành nhiều khoản tiền đầu tư hướng tới một sự công nhận mới về năng lực của Saudi. MbS đang tìm cách đưa Saudi Arabia lên một mức độ phát triển mới, và tương lai này sẽ bao gồm cả Israel.
Sự lớn mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế của Iran đang đẩy các nước Ả-rập xích lại gần Israel hơn bao giờ hết.
Mỹ mở đường thay đổi Ả Rập
Diễn biến này là quan trọng đối với Hoa Kỳ. Theo trang NI, việc chính quyền của Tổng thống Obama cố gắng xích lại Iran khiến nước này xa rời các quốc gia Sunni - Ả Rập hơn là động thái của chính quyền Trump dịch chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel.
Thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015 không chỉ thúc đẩy Tehran tăng cường sự hiện diện quân sự (bao gồm các lực lượng dân quân đại diện) trong khu vực mà còn đẩy các quốc gia Ả Rập lên kế hoạch cho chương trình vũ khí hạt nhân của họ như là một phương tiện để phòng thủ. Do đó, trang NI cho rằng việc thỏa thuận hạt nhân ra đời nhằm xây dựng sự ổn định phi hạt nhân lại dẫn đến sự bất ổn ngày càng gia tăng và kéo theo nhiều nguy cơ cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân khu vực.
Trong một mô hình mới, Hoa Kỳ và Israel đang thể hiện sức mạnh răn đe hạt nhân đáng tin cậy, tuy nhiên, lại thúc đẩy sự “phiêu lưu” quân sự của Iran.
Các quốc gia Ả Rập có thể tập trung xây dựng những mô hình kinh tế xã hội mới cho sự phát triển trong khi đang chống lại chủ nghĩa cực đoan ở trong nước và đối đầu với những lực lượng do Iran hậu thuẫn ở nước ngoài. Vấn đề Palestine sẽ vẫn chưa được giải quyết cho đến khi Tổng thống Abbas hoặc người kế nhiệm ông thực hiện các động thái đáng kể hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Nếu những diễn biến xích lại giữa Ả Rập và Israel được tiếp tục, có lẽ không lâu nữa thế giới có thể thấy thêm đại sứ quán Saudi ở Jerusalem.
Theo An Bình/Tổ Quốc

>> xem thêm

Bình luận(0)