Quyết định khởi tố vừa được một tòa án tại Bangladesh công bố ngày 13/8, cáo buộc bà Hasina cùng 6 người khác, trong đó có 2 bộ trưởng cấp cao trong Nội các của bà cùng một cảnh sát trưởng, có liên quan tới cái chết của một chủ cửa hàng tạp hóa hồi tháng 7.
Cái chết này làm bùng lên làn sóng bạo lực dẫn tới sự sụp đổ của Chính phủ của bà Hasina. Bên cạnh bà Hasina, 6 người khác phải đối mặt với cáo buộc gồm Tổng thư ký đảng Liên đoàn Awami và cựu Bộ trưởng Đường bộ Obaidul Quader, Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan, cùng 4 quan chức cảnh sát.
Ít giờ trước khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina rời Bangladesh sang Ấn Độ, 2 bộ trưởng có liên quan tới vụ án này đã bí mật đào thoát khỏi đất nước. Theo các viên chức tòa án, thẩm phán đã yêu cầu đồn cảnh sát Mohammadpur tại thủ đô Dhaka mở cuộc điều tra vụ án.
Chính phủ của bà Hasina bị cáo buộc có trách nhiệm đối với cái chết của một chủ cửa hàng tạp hóa ở khu vực Mohammadpur, trong vụ nổ súng của cảnh sát vào ngày 19/7 nhằm vào đoàn tuần hành của phong trào sinh viên đòi cải cách hệ thống hạn ngạch viên chức.
Hơn 230 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực trên khắp Bangladesh sau khi chính quyền của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina sụp đổ ngày 5/8, đưa tổng số người chết kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra hồi giữa tháng 7 lên 560.
Một chính phủ lâm thời đã được lập ra tại Bangladesh hôm 8/8 để ổn định tình hình đất nước và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới. Nội các lâm thời này do Giáo sư kinh tế học từng đoạt giải Nobel Muhammad Yunus đứng đầu và gồm 16 thành viên.
Hôm 12/8, 7 chính đảng tại Bangladesh, bao gồm cả Đảng Chủ nghĩa Dân tộc Bangladesh (BNP) - đối thủ truyền kiếp của Đảng Liên đoàn Awami, đã gặp riêng Thủ tướng lâm thời Yunus để bàn việc tổ chức bầu cử.
Trong ngày 13/8, cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đưa tuyên bố đầu tiên kể từ khi từ chức. Thông tin này được đăng tải trên tài khoản X cá nhân của con trai bà Sheikh Hasina, Sajeeb Wazed Joy; trong đó, bà Sheikh Hasina cho biết những người liên quan đến bạo lực ở Banglades cần bị điều tra.