Hơn 95% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm nguy hiểm, theo nghiên cứu vừa công bố của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.
Theo nghiên cứu quy mô lớn của Viện Tác động Sức khỏe (HEI), ô nhiễm không khí nói chung đã khiến 6,1 triệu người chết vào năm 2016. Trong số đó, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất với 4,1 triệu người chết, tờ Independent đưa tin.
|
Ảnh chụp trên cao tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. |
Tình hình đang ngày càng tồi tệ khi dân số trên Trái Đất đô thị hóa nhanh chóng, theo nghiên cứu. Số người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời ước tính tăng 19,5% so với năm 1990.
Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí đã leo lên vị trí thứ 4 trong danh sách các nguy cơ gây tử vong cao nhất (đứng đầu là huyết áp cao, chế độ ăn uống và hút thuốc lá).
Theo Independent, HEI đã sử dụng công nghệ mới như dữ liệu vệ tinh, giám sát ô nhiễm để đánh giá tác động của ô nhiễm không khí trên toàn cầu.
Ô nhiễm không khí là một hỗn hợp các hạt bụi và khí khác nhau, nhưng các chất dạng hạt (PM2.5) là thước đo được dùng để đo mức độ ô nhiễm.
Nghiên cứu mới kết luận rằng khoảng 7 tỷ người (95% dân số Trái Đất) đang sống ở những nơi có PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chỉ số ô nhiễm tồi tệ nhất ở châu Á, với Ấn Độ và Trung Quốc chiếm hơn một nửa (51%) tổng số vụ tử vong toàn cầu do ô nhiễm không khí ngoài trời.
"Ô nhiễm không khí chiếm một lượng tử vong khổng lồ trên thế giới, gây khó thở cho những người bị bệnh hô hấp, khiến trẻ em và người già phải nhập viện, bỏ học và làm việc, và góp phần gây ra nhiều cái chết trẻ", Bob O'Keefe, Phó chủ tịch của HEI, cho biết.
"Các xu hướng trong nghiên cứu cho thấy sự cải thiện tại một số nơi trên thế giới - nhưng vẫn còn những thách thức nghiêm trọng để loại bỏ những thiệt hại có thể tránh khỏi này", ông nói thêm.