Kinh tế Triều Tiên còn lại gì để Mỹ cấm vận?

Google News

Kế hoạch cấm vận kinh tế của Washington nhìn chung sẽ không ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục con đường của mình, bởi bản thân nước này đãvà đang bị cấm vận.

"Những biện pháp trừng phạt lớn hơn sẽ được áp dụng với Triều Tiên", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 29/11 sau khi Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới "có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ".
Mỹ đã cố gắng thúc giục các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, gây sức ép lên kinh tế Triều Tiên để khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Trump không cho biết chi tiết hình thức trừng phạt nào được Washington áp dụng. Nhưng sau những đợt trừng phạt liên tiếp của Liên Hợp Quốc năm nay và những động thái của Mỹ đối với các công ty Triều Tiên và Trung Quốc, các chuyên gia nhận định Mỹ không còn nhiều lựa chọn cho việc trừng phạt.
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm nhà máy sản xuất lốp xe Amnokgang . Ảnh: KCNA/AFP. Ngân hàng Trung Quốc
Chính phủ Mỹ muốn các ngân hàng Trung Quốc ngừng kinh doanh với các cá nhân và công ty của Triều Tiên.
Anthony Ruggiero, thành viên cao cấp của viện chính sách Foundation for Defense of Democracies, tin rằng ngân hàng Trung Quốc là chìa khóa cung cấp các kênh tài chính cho phép Triều Tiên né các biện pháp trừng phạt.
Hồi đầu tháng 11, ông viết trong một tài liệu rằng bộ Tài chính Mỹ có thể lựa chọn chặn một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính Mỹ hoặc đóng băng tài sản của họ ở đó. Bộ Tài chính cũng có thể phạt các ngân hàng này hàng tỷ USD, tương tự những khoản phạt các ngân hàng châu Âu đã tránh trừng phạt Iran.
Các ngân hàng Trung Quốc nằm trong số những ngân hàng lớn nhất thế giới và việc áp lệnh trừng phạt như vậy có thể hạ uy tín của họ. "Vẫn còn nhiều điều cần phải làm trên mặt trận trừng phạt," Ruggiero nói sau khi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29/11. "Người Trung Quốc biết điều đó và e ngại những gì sắp tới".
Nguồn cung dầu
Dầu từ nước ngoài rất quan trọng đối với nền kinh tế và quân sự của Triều Tiên, và Trung Quốc là nhà cung cấp lớn. Mỹ muốn điều này chấm dứt.
"Đó sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực của thế giới", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố.
Bắc Kinh đã cam kết giảm chuyển dầu sang Triều Tiên, nhưng không ngừng hoàn toàn. Trung Quốc không công khai dữ liệu về xuất khẩu dầu cho nước láng giềng nhỏ hơn. Điều này khiến Mỹ và quốc tế khó theo dõi.
Quân nhân Triều Tiên phấn khởi trong lễ mừng vụ thử thành công tên lửa Hwasong-15. Ảnh: Getty. 
"Tôi nghĩ người Trung Quốc có thể làm nhiều hơn về vấn đề xuất khẩu dầu", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với các phóng viên hôm 30/11. "Chúng tôi thực sự chỉ yêu cầu họ hãy kiềm chế hơn trong xuất khẩu dầu chứ không phải dừng hẳn hoạt động đó".
Một số chuyên gia cho rằng gây khó cho Triều Tiên trong vấn đề này là điều Trung Quốc luôn không muốn làm. "Bắc Kinh tin rằng lệnh cấm vận về dầu sẽ đẩy Triều Tiên đến đường cùng và mọi kịch bản cho thời điểm đó sẽ đều là ác mộng", nhà phân tích kinh tế Yanmei Xie tại Gavekal Dragonomics cho hay.
Theo Xie, kinh tế Triều Tiên sụp đổ sẽ dẫn đến việc hàng triệu người tị nạn đổ vào Trung Quốc và quân đội Mỹ có thể từ Hàn Quốc tiến qua biên giới Triều Tiên rồi hướng về phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không để điều đó xảy ra.
Tàu Triều Tiên
Chính quyền Trump đã áp lệnh trừng phạt đối với một số công ty vận chuyển và thương mại Triều Tiên hồi đầu tháng 11. Mỹ nói rằng các công ty này có trách nhiệm vận chuyển hàng hoá giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Nhưng các chuyên gia nói rằng các hình thức trừng phạt như vậy rất khó thực thi và không mang lại nhiều hiệu quả. Liên Hợp Quốc trước đó đã đưa các tàu Triều Tiên vào danh sách đen.
Robert Huish, giáo sư nghiên cứu phát triển quốc tế của Đại học Dalhousie, đã viết trong một bài báo rằng các tàu liên quan đến thương mại Triều Tiên thường hoạt động với cờ của các quốc gia khác nhau và được đăng ký ngoại biên. Các tàu của Triều Tiên thường sử dụng "kế hoạch di chuyển giả, nhận dạng mập mờ hoặc đăng ký giả" để lách các lệnh trừng phạt, ông viết.
Hôm 29/11, Tillerson đã đề xuất rằng Mỹ dự định tăng cường các nỗ lực chặn tàu vận chuyển hàng hoá đến và đi từ Triều Tiên.
Nếu điều đó xảy ra, "mọi thứ sẽ thực sự nóng lên", Stephan Haggard, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học California, San Diego nói.
"Một mặt, đây là cách thông minh để tăng trừng phạt" Haggard viết trong một bài đăng trên blog. "Mặt khác, Triều Tiên có thể tuyên bố rằng các hành động đó là bất hợp pháp và chính họ biện minh cho hành động chiến tranh".
Một tàu hàng mang cờ Triều Tiên. Ảnh: AP. 
Sẽ có khác biệt?
Một số chuyên gia nghi ngờ điều này. John Delury từ trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Yonsei, Hàn Quốc, tin rằng nhiều biện pháp trừng phạt sẽ không đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán và cũng không khiến họ từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Triều Tiên đã quen với trừng phạt và cô lập," ông nói. "Trừng phạt không khiến họ làm theo ý chúng ta".
Delury không phải là người hoài nghi duy nhất. Andrei Lankov từ Đại học Kookmin ở Seoul, trước đây từng học ở Triều Tiên, cho hay các biện pháp trừng phạt khác sẽ không mang lại kết quả đáng chú ý ngay lập tức.
Các biện pháp trừng phạt cho đến nay đã "không đạt thành công đáng kể", ông viết trong một bài bình luận cho NK News chuyên cung cấp các tin tức chuyên sâu và phân tích về Triều Tiên.
Lankov nói rằng ngay cả khi nền kinh tế và công dân Triều Tiên bị ảnh hưởng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể vẫn sẽ chẳng gặp áp lực nào. Ông cũng không cho rằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ sớm dừng lại.
"Không màn biểu quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bài đăng Twitter nào của tổng thống, hay bất cứ lời tuyên bố gay gắt nào có thể thay đổi điều đó", Lankov nhận định.
Mời độc giả xem video: Triều Tiên mít tinh quy mô ở Quảng trường Kim Nhật Thành hôm 1/12 chào mừng sự kiện phóng thành công tên lửa đạn đạo mới. (KCNA/Zing.vn)
Theo Hoa Hạ/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)