Bà Alisa Lockwood, quản lý cấp cao của ban Rủi ro Quốc gia châu Âu/ CIS tại công ty IHS, cho biết nhiều quốc gia châu Âu hiện nay đang rất muốn bình thường hóa quan hệ với Nga khi mà mùa đông đang đến gần, nhu cầu khí đốt tăng cao và chính những quốc gia này cũng nhận thấy họ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế với những lệnh trừng phạt đặt ra cho Moscow, trong khi những nước không chịu ảnh hưởng như Australia và Nhật Bản đã rút khỏi cuộc xung đột này.
|
Quân đội Ukraine ở miền đông. |
Bà nói: “Hiển nhiên là có một vài quốc gia châu Âu muốn khôi phục quan hệ bình thường với Nga, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế từ tình hình này; hơn nữa, khi mà mùa đông đang đến gần, các nước Trung và Đông Âu đều lo ngại nếu quan hệ với Nga vẫn cứ xấu đi sẽ khiến họ mất đi nguồn cung khí đốt của mình…. Những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt khác như Australia và Nhật Bản cũng đã rút khỏi cuộc xung đột với Nga từ lâu và không phải đối mặt với áp lực về kinh tế và chính trị như các nước châu Âu, vậy nên họ sẽ có nhiều thời gian suy nghĩ hơn”.
Hôm 23/9, nhật báo Kommersant của Nga cho biết EU có thể sẽ xem xét lại về lệnh trừng phạt kinh tế đặt lên Moscow hôm 30/9. Ủy ban Ngoại giao của EU sẽ tiến hành “đánh giá tổng thể việc thực hiện kế hoạch hòa bình đưa ra tại Minsk, và cụ thể là lệnh ngừng bắn” , được biết việc đánh giá mới đang chỉ ở khâu chuẩn bị. Tài liệu này sau đó sẽ được kiểm tra bởi Ủy ban Đại diện Thường trực của EU, sau đó họ sẽ quyết định nên làm gì với lệnh trừng phạt đặt lên Nga. Trong tình huống tốt nhất, các quan chức EU sẽ ủng hộ việc dần nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Bà Alisa Lockwood cũng cho biết: “Hungary, Slovakia, Cộng Hòa Czech đang dần dần nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên các thành viên EU vẫn giữ được sự thống nhất trong việc ngăn chặn bất cứ sự gia tăng xung đột nào ở miền đông Ukraine. Vậy nên, việc bãi bỏ lệnh trừng phạt cùng lúc rất khó xảy ra”.
Bà cũng nhấn mạnh rằng những biểu hiện đầu tiên của sự nới lỏng lệnh trừng phạt đang được ghi nhận: “Khi giai đoạn cuối của lệnh trừng phạt bắt đầu vào hôm 11/9, Chủ tịch EC Van Rompuy cho biết có khả năng một vài hoặc tất cả lệnh trừng phạt sẽ được thu lại tại phiên họp kế tiếp vào ngày 30/9”, thêm vào đó, việc gia tăng các biện pháp tiếp cận cũng sẽ được thực hiện, và những lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ theo từng bước khi tình hình ở Ukraine ổn định.
Bà kết luận: “Vẫn chưa thể chắc chắn việc gỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt sẽ được thực hiện vào ngày 30/9 sắp tới, nhưng nếu tính đến những điều kiện thuận lợi cho lệnh ngừng bắn – ví dụ như việc quân đội Ukraine và phe ly khai bắt đầu rút vũ khí hạng nặng vào hôm 22/9 – thì EU sẽ có những cử chỉ thúc đẩy tiến trình này”.