Điều này được thực hiện một cách có chủ ý để Iran có thể lùi bước khỏi tình trạng leo thang.
Iran đang cân nhắc động thái tiếp theo sau khi Israel tiến hành cuộc không kích vào cuối tuần qua để đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Tehran đầu tháng này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã thực hiện “các cuộc tấn công có mục tiêu và chính xác” vào các địa điểm quân sự của Iran sáng sớm 26/10.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn nguồn tin từ quân đội Iran cho biết 4 binh sĩ đã thiệt mạng sau cuộc tấn công.
Với sự tính toán lạnh lùng của địa chính trị Trung Đông, một cuộc tấn công như Israel thực hiện vào Iran hôm 26/10 thường sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ. Một lựa chọn khả thi là phóng loạt tên lửa đạn đạo như Iran đã từng làm 2 lần kể từ đầu năm tới nay.
Trả đũa bằng quân sự sẽ cho phép giới lãnh đạo tôn giáo của Iran thể hiện sức mạnh không chỉ với người dân trong nước mà còn cả các lực lượng ủy nhiệm như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và các nhóm dân quân khác trong khu vực.
Việc Iran sẽ làm gì tiếp theo có thể dựa trên thực tế rằng cuộc tấn công của Israel dường như không gây thiệt hại lớn như một số người dự đoán.
Các chuyên gia trước đây cho rằng Israel có thể đã cân nhắc đến các nỗ lực ám sát hoặc nhắm vào các địa điểm hạt nhân hoặc cơ sở dầu mỏ của Iran.
Yaniv Voller, giảng viên cao cấp về chính trị Trung Đông tại Đại học Kent, nhận định, một cuộc tấn công quy mô lớn hơn sẽ khiến Iran “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc leo thang” xung đột. Sức ép từ Mỹ có thể đã thúc đẩy Israel lựa chọn chiến lược kiềm chế hơn.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 26/10, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định Washington không tham gia vào việc lập kế hoạch hoặc thực hiện hoạt động trả đũa của Israel. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đã khuyến khích Israel “thực hiện một phản ứng có mục tiêu và tương xứng với rủi ro gây hại cho dân thường ở mức thấp”.
Iran sẽ tìm “lối thoát” hoặc trả đũa “quy mô nhỏ”
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh, Tehran “có quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ đất nước chống lại các hành vi gây hấn từ bên ngoài”.
Dù vậy, Iran dường như đang tìm cách hạ thấp tác động của cuộc tập kích khi nói rằng họ đã đánh chặn thành công và chỉ chịu “thiệt hại hạn chế”.
Trong bình luận đầu tiên về cuộc tấn công của Israel, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei, nói rằng, sự việc này “không nên bị phóng đại hay hạ thấp” nhưng ông không kêu gọi phản ứng quân sự ngay lập tức.
Tuyên bố của quân đội Iran dường như cũng được soạn thảo rất thận trọng nhằm mở ra khoảng trống để Tehran có thể lùi bước. Tuyên bố này cho rằng lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon quan trọng hơn bất kỳ hành động trả đũa nào đối với Israel.
Ông Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương (tại Mỹ), cho biết đó có thể là dấu hiệu cho thấy Tehran “đang tìm kiếm một lối thoát, ngay cả khi họ tuyên bố ngược lại”.
Phát biểu với New York Times, Yoel Guzansky, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv, cho biết: “Những gì tôi nghe được từ Iran về cơ bản là nói rằng, ‘Ồ, chẳng có gì cả’”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng điều đó vẫn đánh dấu “sự khởi đầu của một giai đoạn mới, một giai đoạn nguy hiểm, với nhiều vấn đề nhạy cảm hơn”.
“Ít nhất là hai bên có thể khép lại vòng đáp trả này và chúng ta sẽ không thấy Iran trả đũa - hoặc nếu có cũng chỉ ở quy mô nhỏ”, ông Guzansky nói thêm.
Một số chuyên gia khu vực cho rằng danh sách mục tiêu của Israel trong cuộc tấn công vào Iran tương đối hạn chế, theo đó không nhắm vào các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran. Điều này được thực hiện một cách có chủ ý để Iran có thể lùi bước khỏi tình trạng leo thang.
“Quyết định tập trung vào các mục tiêu hoàn toàn mang tính quân sự của Israel cho phép Iran ‘giữ thể diện’”, nhà nghiên cứu Guzansky bình luận.
Ông Voller tại Đại học Kent cho rằng, nếu Iran quyết định đáp trả, họ có thể nhờ đến các lực lượng ủy nhiệm mà không hành động trực tiếp để bảo vệ chương trình hạt nhân của mình.
“Mục tiêu cuối cùng của Israel là chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran, và bất kỳ hành động trả đũa nào của Iran cũng sẽ tạo cơ hội cho Israel tiếp tục theo đuổi mục tiêu này”, ông nói thêm.
Ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại Nhóm khủng hoảng quốc tế, cũng nhận định Iran sẽ tạm dừng tấn công.
“Bất kỳ nỗ lực trả đũa nào của Iran cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là Hezbollah, đồng minh mạnh nhất của họ chống lại Israel, đã bị suy yếu đáng kể”, ông Vaez nói
Israel có thể tấn công lần nữa
Theo ông Voller, Iran có thể do dự trong việc đáp trả trực tiếp vì Israel “đã chứng minh được khả năng của họ trong việc tiếp cận các mục tiêu nhạy cảm của Iran”.
Việc Israel nhắm mục tiêu vào các địa điểm quân sự của Iran, bao gồm cả hệ thống phòng không của nước này, sẽ cho phép Tel Aviv tiến hành thêm các cuộc không kích nếu Iran leo thang xung đột.
Israel cũng là một trong những quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới tính theo tỷ lệ GDP và nước này nhận được lượng lớn viện trợ quân sự từ Mỹ để duy trì cái mà họ gọi là “lợi thế quân sự về chất lượng” so với các nước láng giềng.
Các sự kiện gần đây có thể “nhắc nhở” giới lãnh đạo Iran rằng nước này “bị áp đảo về mặt quân sự và do vậy, đối với một chính quyền ưu tiên sự ổn định trên hết, việc tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện trở thành một lựa chọn phi logic”.
Quân đội Israel tuyên bố họ sẽ “có nghĩa vụ phải đáp trả” nếu Iran tấn công lần nữa.
Ellie Geranmayeh, Phó Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói với NY Times rằng không loại trừ khả năng Israel sẽ tiếp tục tấn công, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
“Sẽ có một tiếng thở phào nhẹ nhõm trên khắp Iran và khu vực rằng Mỹ đã kiềm chế được Israel vào lúc này. Nhưng điều đáng lo ngại là đây chỉ là sự kiềm chế tạm thời trước bầu cử Mỹ. Giai đoạn chuyển giao sắp tới có thể là thời điểm chúng ta chứng kiến các cuộc tấn công mới của Israel vào Iran, vốn được xem như ‘cơ hội vàng’ để làm suy yếu thêm năng lực của Iran”, bà Geranmayeh nhận định.