Hủ tục của hồi môn khiến nhiều cô gái buộc phải tự tử

Google News

Hậu quả thương tâm do hủ tục trao của hồi môn này đưa lại là cái chết của 8.000 cô gái Ấn Độ xuất thân trong gia cảnh nghèo khó mỗi năm.

Để chấm dứt tình cảnh hủ tục trao của hồi môn, một phong trào mang tên Dahez Roko Abhiyan đã ra đời và gây được tiếng vang trên khắp Ấn Độ.
Hu tuc cua hoi mon khien nhieu co gai buoc phai tu tu
 
Rợn người hủ tục thiêu sống cô dâu vì thiếu của hồi môn
Khi ông Safik Ansari (sinh sống ở làng Neura, quận Palamu của bang Jharkhand, Ấn Độ) quyết định cho con gái đi lấy chồng, ông đã nói với trưởng làng rằng, với nguồn thu nhập hạn hẹp từ việc kéo xe, ông không thể đưa cho chú rể một khoản hồi môn nào tương xứng. Bởi ông Ansari chỉ kiếm được chưa đến 3 bảng Anh (khoảng 85.000 đồng)/ngày. Trong khi đó, ở nhiều khu vực trên Ấn Độ, nhà gái thường đưa cho nhà trai một khoản hồi môn từ 100.000 đến 150.000 rupees (khoảng 35,4 triệu đến 53 triệu đồng).
Của hồi môn (hay “Dahej”) là khoản tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu cần mang theo khi về nhà chồng. Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi đến sống ở nhà chồng. Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái, nhưng dần dần đã bị lòng tham của gia đình nhà trai lợi dụng và trở thành gánh nặng đè lên vai những cô gái xuất thân trong gia cảnh thiếu thốn.
Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng. Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh “sống không bằng chết". Ghê rợn hơn, nhiều cô gái khác thậm chí còn bị nhà chồng đổ dầu hỏa thiêu sống hoặc ép tự tử.
Đáng buồn hơn, những cảnh tượng đó lại ngày càng diễn ra phổ biến ở cả những ngôi làng xa xôi hẻo lánh lẫn chốn phồn hoa đô thị. Chính quan niệm trọng nam khinh nữ cùng với sự thèm khát tiền bạc thái quá là môi trường lý tưởng cho cơn ác mộng kia phát triển. Cục Báo cáo Tội phạm Quốc gia Ấn Độ ước tính, hàng năm, 8.000 người đã thiệt mạng vì tục lệ trao của hồi môn này.
Mặc dù Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm trao của hồi môn từ năm 1961 nhưng tục lệ này vẫn được áp dụng rộng rãi và ông Ansari đang chuẩn bị gõ cửa từng nhà giàu trong làng để xin tiền. Tuy vậy, thật bất ngờ, trưởng làng thông báo với ông Ansari rằng, ông sẽ không phải trả một đồng tiền nào cả. Chiến dịch ngăn chặn trao của hồi môn mang tên Dahez Roko Abhiyan (DRA) sẽ giúp ông dàn xếp lễ cưới, trưởng làng nói.
Anh Haji Mumtaz Ali, người khởi xướng chiến dịch DRA nói rằng, “Để có được số tiền trên, nhiều gia đình đã đi ăn xin, một số ông bố, bà mẹ còn bán ruộng vườn, một số khác lại đi vay nặng lãi và tiếp tục mắc kẹt trong những món nợ khổng lồ”.
“Thảm cảnh của nhiều gia đình có con gái ở khu vực đã khiến chúng tôi quyết định đứng lên chống lại hủ tục trao của hồi môn”.
Ông Ansari tâm sự với tờ The Guardian (Anh) rằng: “Các thành viên của DRA đã giúp tôi liên lạc với một cậu thanh niên ở làng bên và theo sự hướng dẫn của DRA, tôi đã đề nghị cho con gái mình kết hôn với cậu ta”. “Gia đình cậu ta đã chấp thuận yêu cầu của tôi và họ cũng không đòi hỏi bất cứ sính lễ nào. Tuần tới, con gái tôi sẽ tổ chức lễ cưới với cậu thanh niên đó.”
“Thu nhập của cậu thanh niên đó rất cao. DRA đã giúp tôi giải quyết được một việc lớn vì tôi không có tiền để sắm bất cứ của hồi môn nào”, ông Ansari nói.
Sáng kiến Dahez Roko Abhiyan (DRA): Vị cứu tinh cho các gia đình nghèo ở Ấn Độ
Năm ngoái, Ali, một doanh nhân ở quận Latehar, đã triệu tập một cuộc họp với các lãnh tụ, quan toà, cán bộ quản lý việc kết hôn trong cộng đồng Hồi giáo để thảo luận về vấn đề nhức nhối này. Những người tham dự đến từ quận Latehar, Palamu và Garhwa đều nhất trí với chiến dịch chống lại việc trao của hồi môn trên toàn khu vực. Và DRA đã ra đời từ đó.
“Chúng tôi đã đi đến nhiều khu vực Hồi giáo, tổ chức các hội thảo, hội nghị và giải thích với mọi người về việc hủ tục trao của hồi môn đã đi ngược lại với giáo lý của đạo Hồi như thế nào. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các lãnh tụ ở tất cả các làng Hồi giáo ở ba quận đó”, anh Ali nói.
Anh Ali thực sự rất đỗi ngạc nhiên trước sự ủng hộ mà mọi người dành cho chiến dịch.
Hàng ngàn tình nguyện viên ở quận này đã được tuyển mộ để thông báo cho một thành viên của DRA khi họ nghe thấy một trường hợp phải trao của hồi môn. Các nhóm DRA thường liên hệ với các gia đình cô dâu và chú rể để thuyết phục họ chống lại việc đưa và nhận của hồi môn. Trong hầu hết các trường hợp, họ đã thành công.
“Trước khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch này, tỷ lệ những gia đình Hồi giáo theo hủ tục trao của hồi môn ở khu vực lên đến 95%. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%”, thành viên Shamim Rizwi của DRA nói. “Đây chỉ là vấn đề thời gian, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng, một ngày nào đó, chúng tôi sẽ thành công trong việc làm cho các đám cưới ở khu vực nói không với hủ tục này.
Quan toà ở ba quận cũng cam kết không tổ chức lễ cưới cho các cặp đôi nếu chú rể nhận của hồi môn.
Hu tuc cua hoi mon khien nhieu co gai buoc phai tu tu-Hinh-2
Các thành viên của chiến dịch DRA gặp gỡ ông Safik Ansari và gia đình ông ở làng Neura village, bang Jharkhand (Ấn Độ). 
Vào năm ngoái, khoảng 800 gia đình đến từ ba quận của bang Jharkhand đã trả lại hơn 6 triệu rupees (khoảng 2,1 tỷ đồng) cho gia đình cô dâu. Ngoài ra, một gia đình còn trả lại 7.000 rupees (khoảng 2,4 triệu đồng) họ đã nhận khi con trai họ kết hôn ở tuổi 19.
Các quan chức địa phương đều ca ngợi chiến dịch này.
Phó uỷ viên quận Palamu, ông Ameet Kumar phát biểu rằng, được truyền cảm hứng từ chiến dịch DRA, các lãnh đạo Hindu đang phát động một sáng kiến tương tự.
Ông Kumar nói, “Tôi nghĩ trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tăng cường các chiến dịch chống trao và nhận của hồi môn đến nhiều ngôi làng Hindu hơn nữa ở khu vực. Tôi đã yêu cầu các nhân viên phúc lợi xã hội và nhiều lãnh đạo cộng đồng hỗ trợ tuyên truyền về chiến dịch DRA”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tục lệ trao của hồi mồn “ăn sâu bám rễ" tại nhiều nơi ở Ấn Độ là do người phụ nữ hay nạo phá thai khi đứa trẻ trong bụng họ là con gái. Nhà báo đồng thời là nhà hoạt động xã hội Santosh Prasad cho rằng, “Phụ nữ phá thai là chuyện rất hiếm khi xảy ra ở cộng đồng Hồi giáo nhưng đây lại là hiện tượng tràn lan trong xã hội Hindu, đặc biệt tại các khu đô thị. Nếu một chiến dịch có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như DRA được nhân rộng thì tôi chắc chắn rằng, tỷ lệ phá thai sẽ giảm xuống rõ rệt”.
Ali giải thích rằng, anh phát động chiến dịch DRA với hy vọng, phong trào này sẽ lan rộng khắp tất cả các tôn giáo. “Sáng kiến DRA của chúng tôi đã được thử nghiệm ở cộng đồng Hồi giáo. Chiến dịch đã thu được thành công lớn. Giờ đây, chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu chúng tôi thấy phong trào này cũng lan toả đến người Hindu. Chúng tôi biết, bố mẹ các cô gái trong xã hội Hindu cũng khốn đốn trước sức ép trao của hồi môn. Chúng tôi sẽ càng vui mừng nếu hủ tục này được loại bỏ hoàn toàn”, anh nói.
Theo Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)