Hope – Viên kim cương “xui xẻo” nhất thế giới

Google News

Tìm thấy ở mỏ Kollur, quận Guntur, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, Hope chứa một lượng lớn các nguyên tử boron, tạo thành màu xanh biếc rất hiếm.

Và mặc dù được đặt tên là “Hy vọng” nhưng viên kim cương Hope lại mang đến sự tuyệt vọng cho những người sở hữu nó. Từ khi xuất hiện đến nay, đã có 14 người vì nó mà thân bại danh liệt...
1. Nạn nhân đầu tiên của Hope chính là người đã mua nó: Jean-Baptiste Tavernier. Theo ghi chép của người Hindu, Ấn Độ, Tavernier không mua mà ăn cắp nó cùng 24 viên kim cương khác tại một đền thờ ở bang Rajasthan, nơi Hope được đặt ngay giữa trán của bức tượng thần Shiva. Khi phát hiện Hope đã mất, những tăng lữ trụ trì ngôi đền đưa ra lời nguyền chí tử cho bất cứ ai sở hữu nó.
Mang viên Hope về Pháp rồi thuê thợ kim hoàn gọt cắt, năm 1669 Tavernier bán cho vua Louis 14 với giá 220.000 livres (đơn vị tiền tệ Pháp thời bấy giờ), tương đương 147 kg vàng nguyên chất
Năm 1687, Tavernier đi Thụy Sĩ. Tháng 2-1689, ông đến Berlin (Đức) rồi tiếp theo là Copenhagen (Đan Mạch). Sau đó, bằng hộ chiếu do hoàng đế Thụy Điển cấp, Tavernier sang Nga. Theo quy định của Sa hoàng Gallatin, mọi người nước ngoài đến Moscow đều phải cư trú ở vùng ngoại ô - gọi là vùng Đức - (Nemetskaya Sloboda). Tại đây, Tavernier nổi tiếng hào phóng. Mỗi lần bước vào quán rượu, ông thường mời rượu tất cả những ai có mặt và thanh toán bằng những đồng rup vàng.
 

Theo nhà sử học Richard Kurin, Tavernier đến nước Nga không phải để du lịch mà để tìm cách đánh cắp những báu vật trưng bày trong bảo tàng riêng của Czar Piotr (Sa hoàng Piotr). Tuy nhiên, tháng 11-1689, Tavernier bị sốt phát ban rồi chết. Mộ ông bị những con chó hoang moi lên, xác ông bị xâu xé. Việc tìm kiếm chỉ thu được hộp sọ và 2 ống xương đùi.

Sau khi mua viên kim cương Hope, vua Louis 14 giao cho thợ kim hoàn Sieur Pitau gọt nó thành hình quả trứng. Tiếp theo, thợ kim hoàn André Jacquemin đính nó vào một giải ruy-băng, xung quanh ghép 83 viên kim cương màu đỏ và 113 viên kim cương màu vàng để vua Louis 14 đeo trong các buổi đại lễ.

Tháng 9-1872, Cách mạng Pháp nổ ra, Louis 14 và gia đình ông bị bắt giam. Lợi dụng sự hỗn loạn, hai tên trộm là Guillot và Lancry de la Loyelle đột nhập vào khu lưu trữ Hoàng gia (Hôtel du Garde-Meuble de la Couronne - nay là Hôtel de la Marine). Suốt 5 ngày, bọn trộm lục lọi, lấy đi rất nhiều báu vật, trong đó có viên kim cương Hope.

Ngày 21-1-1873, Louis 14 bị chặt đầu. 10 tháng sau đó, vợ ông, hoàng hậu Marie Antoinette cũng bị chặt đầu, đúng với những lời nguyền của các tăng lữ Hindu mặc dù bà Antoinette chưa lần nào đeo viên kim cương Hope.

Hệ lụy từ lời nguyền của các tăng lữ Hindu còn kéo theo Nicholas Fouquet, bộ trưởng tài chính dưới thời Louis 14. Trong một buổi lễ, Louis 14 cho phép ông này được đeo giải ruy-băng có viên kim cương Hope. Khi phong trào Cách mạng Pháp bắt đầu manh nha hình thành, vua Louis 14 nghi ngờ Nicholas Fouquet là nội gián nên đã kết án Fouquet tù chung thân. Ngồi tù suốt 15 năm trong pháo đài Pignerol, mãi đến 1885 Fouquet mới được thả.

Thật sự Fouquet không phải là nội gián của cách mạng, còn những người cách mạng thì lại xem ông là tay chân thân thích của Louis 14. Chỉ đeo viên kim cương Hope vài phút nhưng Fouquet phải trả giá đến 15 năm!

Cũng là nạn nhân của viên kim cương Hope còn có Marie Louise, công chúa xứ Lamballe, bạn thân của hoàng hậu Marie Antoinette. Trước đó, khi đến thăm Antoinette, Marie Louise được Antoinette cho xem giải ruy-băng có viên kim cương Hope. Mới chỉ ướm thử vào cổ thôi nhưng khi cách mạng nổ ra, Marie Louise bị chặt đầu. Đầu Marie Louise bị cắm vào sừng một con dê rồi con dê ấy được dẫn đến nhà tù, nơi giam giữ hoàng hậu Marie Antoinette để bà tận mắt chứng kiến

2. Sau khi lấy được viên kim cương Hope trong cuộc Cách mạng Pháp, hai tên trộm Guillot và Lancry de la Loyelle chuyển nó sang London, Anh quốc. Để không ai còn có thể nhận ra nó, bọn trộm nhờ Wilhelm Fals, một thợ kim hoàn người Hà Lan cắt nó làm 2 viên, trong đó viên 45 carat là viên kim cương Hope hiện tại.

Trong quá trình gọt cắt, con trai Wilhelm Fals là Steinner Fals lấy cắp một số mảnh. Bị phát hiện và bị la rầy, Steiner Fals bắn chết cha mình rồi tự sát.

Về phần Guillot và Lancry de la Loyelle, với số tiền bán viên kim cương Hope, họ ăn chơi trác táng. Khi đã cháy túi, cả hai lừa nhiều người bằng cách nói rằng họ còn 1 viên lớn hơn nữa để nhận tiền “đặt cọc”. Vụ việc vỡ lở, Guillot và Lancry de la Loyelle nhận án tù chung thân.

Sau những tai họa này, viên kim cương Hope biến mất. Mãi đến năm 1896, Thomas Hope mua nó từ Ngân hàng Anglo-Dutch với giá 90.000USD (và cũng từ đây, nó chính thức mang tên Hope). Năm 1898, Hope lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong một buổi trưng bày bộ sưu tập đá quý và lúc này, chủ nó là Henry Philip Hope, em ruột Thomas Hope. Buổi triển lãm vừa kết thúc thì Henry Philip Hope qua đời vì một cơn đột quỵ.

Vì không có vợ nên suốt 10 năm, 3 người cháu của Henry Philip Hope (con Thomas Hope) đã cãi nhau trước tòa để tranh giành quyền thừa kế. Cuối cùng, 1 trong 3 người là Henry Thomas Hope nhận được Hope và 7 viên kim cương khác.

Năm 1900, Henry Thomas Hope chết vì bệnh dịch hạch. Viên Hope qua tay con trai ông rồi đến cháu ông là Francis Hope nhưng thực tế thì nó vẫn nằm trong Ngân hàng Anglo-Dutch nên có lẽ vì vậy, cả con trai lẫn cháu Henry Thomas Hope không gặp tai họa gì. Đến năm 1902, Francis bán viên kim cương này với giá 190.000 bảng Anh cho Adolph Weil, một thương gia kinh doanh đồ trang sức ở London. Sau đó Weil bán Hope cho đại lý kim cương Simon Frankel, New York, Mỹ với giá 250.000USD

Tại Mỹ, năm 1910, người mua viên kim cương Hope từ đại lý Simon Frankel là Maoncharides, một thương gia Hy Lạp. Chưa đầy 1 năm sau khi sở hữu nó, Maoncharides cùng vợ và con trai chết trong một tai nạn. Chiếc xe do ông ta cầm lái đâm vào vách đá rồi bốc cháy. Người thừa kế Hope là Pierre Cartier, em vợ của Maoncharides.

Cuối năm 1911, Pierre Cartier bán viên kim cương Hope cho bà Evalyn Walsh McLean, chủ nhân của nhiều mỏ khoáng sản ở Mỹ với giá 300.000USD. Do không biết quá khứ bi thảm của những người đã từng sở hữu nó nên Evalyn cho làm một cái khay bằng lụa trắng rồi đặt Hope ở chính giữa, bao bọc xung quanh là rất nhiều viên kim cương trắng hình quả lê rồi mời bè bạn - hầu hết là giai cấp thương lưu, quý tộc đến chiêm ngưỡng. Chưa hết, Evalyn còn đặt làm một chiếc vòng bạch kim, giữa là viên Hope, xung quanh là 16 viên kim cương trắng.

Riêng dây đeo chiếc vòng ấy được kết bằng 50 viên, vừa kim cương trắng, vừa lam ngọc. Mỗi khi tham dự một sự kiện xã hội nào đó, Evalyn lại đeo chiếc vòng này. Thậm chí, có lần Evalyn còn chơi ngông đến mức đeo chiếc vòng Hope cho con chó cưng của bà.

Khi nước Mỹ rơi vào thời kỳ đại suy thoái, Evalyn phá sản. Chồng bà bỏ bà để theo một phụ nữ trẻ đẹp hơn. Con trai đầu của bà chết vì viêm phổi, con gái chết vì uống thuốc quá liều. Oái oăm nhất là lúc này, quá khứ bi thảm của viên kim cương Hope được nhiều tờ báo phanh phui nên chẳng ai dám mua nó.

Năm 1947, Evalyn chết trong nghèo khó. Để có tiền trả nợ cho mẹ, sau gần 2 năm đàm phán, đứa con còn lại của Evalyn bán viên Hope cho Harry Winston, một đại gia trong ngành kinh doanh kim cương Mỹ với giá 140 triệu USD. Sở dĩ việc đàm phán kéo dài gần 2 năm vì Winston cũng sợ, mặc dù theo ông thì ông không tin vào những lời nguyền!

3. Năm 1958, Harry Winston quyết định tặng Hope cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ với mong muốn nó sẽ giúp nước Mỹ thành lập bộ sưu tập đá quý lớn nhất hành tinh. Theo nhà sử học Richard Kurin, việc Winston tặng Hope cho bảo tàng còn có một nguyên nhân nữa: Ấy là ông muốn giải thoát viên kim cương Hope khỏi những lời nguyền của các tăng lữ Hindu.

Trong 4 thập niên đầu tiên của viên kim cương Hope ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, nó được đặt trong một cái hộp bằng kính chống đạn. Năm 1962, bảo tàng mang Hope tới điện Louvre, Pháp để tham dự một cuộc triển lãm đá quý.

Năm 1965, Hope lại được đưa đi Johannesburg, Nam Phi, để tham dự cuộc thi đá quý. Đến năm 1984, rồi tiếp theo là 1996, nhằm tưởng nhớ Harry Winston, người đã tặng viên kim cương Hope cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia (lúc này đã chết vì đau tim), Hope được đưa đến trưng bày tại trụ sở kinh doanh của Tập đoàn Winston ở New York, Mỹ.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ đặt Hope trên một bệ xoay để người xem có thể nhìn thấy nó ở mọi phía. Bảo vệ nó là lớp kính chống đạn dày 76mm. Trong bảo tàng còn có hàng trăm viên kim cương khác nhau nhưng Hope luôn là tâm điểm của sự chú ý bởi nó vẫn là viên kim cương chứa đụng nhiều bi kịch nhất thế giới và đắt nhất thế giới: 250 triệu USD.

Cũng nói thêm rằng nạn nhân được xem như cuối cùng của “lời nguyền Hindu” là James Todd. Ông là người trực tiếp chuyển viên kim cương Hope từ trụ sở Tập đoàn Winston đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia. 1 ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ, James Todd bị một chiếc xe tải đâm gãy chân khi ông đang băng qua đường. Lúc vừa bình phục, Todd lại gặp phải một tai nạn khác: Nhà ông bị cháy, vợ ông và con chó cưng chết trong đám cháy này...


Theo Vũ Cao/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)