Hồ sơ 'bom tấn' Pandora: Gọi tên hàng loạt lãnh đạo...

Google News

Việc tiết lộ số hồ sơ tài chính nhiều chưa từng thấy, được đặt tên là tài liệu Pandora, đã phơi bày tài sản ở nước ngoài của hàng chục lãnh đạo và cựu lãnh đạo các nước trên thế giới, hàng trăm chính trị gia từ châu Á đến Trung Đông và Mỹ Latin.

Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có được 11,9 triệu tài liệu mật từ 14 hãng dịch vụ tài chính và pháp lý khác nhau. ICIJ nói rằng số tài liệu này “cung cấp cái nhìn sâu rộng về một ngành công nghiệp đang hỗ trợ các quan chức chính phủ siêu giàu, nhiều quyền lực và giới tinh hoa che giấu hàng nghìn tỷ USD trước các cơ quan thuế và công tố”.
Tài liệu Pandora là dự án hợp tác báo chí quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan báo chí của 117 quốc gia. Hơn 330 chính trị gia, 130 tỷ phú Forbes cùng nhiều ngôi sao, kẻ lừa đảo, trùm ma tuý, thành viên hoàng gia và người đứng đầu các nhóm tôn giáo ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nêu tên trong hồ sơ này. Họ tận dụng các thiên đường thuế và chính sách bảo mật tài chính để mua bất động sản, che giấu tài sản và trốn thuế.
Những khoản tiền được chuyển ra tài khoản ở nước ngoài, hầu hết ở những nơi đánh thuế thấp, là việc làm hợp pháp ở nhiều quốc gia, và nhiều người có tên trong bộ tài liệu này không bị buộc tội danh hình sự. Nhưng ICIJ nói rằng 2,94 terabyte dữ liệu tài chính và pháp lý (lớn hơn hồ sơ Panama năm 2016) cho thấy “cỗ máy chuyển tiền ra nước ngoài đang hoạt động ở mọi ngõ ngách của hành tinh, kể cả những nền dân chủ lớn nhất thế giới”, với sự tham gia của những ngân hàng và dịch vụ pháp lý nổi tiếng nhất thế giới.
Bất động sản của Quốc vương Jordan
Quốc vương Jordan Abdullah II sử dụng một kế toán người Anh ở Thuỵ Sĩ và các luật sư ở quần đảo Virgin thuộc Anh để bí mật mua 14 ngôi nhà hạng sang trị giá 106 triệu USD, trong đó có bất động sản trị giá 23 triệu USD nhìn ra bãi biển ở California, ICIJ cho biết. Các luật sư tại Anh của Quốc vương Jordan nói với ICIJ rằng luật của Jordan không quy định nhà vua phải nộp thuế; ông không bao giờ lạm dụng quỹ công và “có lý do riêng tư và an ninh để mua bất động sản thông qua các công ty ở nước ngoài”.
Ho so 'bom tan' Pandora: Goi ten hang loat lanh dao...
 Tài liệu Pandora tiết lộ thế giới tài chính ngầm dành cho hàng trăm người giàu có khắp thế giới có tài sản ở các thiên đường thuế Ảnh: The Guardian.
Jordan nhận được khá nhiều viện trợ quốc tế, bao gồm từ Anh và Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở quốc gia này để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng thuế. Tháng 6/2020, chính quyền Jordan tuyên bố sẽ truy quét các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của công dân.
Thủ tướng Séc
Thủ tướng Séc Andrej Babis, người đang chuẩn bị tái tranh cử, đã chuyển 22 triệu USD thông qua các công ty ở nước ngoài để mua khu bất động sản xa hoa ở thiên đường nghỉ dưỡng Riviera của Pháp. Khu nhà này toạ lạc trên diện tích 3,8 ha, thuộc một ngôi làng trên đỉnh đồi nơi danh họa Pablo Picasso đã sống những năm cuối đời, ICIJ khẳng định.
Phản ứng trước thông tin này, ông Babis khẳng định không làm gì sai, vì tiền ông chuyển ra nước ngoài đều qua các ngân hàng Séc và đã nộp thuế.
Hiện tại, ông Babis đang bị điều tra vì cáo buộc che giấu quyền sở hữu một dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng hội nghị gần thủ đô Prague để khu này đủ điều kiện hưởng khoản trợ cấp 2 triệu euro từ EU dành cho các doanh nghiệp nhỏ, CNN đưa tin.
Hoàng gia Anh và Azerbaijan
Các tài liệu tiết lộ hoàng gia Aliyev của Azerbaijan giao dịch số bất động sản trị giá khoảng 540 triệu USD trong những năm gần đây, The Guardian - một trong những đối tác của ICIJ, đưa tin. Hoàng gia Anh đã mua một bất động sản trị giá 91 triệu USD từ hoàng gia Azerbaijan, và hiện hai bên đang trong quá trình đánh giá nội bộ để tiến tới ký thỏa thuận mua. “Vì việc này có thể dẫn đến quan ngại, chúng tôi đang xem xét vấn đề”, The Guardian dẫn phát biểu từ Hoàng gia Anh.
Những thiên đường thuế ở Mỹ
Một trong những tiết lộ gây chú ý nhất đối với Mỹ là vai trò của các bang như Nam Dakota và Nevada, những nơi đang áp dụng luật bí mật tài chính nhằm “cạnh tranh” với những thiên đường thuế ở nước ngoài. Điều này cho thấy “sự đồng loã của Mỹ trong nền kinh tế chuyển tiền”, Washington Post viết.
Giới tinh hoa chính trị Pakistan
Nhiều thành viên trong nhóm quyền lực của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, bao gồm các bộ trưởng và cựu bộ trưởng “đã bí mật sở hữu hàng loạt công ty và quỹ tín thác để cất giữ nhiều triệu đô la tài sản bí mật”, ICIJ khẳng định. Điều này có thể trở thành cơn đau đầu với ông Khan vì hồi tranh cử, ông khẳng định mình là người đứng đầu một đảng cải cách, hứa hẹn một chương trình nghị sự chống tham nhũng mạnh mẽ.
Trước khi tài liệu Pandora được công bố, phát ngôn viên của ông Khan khẳng định tại một cuộc họp báo rằng ông không có công ty nào ở nước ngoài, nhưng các bộ trưởng và cố vấn “sẽ phải chịu trách nhiệm” cho hành động cá nhân của họ.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair
Tài liệu của ICIJ cho thấy cựu thủ tướng Anh Tony Blair và vợ kiếm được khoảng 422.000 USD bằng cách sử dụng công ty đại diện ở nước ngoài để mua một tòa nhà văn phòng trị giá 9 triệu USD ở khu khu Marylebone của London, nơi vốn thuộc sở hữu một phần của gia đình một bộ trưởng Bahrain. The Guardian nói rằng thỏa thuận này không vi phạm pháp luật, nhưng “cho thấy một lỗ hổng giúp những người sở hữu bất động sản giàu có không phải trả thuế như những người dân Anh bình thường”.
Bên cạnh đó, hơn 1.000 công ty và cá nhân Nhật Bản, trong đó có ông Masayoshi Son - chủ tịch và tổng giám đốc điều hành SoftBank Group; ông Takeo Hirata - cựu trưởng ban thư ký Nội các Nhật Bản, bộ phận phụ trách tuyên truyền cho Olympic và Paralympic Tokyo, cũng có tên trong Tài liệu Pandora, theo Japan Times.
Theo Thu Loan/Tienphong

>> xem thêm

Bình luận(0)