Kim Hyung-wook là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc - KCIA – nay đã đổi tên thành Cục Tình báo quốc gia – từ năm 1963 đến năm 1969 và đã một thời là thân tín của cựu Tổng thống Park Chung-hee, người lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính quân sự. Tuy nhiên, càng về sau này, ông Kim càng có quan điểm đối đầu với thể chế lãnh đạo độc tài của Tổng thống Park Chung-hee.
Kim Hyung Wook. Ảnh: ASP.
Kim mất tích một cách bí ẩn vào ngày 7/11/1979 tại Paris, Pháp. Sự mất tích của ông Kim diễn ra vào thời điểm được coi là rối ren nhất trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc. Giám đốc KCIA lúc đó là Kim Jea-kyu bị bắt và hành quyết vì tội ám sát Tổng thống Park chỉ vài tuần sau khi Kim Hyung-wook mất tích. Vụ ám sát Tổng thống Park đã châm ngòi cho một cuộc đảo chính quân sự đưa Chun Doo-hwan lên nắm quyền.
Ngay khi rời KCIA vào năm 1969, Kim Hyung-wook đã rất lo lắng cho sự an toàn của mình và xin định cư tại Mỹ. Không chỉ công khai chỉ trích Park Chung-hee, ông Kim còn ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về việc chính quyền Park Chung-hee đã tiến hành những phi vụ vận động hành lang bất hợp pháp đối với các nghị sĩ Mỹ. Đồng thời, ông còn tiết lộ nhiều vụ việc bí mật trong đó có vụ KCIA bắt cóc đối thủ chính trị của ông Park Chung-hee là Kim Dae-jung. Mạng sống của Kim Hyung-wook bị đe dọa kể từ khi ông có kế hoạch cho xuất bản một cuốn tự truyện tiết lộ nhiều vấn đề bí mật của chính quyền Park Chung-hee và nhiều việc làm mờ ám của KCIA.
Những thông tin về vụ ám sát cựu Giám đốc Kim Hyung-wook được đăng tải trên tờ báo Chosun số tháng 3 dựa trên tiết lộ của một cựu quan chức tình báo cao cấp giấu tên từng làm việc cho KCIA và nghị sĩ của đảng Dân chủ Thiên niên kỷ Kim Gyeong-je - người đã viết cuốn tự truyện thay cho nhà cựu lãnh đạo KCIA này. Theo những tiết lộ thì Kim Hyung-wook bị chính quyền Park Chung-hee thuê người ám sát. 8 nhân viên KCIA đã tham gia nhiệm vụ này hiện đều còn sống.
Một nữ diễn viên người Mỹ gốc Hàn đã được thuê làm công việc "bỏ bùa yêu" cho ông Kim, sau đó gửi cho ông một bức thư tình thống thiết mong ông rời New Jersey để bay sang Paris, cùng tận hưởng những ngày lãng mạn. Còn điệp viên của KCIA thì đóng giả làm một sinh viên du học tại Pháp, tự nguyện làm hướng dẫn viên đưa ông Kim đi thăm khắp thành phố Paris trước khi giao ông ta cho một băng nhóm tội phạm tại đây xử lý. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông tại một sòng bạc ở thủ đô Paris hoa lệ vào ngày 7/11.
Một số cựu quan chức của KCIA cho biết, sau vụ bắt cóc Kim Dae-jung, KCIA đã có được một bài học đắt giá nên không trực tiếp tham gia vào việc thủ tiêu Kim. Thay vào đó, họ thuê một băng nhóm tội phạm địa phương tại Paris thực hiện việc này.
Yun Il-gyun, Phó giám đốc KCIA lúc đó, cho tờ Chosun biết rằng, ông ta đã tới nhà riêng của Kim tại New Jersey vào tháng 11/1978 và sau ba ngày thương thuyết, hai bên đã đạt được thỏa thuận trao đổi cuốn tự truyện của điệp viên siêu hạng này với giá 500.000 USD. Nhưng sau đó, ông Kim đã không giữ lời hứa và cho xuất bản cuốn tự truyện của mình tại Nhật Bản vào tháng 4/1979. Chính vì thế KCIA buộc phải tiến hành một chiến dịch để ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách.