Giới trẻ Trung Quốc khủng hoảng do kỳ vọng của cha mẹ

Google News

Nhiều thanh thiếu niên tại Hechuan (Trung Quốc) tỏ rõ tâm lý chán nản mọi thứ. Thậm chí, không ít em đã bỏ học để ở nhà ngủ và rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Tại thị trấn Hechuan (huyện Yongxin, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), sau mỗi kỳ thi Gaokao (tuyển sinh đại học), những học sinh đạt điểm số cao hoặc được nhận vào các trường hàng đầu luôn được mọi người ngưỡng mộ.

Trong khi đó, số đông học sinh còn lại, dù đã rất nỗ lực, bị đem ra so sánh.

Theo Sixth Tones, phụ huynh của những em học sinh này thường quan tâm đến kết quả học tập và thứ hạng trong lớp hơn là những vấn đề về tâm lý. Đến cuối cùng, những áp lực của các em trong việc duy trì điểm số và làm vừa lòng cha mẹ, kết hợp cùng hormone tuổi vị thành niên, đã tạo nên xung đột trong mối quan hệ gia đình.

Đó là lý do tại sao nhiều thanh thiếu niên tại Hechuan gặp khủng hoảng. Nhiều em đã kiệt sức, chán nản, nhiều em khác lại nghiện game trực tuyến. Thậm chí, không ít em đã bỏ học để ở nhà ngủ và rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Đến lúc này, cha mẹ các em đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý cho con mình như một biện pháp cuối cùng. Đó cũng là thời điểm để Shu Huai và Weiwei, 2 chuyên gia sức khỏe tâm thần, vào cuộc.

Gioi tre Trung Quoc khung hoang do ky vong cua cha me

Thị trấn Hechuan, tỉnh Giang Tây năm 2019. Ảnh: @jgs1272 /Weibo.

Ở các đô thị Trung Quốc, trong vài năm qua, sức khỏe tâm thần được đánh giá là một vấn đề nghiêm trọng ngang hàng với bất kỳ căn bệnh thể chất nào. Nhưng tại các vùng nông thôn, sức khỏe tâm thần nói chung và tâm lý thanh thiếu niên nói riêng vẫn chưa được xem xét nghiêm túc.

Theo Shu Huai và Weiwei, mặc dù biểu hiện của bệnh tâm lý là khác nhau giữa mỗi người, chúng thường có chung nguyên nhân. Theo quan sát của Shu Huai, lý do chính gây nên vấn đề tâm lý của thanh thiếu niên nông thôn có thể là do cha mẹ quá độc đoán hoặc thiếu sự đồng hành khi con còn nhỏ.

Bỏ mặc

Theo Sixth Tones, Hechuan là một thị trấn nhỏ tại Trung Quốc với diện tích dưới 50 km2 và dân số chưa đầy 100.000 người. Nơi đây không có đường sắt cao tốc, người dân chỉ có thể di chuyển bằng xe buýt hoặc ôtô cá nhân.

Thế nhưng thị trấn này lại có đến 9 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở và một trung tâm dạy nghề. Các bậc cha mẹ tại đây không ngần ngại đặt ra kỳ vọng cao cho con cái, họ tin rằng chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi vận mệnh của một người.

Khi con cái gặp vấn đề về tâm lý, kết quả học tập không như kỳ vọng, phụ huynh cho đó là "những đứa trẻ hư" và gửi chúng đi tư vấn sức khỏe tâm thần. Theo Shu Huai, các bậc cha mẹ chủ yếu hy vọng liệu pháp tâm lý sẽ giúp con cái họ "ngoan" trở lại và có thể học tập một cách nghiêm túc hơn.

Gioi tre Trung Quoc khung hoang do ky vong cua cha me-Hinh-2

Học sinh xếp hàng chờ tham gia kỳ thi Gaokao tại một trường trung học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Hechuan được coi là thị trấn thịnh vượng nhất trong huyện. Nhưng theo Shu, nơi đây có rất nhiều đứa trẻ mà cha mẹ là người lao động ở xa, để con cái ở lại cùng ông bà. Các em chiếm khoảng 30% số học sinh của thị trấn. Và trong số những học sinh đến nhờ Shu tư vấn tâm lý, nhóm học sinh này chiếm đến 60%.

Shu cho biết do mức thu nhập thấp, một số cha mẹ chấp nhận đến các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô hoặc Chiết Giang để kiếm sống. Họ để con nhỏ (thường là con đầu lòng) ở nhà, 2 năm sau trở về sinh đứa thứ 2. Sau đó, họ lại đi xa làm việc, để lại cả 2 con lại người thân lớn tuổi.

"Khi trẻ học lớp 3, các con bắt đầu trau dồi những thói quen học tập và sinh hoạt cơ bản. Nhưng nếu thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ, những đứa trẻ này thường thiếu tự tin.

Khi chúng lên cấp 2, các vấn đề nghiêm trọng hơn xuất hiện: các nam sinh đánh nhau, trốn học để chơi game và thành lập các băng nhóm nhỏ; Trong khi đó, các cô gái thường bị phân tâm khỏi học tập, thay vào đó lại dành nhiều thời gian hơn cho ngoại hình và các mối quan hệ xã hội", Shu nói.

Cô cho biết vào thời điểm cấp 2 như vậy, những học sinh này đã hoàn toàn vượt quá tầm kiểm soát của ông bà. Ngay cả khi cha mẹ trở về nhà để kỷ luật con cái, điều đó cũng hiếm khi có hiệu quả. Bởi lẽ phương pháp của những phụ huynh này thường chỉ là đánh đập và la mắng.

Gợn sóng trong ao tù

Tại Hechuan, hầu hết người dân đều thờ ơ khi nghe đến cụm từ "sức khỏe tâm thần". Nếu một người nào đó trong gia đình xuất hiện các vấn đề tâm lý, dù là trẻ vị thành niên, không ai dám nói về nó cho đến khi họ hoàn toàn không còn lựa chọn nào khác.

Shu nhận ra rằng khoảng 2/3 số bệnh nhân tìm đến mình là vì cho đây là phương pháp cuối cùng để giải quyết vấn đề.

Shu từng nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông làm thợ thạch cao, người này nói rằng con gái anh ở quê có vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Anh hỏi Shu khi nào cô có thời gian, hy vọng cô sẽ giúp con gái anh.

Chỉ khi họ gặp nhau, Shu mới nhận ra rằng người đàn ông quyết định gọi điện vì tình hình của con gái anh đã quá mất kiểm soát và anh cảm thấy mình không còn gì để mất.

Một lần khác, Shu liên hệ qua điện thoại với một thanh niên gặp vấn đề về tâm lý. Chàng trai trẻ bị hạn chế nghiêm trọng về kỹ năng xã hội và luôn hoang tưởng về việc bị người khác theo dõi.

Khi đi dạo, cậu thường có ảo giác rằng mình đang bị truy đuổi và rất sợ bị hành hung. Mặc dù cậu ấy sống ở Hechuan, cùng thị trấn với Shu, nhưng cô không thể gặp trực tiếp và chỉ có thể trò chuyện qua tin nhắn trên WeChat.

Mỗi khi Shu liên hệ, nam thanh niên không hề hợp tác. Bất chấp những nỗ lực của nữ chuyên gia, nam thanh niên chỉ gửi cho cô tổng cộng khoảng 15 tin nhắn, hầu hết trong số đó là những câu từ như "Oh", "Okay" hoặc "Được rồi".

"Thật sự rất buồn khi thấy em ấy làm như vậy nhưng tôi không thể làm gì hơn", Shu nói.

Gioi tre Trung Quoc khung hoang do ky vong cua cha me-Hinh-3

Áp lực từ gia đình khiến nhiều thanh thiếu niên tại Trung Quốc gặp khủng hoảng tâm lý. Ảnh: Global Times.

Trong khi đó, Weiwei tin rằng tham vấn trực tiếp giúp các chuyên gia tâm lý đánh giá tốt hơn về tính cách và các vấn đề của bệnh nhân thông qua việc quan sát ngoại hình, quần áo, biểu hiện và trạng thái tinh thần. Các chuyên gia cũng dễ dàng điều chỉnh cách tiếp cận của họ hơn khi có thể xem phản ứng của bệnh nhân đối với các câu hỏi.

Còn trong các cuộc tư vấn trực tuyến, Weiwei không thể chắc chắn liệu bệnh nhân có thực sự tin tưởng mình hay không. Đặc biệt, thông qua các cuộc trò chuyện bằng tin nhắn, cô không thể đánh giá chính xác được giọng điệu của bệnh nhân. Điều này tạo ra rào cản giao tiếp đáng kể.

"Thị trấn nhỏ này giống như cái ao tù. Trừ khi có sự xáo trộn lớn, bạn sẽ không thể thấy sóng trên bề mặt nước.

Trong các gia đình tại đây cũng vậy. Chỉ khi mọi người phát hiện ra rằng ai đó trong gia đình có vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, họ mới chú ý đến sức khỏe tâm thần.

Rốt cuộc, mọi người chỉ quan tâm đến những thứ liên quan đến bản thân họ. Ngay cả khi họ nhìn thấy một hoặc 2 tin nhắn trên điện thoại về sức khỏe tâm thần, họ sẽ bỏ qua luôn cho đến khi chính họ hoặc người thân gặp vấn đề", cô nói.

Theo Thục Hạnh/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)