Trong những năm qua, nhiều nữ tu Công giáo ở Ấn Độ, châu Phi, Mỹ Latin và Italy đã tố cáo các nam tu sĩ lạm dụng tình dục họ. Một tạp chí của Vatican tuần trước đã đề cập việc các nữ tu phá thai hoặc sinh con của các linh mục.
Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis chưa bao giờ đề cập vấn đề này cho đến khi được yêu cầu bình luận trong cuộc họp báo trên máy bay trở về Rome sau chuyến đi đến Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 5/2.
"Đúng vậy. Có những linh mục và giám mục đã làm điều đó", Giáo hoàng Francis nói.
|
Giáo hoàng Francis lên máy bay vào ngày 4/2 để trở về Rome từ Abu Dhabi sau chuyến thăm Trung Đông. Ảnh: Vatican Media. |
Theo New York Times, sự thừa nhận của Giáo hoàng đã mở ra bước ngoặt trong bê bối lạm dụng tình dục của các linh mục lâu nay, thừa nhận nạn nhân là các nữ tu, những người đã cố gắng nhiều năm để kêu gọi sự chú ý tới hoàn cảnh của họ.
Với phong trào #MeToo ủng hộ nữ giới đang phát triển mạnh mẽ và Giáo hoàng Francis đang chịu áp lực vì bỏ bê các nạn nhân của việc lạm dụng trẻ em, các nữ tu đã có được sự chú ý mà họ mong đợi.
Quyền lực của các linh mục
Tháng 11/2018, Hiệp hội Nữ tu Bề trên Tổng quyền Quốc tế (UISG), tổ chức đại diện cho giới nữ tu Công giáo trên thế giới, đã công khai tố cáo "văn hóa của sự im lặng và bí mật" góp phần thúc đẩy nạn lạm dụng tình dục. UISG cũng kêu gọi các nữ tu trình báo các vụ lạm dụng cho cơ quan thực thi pháp luật.
Tháng trước, Đức cha Hermann Geissler, chánh văn phòng giáo lý Vatican, đã từ chức sau khi một cựu nữ tu cáo buộc ông lạm dụng tình dục trong khi xưng tội.
Một bài báo tuần trước trên Women Church World, tạp chí dành cho nữ giới của Vatican, nhận định nạn lạm dụng tình dục có nguyên nhân từ việc các linh mục có quá nhiều quyền lực.
|
Các nữ tu đi ngang qua Giáo hoàng Francis trong thánh lễ tại Vương cung thánh đường St Peter ở Vatican. Ảnh: AP. |
"Việc lạm dụng phụ nữ dẫn đến những trường hợp mang thai và sinh con, là nguyên nhân của bê bối phá thai cũng như sự ra đời của các trẻ em không được các linh mục công nhận", tác giả Lucetta Scaraffia, một trí thức nữ quyền và tổng biên tập của Women Church World, viết.
Khi được hỏi về vấn đề này vào ngày 5/2, Giáo hoàng Francis nói rằng vấn đề đang diễn ra và Vatican đang giải quyết nó. Ông cho biết một số linh mục đã bị đình chỉ. Ông khẳng định còn nhiều việc cần làm và giáo hội mới chỉ bắt đầu tiến hành xử lý vấn đề.
Giáo hoàng Francis kể lại rằng người tiền nhiệm của ông, Giáo hoàng Benedict XVI, là "một người cứng rắn". Ông đã tìm cách loại bỏ các linh mục lạm dụng tình dục và thậm chí là "nô lệ tình dục".
Giáo hoàng Francis cho biết Giáo hoàng Benedict từng giải tán một dòng nữ tu vì "chế độ nô lệ phụ nữ đã len lỏi vào đó, biến họ trở thành nô lệ tình dục cho các giáo sĩ hoặc người sáng lập".
Alessandro Gisotti, phát ngôn viên của Vatican, cho biết Giáo hoàng Francis đề cập đến nhóm Nữ tu của Saint-Jean, một nhóm nhỏ ở Pháp từng đối mặt với nhiều vấn đề.
Cuộc đấu tranh dai dẳng
Mặc dù việc lạm dụng nữ tu ít được chú ý hơn so với việc lạm dụng trẻ em và nam thanh niên, nhưng điều này không phải là mới. Vào những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em bắt đầu ở Mỹ, các nữ lãnh đạo tôn giáo đã viết một số báo cáo kêu gọi sự chú ý đến các trường hợp linh mục lạm dụng nữ tu.
Tại châu Phi, các linh mục được cho là đã chuyển sang quan hệ tình dục với nữ tu trong thời gian lây lan dịch AIDS. Nữ tu sĩ Maura O’Donohue ở Malawi cho biết các linh mục đã làm cho gần 30 nữ tu trong một hội thánh mang thai. Cô cho biết các nữ tu này đã bị thay thế sau khi khiếu nại với giám mục.
Năm ngoái, một nữ tu ở Ấn Độ đã buộc tội một giám mục liên tục cưỡng hiếp cô từ năm 2014 đến năm 2016. Giám mục này đã bị bắt sau khi bị cô tố cáo với cảnh sát, một quyết định gây chia rẽ cộng đồng Công giáo địa phương. Nhiều linh mục đã ăn mừng khi giám mục này được tại ngoại trước khi ra hầu tòa trong năm nay.
|
Các nữ tu Công giáo phản đối một giám mục ở Ấn Độ bị cáo buộc cưỡng hiếp các nữ tu. Ảnh: AP. |
Ở Chile, Vatican cũng đang điều tra các cáo buộc linh mục lạm dụng nữ tu. Một số nữ tu cho biết họ đã bị loại khỏi giáo đoàn sau khi báo cáo về vụ việc.
Năm ngoái, một cuộc điều tra của AP đã phát hiện các trường hợp lạm dụng nữ tu ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Vatican được cho là đã không trừng phạt thích đáng những kẻ phạm tội hoặc hỗ trợ thỏa đáng cho nạn nhân.
Tại một hội nghị gần đây ở Pakistan, nữ tu sĩ Rose Pacatte đã nói chuyện với các nữ tu bề trên về cách ngăn chặn lạm dụng.
"Đừng báo cáo với giám mục hoặc linh mục khi gặp phải tình huống này. Họ có thể cũng là kẻ lạm dụng hoặc bao che", nữ tu Pacatte nói.
Năm ngoái, Mary Dispenza, một cựu nữ tu đang làm việc trong nhóm ủng hộ các nạn nhân bị linh mục lạm dụng, đã giúp phổ biến hashtag #nunstoo trên Twitter và thu thập câu chuyện về các nữ tu bị linh mục lạm dụng tình dục.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times, cô cho biết cô "rất tức giận vì Giáo hoàng không đứng lên và thực sự lên tiếng hay hành động trước bi kịch này".
Phần lớn chuyến thăm của Giáo hoàng đến UAE tập trung vào hội nghị đối thoại với thế giới Hồi giáo, trong đó đỉnh điểm là việc ký kết tuyên ngôn về tình anh em với Ahmed al-Tayeb, đại giáo sĩ (grand imam) của nhà thờ Al Azhar ở Ai Cập.
Ông nhấn mạnh tài liệu mà ông ký kết dựa trên nền tảng thần học mạnh mẽ và là "một bước tiến".
Sáng 4/2, giáo hoàng đã cử hành thánh lễ tại sân vận động Thành phố Thể thao Zayed ở Abu Dhabi trước khoảng 135.000 tín đồ Công giáo. Nhiều người trong số họ là người nhập cư từ Ấn Độ, Philippines và Nam Mỹ đến UAE để làm việc.
Thánh lễ còn có sự tham dự của 4.000 người Hồi giáo là buổi lễ công khai lớn nhất của nghi thức Công giáo trong lịch sử của vương quốc Hồi giáo Vùng Vịnh này, nơi việc tôn thờ các tín ngưỡng khác được chấp nhận nhưng thường không được thực hiện theo cách công khai như vậy.
Sự kiện lớn tiếp theo trong lịch trình của Giáo hoàng là cuộc họp với các chủ tịch hội đồng giám mục thế giới vào cuối tháng 2 ở Rome để tập trung vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục toàn cầu đang đe dọa di sản của Giáo hoàng và nền tảng đạo đức của Tòa thánh.