Theo Fox News, "vùng tử thần" trên nóc nhà thế giới là khu vực cao nhất của đỉnh Everest, khoảng hơn 8.000m so với mực nước biển. Để tìm hiểu về khu vực bí hiểm này, một nhóm thám hiểm gồm các nhà khoa học, nhà leo núi quốc tế và tổ chức National Geographic đã lắp đặt 2 trạm thời tiết cao nhất thế giới, lần lượt ở độ cao 8.430m và 7.945m. Hai trạm này có thể thu thập lõi băng ở độ cao chưa từng thấy và làm phong phú thêm hồ sơ của các loài sống trên núi cao.
|
Một thi thể được phát hiện trên đỉnh Everest. |
Các trạm thời tiết sẽ cung cấp dữ liệu thời gian thực từ "vùng tử thần" của đỉnh Everest. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự biến đổi khí hậu tác động đến vùng núi Himalaya như thế nào.
"Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại. Chúng ta vẫn cần tìm hiểu nhiều về việc biến đổi khí hậu thay đổi thế giới ra sao từ nơi sâu nhất dưới đại dương cho tới nơi cao nhất trên đỉnh núi", Jonathan Baillie, phó giám đốc điều hành kiêm trưởng nhóm khoa học của National Geographic, phát biểu trong một thông báo.
Hai trạm thời tiết sẽ thu thập dữ liệu về nhiệt độ, tốc độ gió và nhiều yếu tố khác. Việc quan sát thời tiết trên cao giúp dự báo chính xác hơn về tình hình thời tiết trong khu vực và thậm chí trên thế giới.
"Nếu chúng ta thu thập được dữ liệu đầy đủ trong năm, việc dự báo thời tiết sẽ vô cùng tuyệt vời", Tom Matthews, một trong những nhà nghiên cứu thám hiểm thuộc đại học Loughborough, Anh, chia sẻ với trang Earther.
Thống kê của BBC cho biết, từ năm 1921 đến nay, hàng trăm người đã thiệt mạng khi cố chinh phục "nóc nhà thế giới". Báo cáo gần đây còn cho thấy ngoài xác chết, khoảng 30 chục tấn rác thải cũng được phát hiện trên đỉnh Everest.
Tờ USA Today đưa tin hôm 2/5, bộ Du lịch Nepal, chính quyền địa phương và các nhóm leo núi tình nguyện khác đang phối hợp để thực hiện một chiến dịch đưa được 11 tấn rác thải trong tổng số 30 tấn ra khỏi đỉnh Everest.