Khi Barack Obama bước vào Nhà Trắng năm 2008, công chúng vẫn nhớ về ông cùng khẩu hiệu tranh cử "Yes, we can" (Đúng vậy, chúng ta có thể) đầy dứt khoát. Mãi về sau này, người ta mới để ý một khoảnh khắc ngập ngừng, một chút ngắt quãng khi Obama nói "yes" và "we can", đó là khi ông đã nổi tiếng với thói quen ngập ngừng giữa bài phát biểu của mình. Và càng ngày ông nói càng chậm.
The Economist cho biết danh sách những lần im lặng trong khi nói của Obama rất dài, trong đó nổi tiếng nhất là phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2008.
"Nếu có ai đó ngoài kìa/ vẫn còn nghi ngờ/ chuyện nước Mỹ là một nơi/ mọi điều đều có thể xảy ra,/ ai đó vẫn tự hỏi/ liệu giấc mơ của những nhà sáng lập/ vẫn tồn tại trong thời đại chúng/ ai đó vẫn chất vấn/ sức mạnh nền dân chủ của chúng ta,/ đêm nay/ chính là câu trả lời cho họ", ông Obama chậm rãi nói ngắt quãng.
|
Những lần ngập ngừng trong lúc phát biểu đã không còn là chuyện lạ với Obama và ông thậm chí từng lấy việc này ra làm trò cười. Ảnh: Getty. |
Tháng 6/2015, trong buổi tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng làm chết 9 người tại một nhà thờ dành cho người da màu ở Charleston (bang South Carolina), tổng thống Mỹ đã dừng lại 13 giây sau khi nhắc đến bài hát Amazing Grace, rồi bắt đầu hát. Cử tọa ngỡ ngàng, rồi đồng loạt đứng dậy vỗ tay.
Năm 2012, khi thông báo về chính sách nhập cư mới của mình, Tổng thống Obama đã dừng lại lâu đến nỗi một nhà báo xen vào vì tưởng tổng thống đã nói xong.
Stephen Colbert, danh hài và người dẫn chương trình ở Mỹ, bênh vực phóng viên trên rằng "có đôi lúc việc đoán xem tổng thống đã nói xong chưa là chuyện bất khả thi".
Trong cuộc phỏng vấn giả định cảnh ông Obama đi xin việc sau khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã nói với Colbert rằng điểm yếu của mình là việc "khi tôi nói,/ tôi/ dừng lại/ quá nhiều lần".
Những lần ngắt quãng giữa bài phát biểu của ông Obama nổi tiếng đến độ các học giả cũng không bỏ qua chúng. Các thống kê chỉ ra rằng ông Obama nói với tốc độ 180-190 từ/phút trong lúc vận động tranh cử. Con số đó giảm xuống nhiều sau khi ông trở thành tổng thống.
Ba nhà ngôn ngữ học người Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã viết một luận văn về chuyện ông Obama thường dừng lại trước hay sau giới từ.
Một nghiên cứu sinh ở Utrecht (Hà Lan) đếm được 106 lần "uh" và 18 lần "um" trong cuộc phỏng vấn dài 9 phút của ông Obama. Trong cùng thời lượng đó, số lần ngập ngừng của cựu tổng thống George W. Bush chỉ bằng một nửa.
Thế nhưng, nghiên cứu sinh này lại chỉ ra rằng những lần ngắt quãng của ông Obama thường kèm theo một tiếng ậm ừ khó nghe thấy, sau đó là một sự trầm tư cho thấy ông đang kiểm soát hoàn toàn tình hình. Còn với Bush, ông tỏ ra mình quên mất bản thân đang nói gì.
|
Ông Obama hát Amazing Grace sau 13 giây im lặng trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát tại nhà thờ ở South Carolina. Ảnh: AP. |
Đối với những người ủng hộ ông Obama, thói quen lâu năm này của ông là biểu hiện của sự thông thái, điềm đạm và cân nhắc. Người đàn ông cẩn trọng trong từ ngữ này sẽ không vội vã lao vào các cuộc "phiêu lưu" ở Lybia, Ukraine hay Syria. Ông sẽ cân nhắc mặt lợi và hại.
Tổng thống Obama tượng trưng cho một nước Mỹ đã thận trọng hơn, sau khi người tiền nhiệm của ông quá sốt sắng lao vào cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.
The Economist nhận định 2 thành tựu ngoại giao táo bạo nhất trong nhiệm kỳ của ông Obama, thỏa thuận hạt nhân Iran và quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, đều là kết quả của những cuộc "trường kỳ" ngoại giao. Việc thứ ba, tiêu diệt Osama bin Laden, cho thấy ông Obama cũng có thể quyết đoán nếu ông muốn.
"Đằng nào thì sức mạnh quân sự vượt trội của nước Mỹ cũng đã cho ông Obama một cây gậy quá lớn, ông có thể chọn cách "nói chuyện nhẹ nhàng". Hoặc lớn tiếng vừa đủ, rồi dừng lại đột ngột, và đầy quyền uy", The Economist nhận xét.
Tất nhiên, những người phản đối ông Obama không nghĩ vậy. Họ cho rằng vị tổng thống này đơn giản là không có khả năng ra quyết định. Khi ông Obama bước vào Nhà Trắng, ông hứa sẽ đóng cửa nhà tù ở Vịnh Guantanamo. 8 năm sau, nhà tù này vẫn ở đó. Ông mất quá nhiều tháng để quyết định có rút quân khỏi Afghanistan và cả chuyện rút bao nhiêu...
Cuối cùng, nói như biên tập viên Ann Wroe của The Economist, vai trò một tổng tư lệnh là trách nhiệm quá nặng nề đối với tổng thống Mỹ, khiến ông phải dừng lại để lấy hơi quá nhiều lần trong một bài phát biểu.
>>> Mời quý độc giả xem video về 44 đời tổng thống Mỹ (nguồn Youtube):