Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các quan chức trong chính quyền của ông bất ngờ vào ngày 22/3 khi “chìa cành ô liu” đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bất chấp việc Triều Tiên đang xem xét đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ và cân nhắc có nên tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân nếu Washington không chịu nhượng bộ.
|
Tổng thống Donald Trump phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng ngày 22/3. Ảnh: Reuters. |
Mâu thuẫn nội bộ
Trên trang cá nhân Twitter, ông Trump đã tuyên bố đảo ngược các lệnh trừng phạt quy mô lớn đối với Triều Tiên, được Bộ Tài chính Mỹ công bố trước đó 1 ngày. "Hôm nay, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt bổ sung vào lệnh trừng phạt hiện có đối với Triều Tiên. Tôi đã ra lệnh rút các biện pháp trừng phạt bổ sung đó" - ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter khi đang ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.
Giải thích về động thái này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng: “Tổng thống Trump thích nhà lãnh đạo Kim Jong Un và ông không nghĩ các biện pháp trừng phạt sẽ là cần thiết”.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ bị bất ngờ, cho thấy một ví dụ khác về sự khó đoán trong quyết sách của nhà lãnh đạo Mỹ. Ban đầu, nhiều người hiểu nhầm rằng Tổng thống Trump đang đề cập đến lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính đối với hai công ty vận tải Trung Quốc là Dalian Haibo và Liaoning Danxing với cáo buộc giúp Triều Tiên tránh các lệnh cấm vận, được công bố hôm 21/3. Nhưng chỉ vài giờ sau khi các dòng Tweet xuất hiện mới có thông tin về việc ông Trump đang nói đến một loạt các biện pháp trừng phạt mới, rộng hơn mà Bộ Tài chính vẫn chưa công bố.
Ông Bruce Klingner, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Quỹ Di sản - cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ nhấn mạnh, cách ông Trump đưa ra tuyên bố cũng như sự nhầm lẫn mà nó tạo ra có thể gây tổn thương cho các cố vấn, trợ lý phụ trách vấn đề Triều Tiên và những đồng minh của Mỹ trong khu vực. Sự thay đổi nhanh chóng trong quyết sách của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên đã làm dấy lên hoài nghi liệu những phát ngôn của các nhân vật dưới quyền ông có dễ bị đảo ngược ngay tại thời điểm công bố hay không và liệu họ có còn được quyền phát ngôn thay Tổng thống hay không.
Một số ý kiến cho rằng, Tổng thống đang quyết tâm ngăn cản những cố vấn có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên làm đổ vỡ những gì mà ông coi là thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại: giảm căng thẳng với Triều Tiên và tạo cơ hội đạt được một thỏa thuận lịch sử.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đang có dấu hiệu đình trệ, nhiều thành viên đảng Dân chủ và một số nghị sỹ đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, cho rằng, hành động bất ngờ này sẽ chỉ gây tổn hại lập trường của Mỹ, vốn theo đuổi việc gây áp lực tối đa để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Vụ việc đã bộc lộ những rối loạn trong quy trình hoạch định chính sách của Nhà Trắng, khi mà các dòng Twitter của Tổng thống còn có sức ảnh hưởng lớn hơn là sự hợp tác có chủ ý giữa các nhân vật trong chính quyền.
Ngay sau thông báo của ông Trump, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Cory Gardner, thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện, người đã hối thúc gia tăng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên nói rằng: “Bộ Tài chính đã đúng, các biện pháp trừng phạt nên được áp đặt theo luật pháp của Mỹ. Sự kiên nhẫn chiến lược đã bị thất bại. Đừng lặp lại sai lầm này”.
Ẩn ý của ông Trump
Giới quan sát nhận định, việc Tổng thống Trump thông báo đảo ngược lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nằm trong ý định cứu vãn chính sách mà cách đây hơn 1 năm, sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore, ông tuyên bố đã thành công. Keithine Lee, chuyên gia nghiên cứu Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung Tâm An ninh Mỹ cho biết: “Dường như có một nhận thức ở cả Seoul và Washington rằng các cuộc đàm phán đang đi vào ngõ cụt, do vậy cần phải tạo ra một cú hích mới cho vấn đề này. Sau tất cả, Tổng thống Trump có lẽ đang nỗ lực để cứu vãn phần còn lại của cái mà ông coi là di sản ngoại giao của riêng ông”.
Tờ Channel New Asia dẫn lời ông Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ), bình luận rằng, dòng Twitter của Tổng thống Trump có thể là một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng như nguy cơ Triều Tiên rút khỏi các cuộc đàm phán. “Việc ông Trump hủy bỏ các biện pháp trừng phạt có thể là nỗ lực khiến Triều Tiên thay đổi suy nghĩ”.
Trái ngược với quan điểm nêu trên, ông Bruce Klingner, một chuyên gia khác nghiên cứu về Triều Tiên khẳng định, mặc dù đề xuất trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ bị ngăn cản, nhưng thông báo trên Twitter của ông Trump dường như ám chỉ việc Mỹ luôn sẵn sàng áp đặt những biện pháp mạnh tay đối với Triều Tiên. Theo nhà phân tích Bruce Klingner, lời lẽ của Tổng thống báo hiệu rằng chiến dịch trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ nhằm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên sẽ là “mạnh nhất từ trước đến nay”.
Quyết định của ông Trump hoãn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên được đưa ra hơn một tuần sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui lên tiếng chỉ trích gay gắt Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng. Dù cáo buộc hai nhân vật này đã tạo ra “bầu không khí thiếu thân thiện và đầy hoài nghi”, song ông Choe Son Hui cũng tránh chỉ trích Tổng thống Donald Trump.
Theo một số quan chức Mỹ, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung, Tổng thống Trump vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược đàm phán với Triều Tiên, thậm chí tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sớm muộn cũng sẽ chấp nhận yêu cầu của Mỹ. Tổng thống Trump muốn thuyết phục ông Kim Jong Un rằng bất chấp sự hoài nghi của một số quan chức trong chính quyền Mỹ, ông vẫn là người quyết định cuối cùng và luôn mong muốn được thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Triều Tiên
Một số nhà quan sát cho rằng, cử chỉ đầy thiện chí của Tổng thống Trump cùng với thái độ cẩn trọng của Triều Tiên, chứng tỏ những khác biệt về quan điểm vẫn không “bóp nghẹt” hy vọng cho các cuộc đàm phán mới bởi cả Wasington và Bình Nhưỡng đều không muốn “phá hủy vĩnh viễn cây cầu ngoại giao vừa được xây dựng” giữa hai bên.