Bước đi mới nhất của EU sau một thời gian do dự được cho là chịu sức ép gia tăng của Mỹ, cũng như làm yên lòng Ukraine trước cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này vào cuối tháng 3 tới.
|
Cờ EU, Ukraine và Nga. Ảnh: DW. |
Phát biểu sau các cuộc gặp Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm qua tại Brussels, Bỉ, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, có sự đồng thuận chính trị giữa các nước EU về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Quyết định này sẽ được chính thức thông qua trong những ngày sắp tới. Bà Mogherini cũng đưa ra các điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện nay: “Trước tiên và quan trọng nhất đó là tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thực hiện Thỏa thuận Minsk. Điều này cần phải được thực hiện bởi cả hai bên nhưng rõ ràng Nga phải có trách nhiệm đặc biệt hơn. Tôi đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Nga về vấn đề này”.
Danh sách trừng phạt được cho là sẽ nhằm trực tiếp vào các cá nhân Nga có liên quan đến việc bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine tại eo biển Kerch vào tháng 11/2018. Hơn 2 tháng sau vụ đụng độ, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ và EU, 24 thủy thủ Ukraine vẫn chưa được thả. Vụ việc làm gia tăng lo ngại tại Ukraine rằng Nga có thể thực hiện một chiến dịch mới tại phía Đông nước này. Nhiều nước phương Tây cũng vấp phải sự chỉ trích của Ukraine khi cho rằng thiếu các bước đi cứng rắn nhằm vào Nga. Vì vậy, quyết định gia tăng trừng phạt được cho là xoa dịu lo ngại của Ukraine, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của khối trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào cuối tháng 3 tới.
Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelson nhấn mạnh: “Đây là cách để thể hiện sự đoàn kết từ Liên minh châu Âu. Chúng tôi cho rằng Nga cần phải thả ngay lập tức 24 thủy thủ Ukraine. Với biện pháp trừng phạt mới, chúng tôi cũng muốn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết tới Ukraine, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn nhằm vào Nga”.
Thực tế vấn đề trừng phạt Nga đã khiến nội bộ EU chia rẽ kể từ sau sự cố tại eo biển Kerch. Một số nước EU ủng hộ trừng phạt Nga trong khi Pháp, Đức, Italy phản đối và cho rằng cần tiếp tục đàm phán về việc thả các thủy thủ Ukraine. Với bước đi mới nhất của EU, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky nhận định, Mỹ đứng đằng sau quyết định của EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. "Sự đồng thuận chính trị” của các nước EU về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga rõ ràng chịu sức ép từ phía Mỹ. Ông cũng cho rằng điều đáng buồn hơn là EU một lần nữa tiến hành chính sách phụ thuộc và tiếp tục đi theo con đường của Mỹ.
Không chỉ phối hợp với EU gia tăng trừng phạt Nga liên quan đến vụ eo biển Kerch, Mỹ cũng đang thúc đẩy các biện pháp riêng rẽ nhằm vào Nga. Một nhóm các Thượng nghị sĩ Mỹ tuần trước đã trình một dự luật mới, hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Nga, với cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ cũng như tình hình tại Ukraine. Theo đó, mục tiêu của các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào ngành ngân hàng, năng lượng và nợ nước ngoài của Nga. Tuy nhiên, các quan chức Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt là vô ích và nước này cũng đang cân nhắc biện pháp đáp trả.