Hạt nhân từ lâu là chủ đề gây tranh cãi ở Đức. Những người muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân tin rằng công nghệ này không bền vững, nhiều rủi ro và làm chậm bước tiến đến năng lượng sạch.
Nhưng với những người khác, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là quyết định thiển cận, bởi điện hạt nhân là nguồn năng lượng ít phát thải carbon mà nhân loại rất cần để hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo CNN.
Quyết định gây tranh cãi
Hôm 15/4, Đức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trên lãnh thổ nước này là Emsland, Isar 2 và Neckarwestheim, bất chấp vẫn còn nhiều tranh cãi.
"Quan điểm của chính phủ Đức rất rõ ràng, điện hạt nhân không phải năng lượng xanh, cũng không bền vững. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên sản xuất năng lượng mới", Steffi Lemke, Bộ trưởng Môi trường và Bảo vệ người tiêu dùng Đức, tuyên bố.
Phong trào chống năng lượng hạt nhân tại Đức đã bắt đầu từ thập niên 1970 và ngày càng phát triển. Nguyên nhân một phần bởi các thảm họa hạt nhân liên tiếp xảy ra trên thế giới, phần khác bởi mối liên hệ với vũ khí hạt nhân.
|
Nhà máy điện hạt nhân Emsland bị đóng cửa ngày 15/4. Ảnh: AP.
|
Bất chấp những lo ngại về an ninh năng lượng sau khi Berlin từ bỏ khí đốt và cắt giảm triệt để nhập khẩu dầu thô từ Nga, chính phủ Đức vẫn quyết tâm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng.
Với phong trào chống hạt nhân, sự kiện ngày 15/4 là một chiến thắng to lớn.
"Đây là kết quả vĩ đại cho hàng triệu người phản đối hạt nhân ở Đức và khắp thế giới", Paul-Marie Maniere, người phát ngôn tổ chức Greenespace, nói.
Nhưng trong mắt những người phản đối kế hoạch này, quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân là bước đi thiếu logic, trong bối cảnh nhân loại cần những nguồn cung năng lượng phát thải ít carbon.
"Chúng ta cần giữ các lò phản ứng hạt nhân hoạt động an toàn trong khi đẩy nhanh phát triển các nguồn năng lượng thay thế", Leah Stokes, giáo sư chính sách năng lượng và môi trường Đại học California, nói.
Rủi ro lớn nhất hiện nay là các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ mau chóng lấp đầy khoảng trống năng lượng mà điện hạt nhân để lại. Theo một nghiên cứu công bố năm 2022, việc cắt giảm năng lượng hạt nhân ở Đức sau thảm họa Fukushima được bù đắp chủ yếu bằng nhiên liệu than.
Năng lượng đến từ 3 nhà máy điện hạt nhân vừa đóng cửa, chiếm 6% tổng lượng điện quốc gia, sẽ được Đức thay thế bằng năng lượng sạch kết hợp khí đốt và than.
Hơn 30% điện tiêu thụ ở Đức đến từ than, loại nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất thế giới. Quyết định tăng sử dụng than để đáp ứng an ninh năng lượng của chính phủ Đức vấp phải phản đối gay gắt.
Veronika Grimm, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Đức, cho biết duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân cho phép Berlin có thêm thời gian để điện khí hóa, đặc biệt trong bối cảnh năng lượng thay thế vẫn tăng trưởng chậm.
Năng lượng sạch hưởng lợi?
Phe ủng hộ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân tin rằng quyết định này cuối cùng sẽ đẩy nhanh sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.
Đức cam kết đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng muộn nhất vào năm 2038, một số nơi là 2030. Mục tiêu của Berlin vào năm 2030 là 80% điện đến từ các nguồn năng lượng thay thế.
Giáo sư Miranda Schreurs, chuyên gia chính sách môi trường và khí hậu Đại học Kỹ thuật Munich, cho biết đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là cú hích lớn cho ngành năng lượng xanh.
|
Cánh đồng pin năng lượng mặt trời ở Prenzlau. Ảnh: CNN.
|
"Nhu cầu cấp thiết là những gì chúng ta cần để thúc đẩy tăng trưởng năng lượng thay thế", bà Schreurs nói.
Các đại diện ngành công nghiệp năng lượng thay thế cho biết kỷ nguyên hạt nhân kết thúc sẽ tạo ra thêm cơ hội để vốn đầu tư rót vào các dự án năng lượng sạch.
"Việc Đức loại bỏ năng lượng hạt nhân là sự kiện lịch sử, một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Đã đến lúc chúng ta bỏ lại sau lưng kỷ nguyên năng lượng hạt nhân và xây dựng kỷ nguyên năng lượng tái tạo", Simone Peter, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo Đức, nói.
Lúc này, Đức sẽ phải xử lý rác thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân vừa đóng cửa. Đây là loại rác thải mà sự nguy hiểm của chúng có thể kéo dài tới hàng trăm nghìn năm.
Rác thải hạt nhân hiện được cất giữ tại kho chứa tạm kế bên các nhà máy điện hạt nhân đã bị dừng hoạt động. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Đức sẽ phải tìm nơi để chôn số rác thải này an toàn.
Địa điểm chôn rác thải hạt nhân phải sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, đồng thời nền địa chất phải là crystalline granite, đá muối hoặc đá đất sét. Khu vực chôn phải có địa chất ổn định, không có nguy cơ xảy ra động đất hoặc có mạch nước ngầm bên dưới.
Xử lý rác thải hạt nhân là quá trình phức tạp, có thể kéo dài hơn 100 năm. Công ty Xử lý rác thải phóng xạ liên bang Đức ước tính cần hàng chục năm để chọn được địa điểm chôn rác thải hạt nhân, sau đó sẽ cần thêm nhiều thập kỷ nữa để xây kho chứa và niêm phong.