Du học sinh Việt tại Hàn gặp thế khó, ở lại sợ dịch, về sợ nợ nần

Google News

Trong khi nhiều du học sinh bảo lưu kết quả 1 năm, lập tức đặt vé về Việt Nam, số khác chọn ở lại Hàn Quốc dù số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia này tăng lên rất nhanh.

Với Dương Anh Tuấn (sinh năm 1998, quê Quảng Bình) - sinh viên khoa Kỹ thuật điện tại Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc), đường phố Seoul những ngày này không còn đông đúc, nhộn nhịp như trước khi bùng phát dịch COVID-19.
Số ca tử vong ngày càng tăng lên. Hàng nghìn người đang chờ được xét nghiệm. Khẩu trang khan hiếm.
“Hiện tại, chính phủ Hàn bắt đầu cho bán khẩu trang ở các bưu điện, siêu thị chỉ định. Giá mặt hàng này không tăng, khoảng 60.000-70.000 đồng/cái. Tuy nhiên, ở siêu thị Emart phải xếp hàng rất dài. Mỗi người chỉ được mua 5-10 chiếc. Nếu mua ở bưu điện thì phải đăng ký trước trên web”, Tuấn cho hay.
Chàng trai 22 tuổi nói thêm: “Thật may mắn là ở chỗ mình đồ ăn, thức uống vẫn được bán đầy đủ”.
Tuấn sang Hàn Quốc du học tự túc từ cách đây 3 năm. Trong thời gian đó, cậu chưa một lần về thăm nhà.
Những ngày dịch COVID-19 bùng phát ở xứ sở kim chi, ngày nào bố mẹ cũng gọi cho Tuấn, giục con trai trở về.
Trước tình hình ngày càng phức tạp, Tuấn cũng như nhiều du học sinh và lao động Việt ở Hàn đứng giữa lựa chọn về nước để tránh dịch hay ở lại tiếp tục học, làm việc và chiến đấu với dịch bệnh.
Du hoc sinh Viet tai Han gap the kho, o lai so dich, ve so no nan
Đường phố Seoul vắng vẻ hơn trước khi bùng phát dịch virus corona. Ảnh: NVCC.
Liều lĩnh về mà không bảo lưu kết quả học tập
Ởkhu phố Dongdeamun nơi Dương Anh Tuấn sinh sống, chưa có ca bệnh nào được phát hiện. Nhưng theo cậu, nhiều khu vực ở Seoul bắt đầu có hiện tượng bùng phát dịch.
Hiện tại, người dân luôn đeo khẩu trang khi ra đường. Chỉ có một số người lớn tuổi ý thức kém không đeo khẩu trang, hút thuốc và khạc nhổ bừa bãi.
Những ngày qua, Tuấn nói chỉ biết cập nhật vị trí, số lượng người bệnh và thở dài. “Bạn nào về được rồi hay những bạn quyết định không về nước đều mang trong mình một nỗi khổ tâm”, cậu mô tả.
Hiện tại, Đại học Kwangwoon - nơi Tuấn theo học - cũng như một số trường đại học lùi lịch học đến ngày 16/3 và dự kiến cho sinh viên học online 2 tuần đầu.
Dù chưa biết trường có cho sinh viên nghỉ thêm tới khi nào hết dịch hay không, Tuấn vẫn quyết định đặt vé về Việt Nam mà không bảo lưu kết quả học tập.
Ngày 4/3, Tuấn sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài. Hiện gia đình 9X đã đăng ký trước với cơ quan y tế địa phương để cậu có thể cách ly ngay khi trở về.
Du hoc sinh Viet tai Han gap the kho, o lai so dich, ve so no nan-Hinh-2
Dương Anh Tuấn quyết định về nước tránh dịch trước diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc. Ảnh: NVCC. 
Rất nhiều du học sinh quyết định nghỉ làm thêm như Tuấn, thậm chí không do dự bảo lưu kết quả học tập 1 năm, để trở về Việt Nam.
Tuấn không bảo lưu vì “việc này liên quan tới rất nhiều giấy tờ, visa, thủ tục phức tạp. Hơn nữa khi muốn sang lại Hàn, làm mọi thủ tục rồi vẫn có thể không được”.
“Để được đặt chân sang Hàn Quốc, du học sinh đánh đổi bao nhiêu khó khăn, vất vả, tốn kém tiền bạc và rất khó tìm được công việc phù hợp để kiếm tiền vừa trang trải cuộc sống, vừa đóng học phí. Đấy là mình chưa nói đến những bạn phải tiết kiệm để gửi tiền về gia đình trả món nợ đã bỏ ra lo thủ tục xuất ngoại”, Tuấn nói.
Theo cậu, lúc đi du học, ai cũng mang theo hy vọng, niềm tin về tương lai. Bởi vậy, “nếu bây giờ bảo lưu để về mà không sang lại được, đối với những du học sinh như mình có thể mất đi tương lai tươi đẹp ấy”.
“Ở cái tuổi lấp lửng 22-23, giờ mà về nước không có bằng cấp, tiền vốn thì xem như trắng tay, phải làm lại từ đầu”, Tuấn nói.
Nếu chọn ở lại trong hoàn cảnh “dịch COVID-19 ngày một nghiêm trọng, trường chưa biết lúc nào mở lại, nơi làm thì chỗ cắt giảm giờ làm vì vắng khách, chỗ thì khách vẫn đông nhưng lại sợ dính virus”, Tuấn sợ lúc dịch lây lan, không biết có về được Việt Nam gặp bố mẹ hay phải sống chung với dịch bệnh hoành hành.
“Lúc đó lại cũng không việc, không học, nhỡ không may dính virus thì không biết có được chữa trị không. Người nào ở Hàn lúc này đều biết gọi vào đường dây nóng thì không ai bắt máy vì quá tải. Vấn đề kiểm tra virus lúc mà có triệu chứng ở đây cũng khá sơ sài”, Tuấn cho hay.
Những ngày này, Tuấn ở lại lo nốt việc đóng học, xin một vài giấy tờ để sau này hết dịch có thể sang lại. Cậu khẳng định sẽ quay lại Hàn Quốc vì “mình sợ mất học lắm”.
Hàng chục ca nhiễm gần nơi ở nhưng kiên quyết trụ lại
Khác với Tuấn, Ngọc Hà (22 tuổi, quê Quảng Bình) - sinh viên Đại học Hansung - quyết định ở lại Hàn Quốc dù hầu hết bạn bè của cô đã về nước.
Theo tình hình cập nhật trên website, khu Sungsin - nơi Hà đang sinh sống - đã có ca nhiễm virus được báo cáo. Trong bán kính 3 km quanh đó, có 13 bệnh nhân đã được cách ly, điều trị.
“Mọi người vẫn phải sinh hoạt, đi làm bình thường. Khẩu trang là mặt hàng thiết yếu để bảo vệ sức khoẻ nên mọi người mua đủ dùng chứ không hẳn là chen chúc, đổ xô đi mua”, Hà cho hay.
Cô gái quê Quảng Bình hiện làm thêm ở quán ăn. Những ngày này, mọi người ít ăn tại quán ăn hơn mọi khi. Họ chủ yếu gọi ship hoặc đóng gói mang về.
“Mình quyết định ở lại, nhưng không hề lo lắng. Vì như vậy không giải quyết được vấn đề gì cả”, Hà nói.
Du hoc sinh Viet tai Han gap the kho, o lai so dich, ve so no nan-Hinh-3
Hàng trăm người phải chờ đợi nhiều giờ tại sân bay Nội Bài trước khi được đưa về nơi cách ly. Ảnh: Korea 뉴스. 
Chia sẻ về lý do không về nhà tránh dịch, Hà cho hay: “Số lượng người từ Hàn Quốc về Việt Nam hiện rất là lớn. Ở sân bay, hàng nghìn người đang chờ để đi về. Vậy liệu sân bay có hoàn toàn sạch sẽ hay không? Trong số những người trên cùng chuyến bay, có ai chắc rằng bản thân mình không mắc bệnh không?”.
Hà nói thêm ở Hàn, hàng ngày cô không tiếp xúc với nhiều người. 9X tăng cường cung cấp vitamin cho cơ thể và luôn giữ ấm, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay để bảo vệ bản thân.
Một điều khiến Hà băn khoăn nữa là rào cản kỳ thị đối với người trở về từ vùng có dịch COVID-19. “Bạn của mình về trước bị hàng xóm nói ra nói vào”, cô kể.
Dù nhiều du học sinh sẵn sàng bảo lưu kết quả 1 năm để về nhà tránh dịch, Hà nói việc này “rất phức tạp vì xem như phải làm lại từ đầu”.
“Nếu muốn bảo lưu để về Việt Nam thì phải cắt hẳn visa mới được về. Khi muốn đi học lại phải chuẩn bị hồ sơ lại từ đầu, bao gồm phải chứng minh tài chính. Nếu như giống mình ngày trước thì sẽ cần khoảng 400-500 triệu đồng. Còn nếu như tiền để chứng minh gia hạn bình thường cần khoảng 100 triệu. Mình chưa hỏi rõ thủ tục, chỉ được biết là phải chứng minh tài chính”, Hà cho hay.
Hiện tại, lịch khai giảng ở trường Hà được lùi đến 16/3. Như bình thường, thứ hai đầu tiên của tháng 3 là thời điểm bắt đầu kỳ học mới.
Nếu thời gian tới trường cho nghỉ thêm, dịch ở Hàn Quốc vẫn chưa được kiểm soát, trong khi sân bay không còn đông đúc, “mình vẫn quyết định ở lại”, Ngọc Hà khẳng định.
Cô nói thêm: “Mình hy vọng mọi người ở đây có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi người tự bảo vệ tốt bản thân, đeo khẩu trang khi ra đường".
Theo Thiên Nhi/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)