Nga mạnh tay kiểm soát thị trường nhiên liệu
Đài RT dẫn thông báo từ Bộ Năng lượng Nga ngày 21/9 cho biết các hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel thương mại sẽ bị tạm dừng từ ngày 22/9 nhằm mục đích ổn định thị trường nội địa.
|
Nga thông báo lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel có hiệu lực từ ngày 22/9. Ảnh RT |
Theo đài RT, giá xăng và diesel trên thị trường Nga đã tăng kỷ lục trong những tháng gần đây,
Thông báo của Bộ Năng lượng Nga nêu rõ, lệnh cấm được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát giá nhiên liệu đang tăng cao ở nước này, đồng thời ngăn chặn các hành vi trốn thuế, không báo cáo thuế xuất khẩu của một số doanh nghiệp.
Thông báo cũng nêu một số trường hợp được miễn trừ khỏi lệnh cấm. Cụ thể, các hoạt động xuất khẩu nhiên liệu từ Nga sang các quốc gia thành viên khác thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan vẫn sẽ được tiếp tục.
Bên cạnh đó, các hoạt động vận chuyển nhiên liệu phục vụ mục đích viện trợ nhân đạo, nhiên liệu là hàng hóa của các quốc gia đi qua Nga, vận chuyển nhiên liệu tới các cơ sở quân sự và khoa học Nga ở nước ngoài cũng thuộc diện miễn trừ.
Tuần trước, hãng tin Tass đưa tin chính phủ đang cân nhắc hai giải pháp tiềm năng để ổn định giá nhiên liệu: áp dụng lệnh cấm tạm thời xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ hoặc tăng thuế xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lên 250 USD/tấn.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin nói rằng phương án thứ hai không được lựa chọn liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nhà máy lọc dầu. Theo Thứ trưởng Sorokin, giá nhiên liệu trong nước tăng vọt một phần là do đồng ruble giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như tình trạng thiếu dầu diesel trên toàn cầu.
Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nga cho thấy giá bán lẻ xăng và dầu diesel đã tăng 9,4% trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày 18/9. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng từng đề cập vấn đề này, đồng thời cho rằng các cơ quan quản lý đã không ứng phó kịp thời trước những thay đổi trên thị trường toàn cầu, dẫn đến giá nhiên liệu tăng.
Điện Kremlin cho biết, lệnh cấm này chỉ mang tính “tạm thời” và được thiết kế để giải quyết tình trạng giá năng lượng ngày càng tăng ở Nga, nhưng không cho biết khi nào các biện pháp này sẽ kết thúc.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Nga cho rằng thị trường nhiên liệu Nga đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi phí bảo trì tại các nhà máy lọc dầu gia tăng, tắc nghẽn đường sắt và sự suy yếu của đồng ruble.
Làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung
Theo tờ Financial Times, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng vọt trong ngày 21/9 sau thông báo mới nhất của Nga, leo dốc gần 5% lên hơn 1.010 USD/tấn.
Mặc dù giảm nhẹ trong phiên ngày 22/9, giá dầu Brent vẫn duy trì ở mức 93,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,5%, lên mức 90,03 USD/thùng.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu. Xuất khẩu dầu thô của nước này đã bị cắt giảm theo thỏa thuận giảm sản lượng với Ả Rập Saudi và nhóm OPEC+, góp phần đẩy giá dầu tăng 30% kể từ tháng 6.
Thị trường lo ngại rằng, việc Nga thắt chặt nguồn cung dầu vào thời điểm các ngân hàng trung ương trên thế giới đang vật lộn để kiềm chế lạm phát, khiến giá dầu thô có khả năng vượt ngưỡng 100 USD/thùng - lần đầu tiên sau 13 tháng.
Chuyên gia Henning Gloystein tại công ty Eurasia Group cho biết: “Khi mùa đông đang đến gần, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel có thể nhanh chóng đẩy giá dầu thô tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng, và điều này chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới”.
Phát biểu với đài CNBC hôm 22/9, Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, nói rằng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga được xem là cú sốc mới khi thị trường đang thiếu hụt dầu diesel.
Chuyên gia này lưu ý: “Thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận rõ ràng hơn từ việc thiếu hụt khoảng 1 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày của Nga trong ngắn hạn. Đà leo dốc của giá dầu sẽ phụ thuộc vào thời gian áp đặt lệnh cấm của Moscow”.
Diesel là nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vận tải biển và hàng không. Các sản phẩm phái sinh của dầu diesel như dầu sưởi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá trong mùa đông.
Đức và vùng đông bắc của Mỹ đều phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu để sưởi ấm các ngôi nhà. Thị trường nhiên liệu tinh luyện ở Mỹ đã thắt chặt do nhu cầu tăng cao và việc bảo trì nhà máy lọc dầu trong mùa hè, đẩy giá tăng cao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm ngoái cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga đã sản xuất “gần gấp đôi lượng dầu diesel cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước và thường xuất khẩu một nửa sản lượng hàng năm”.
Theo Công ty Phân tích dữ liệu vận tải hàng hóa Kpler (Pháp), Nga hiện là nước xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Trước thời điểm nổ ra xung đột với Ukraine, Nga cũng là nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU).
EU và Mỹ đã cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga kể từ tháng 2 năm nay, buộc Moscow phải chuyển hướng bán sang Thổ Nhĩ Kỳ, các nước ở Bắc Phi và Mỹ Latinh.
Nhóm G7 cũng đã cố gắng áp đặt giới hạn giá đối với doanh số bán dầu của Nga, trong khi các nước phương Tây đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ Ấn Độ và Trung Đông.
Tuy nhiên, doanh số bán nhiên liệu đã qua lọc của Nga, đặc biệt là dầu diesel, vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung dầu toàn cầu. Theo Kpler, vào tháng 8, Nga đã xuất khẩu hơn 30 triệu thùng dầu diesel và gasoil (một sản phẩm chưng cất trung gian được sử dụng cho nhiên liệu diesel) bằng đường biển.