Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/5, chỉ trong tháng 3, đã có tới 4,54 triệu người dân nước này bỏ việc, vượt xa kỷ lục được thiết lập vào tháng 11 năm ngoái và tăng 23% so với một năm trước đó. Số lượng tuyển dụng cũng thiết lập "đỉnh" mới, ở mức 11,5 triệu, do các nhà tuyển dụng đang phải vật lộn để lấp đầy các vị trí trống trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao.
Các nhà tuyển dụng cho biết, họ đang phải nỗ lực để lấp đầy các vị trí trống như đưa ra mức lương cao hơn, ký kết tiền thưởng và các gói phúc lợi hậu hĩnh nhằm thu hút người lao động. Với việc người Mỹ ngày cảnh để tâm đến thời gian làm việc, các công ty còn cạnh tranh bằng cách tổ chức nhiều ngày nghỉ hơn. Thậm chí, một công ty công nghệ ở New York sẵn sàng "tặng" nhân viên mới một kỳ nghỉ hai tuần có lương trước khi bắt đầu vào làm.
Các doanh nghiệp cũng ngày càng ngần ngại trong việc sa thải công nhân do khó khăn trong việc tuyển dụng. Trung bình, cứ một người bị sa thải trên thị trường lao động Mỹ thì có 3 người xin nghỉ việc. Tỷ lệ sa thải lao động đã giảm 7,1% so với một năm trước đó.
|
Rất nhiều công ty Mỹ đặt biển tuyển dụng. Ảnh: Getty Images |
Trong khi phần lớn tình trạng thiếu hụt lao động của Mỹ tập trung vào các vị trí phổ thông như công việc bán lẻ, bán đồ ăn nhanh, thì số lượng lao động cổ cồn trắng bỏ việc cũng ngày càng tăng. Trong tháng 3, 809.000 người Mỹ làm việc trong các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh đã chủ động bỏ việc, tăng 28% so với một năm trước đó. Phân khúc duy nhất có tỷ lệ bỏ việc dưới 1,5% là nhóm dịch vụ công, trong đó tỷ lệ nghỉ việc trong chính quyền liên bang là 0,8%.
Theo Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại thị trường việc làm trực tuyến ZipRecruiter, tình trạng lao động bỏ việc trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây là do các nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động trở lại văn phòng sau khi cho phép họ làm việc từ xa trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. Một cuộc khảo sát của hãng cho thấy 14% những người bắt đầu một vị trí mới trong 6 tháng qua có cơ hội làm việc tại nhà. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Jerome Powell lại cho rằng sự "không bền vững" của thị trường việc làm Mỹ là yếu tố chính khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.