Chức vụ Tổng thống Pháp được cử tri bầu trực tiếp qua hình thức phổ thông đồng phiếu, Tổng thống Cộng hòa Pháp không đơn thuần chỉ là người đứng đầu Nhà nước - nhân vật chính trong tất cả các cuộc tiếp tân chính thức cấp quốc gia, mà còn là một nhà hoạt động chính trị tích cực, với quyền hạn gần như vô song như chỉ định Thủ tướng, giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn; đồng thời cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao của quân đội.
Cung điện Elysée được xây cất vào năm 1718, do kiến trúc sư Armand-Claude Mollet (1660-1742) dựng cho Bá tước Evreux (1679-1753). Sau khi Bá tước Evreux chết, tòa nhà được Vua Louis XV (1710-1774) mua lại trong năm 1750 làm nơi ở cho cô nhân tình Marquise de Pompadour (1721-1764). Khi người tình mất, tòa bất động sản khổng lồ được nhà vua chuyển công năng làm nơi lưu trú cho khách nước ngoài. Sau cách mạng 1789, lâu đài Elysée biến thành tụ điểm giải trí công cộng, với các màn biểu diễn xiếc đang thịnh hành…
|
Toàn cảnh Điện Elysée. |
Kể từ năm 1873, Điện Elysée chính thức trở thành nơi ở và làm việc của Tổng thống Pháp. Nguyên soái Patrice de MacMahon (1808-1893) là vị nguyên thủ đầu tiên sống tại nơi này. Tổng thống đương nhiệm thứ 24 của nền Cộng hòa Pháp Francois Hollande cũng làm việc trong văn phòng chính thức, nổi danh qua tên gọi "Salon doré" (Phòng Vàng) như các bậc tiền bối.
Phòng Vàng hầu như không đổi kể từ năm 1861 khi căn phòng được bài trí cho Hoàng hậu Eugénie de Montijo (1826-1920), vợ của Hoàng đế Napoleon III (1808-1873) sử dụng. Thống chế Charles de Gaulle (1890-1970) bỏ thêm vào đó một quả địa cầu, Tổng thống Georges Pompidou (1911-1974) thì treo lên tường một bức tranh thời Phục hưng, còn Tổng thống Francois Mitterand (1916-1996) là những cuốn sách quý…
Các tập tục cũ vẫn còn tồn tại, như khoảng cách giữa các ghế ngồi quanh "chiếc bàn Đệ nhất của Pháp quốc" trong Phòng Vàng luôn cách nhau đúng 60cm; hay bữa ăn trưa do đầu bếp Marcel Le Servot trứ danh đạo diễn với bảng thực đơn phong phú, không bao giờ kéo dài quá 13 giờ 5 phút…
Người ta thường nói Paris thức giấc lúc 5 giờ sáng, còn Điện Elysée thì hầu như "không ngủ". Người Pháp gọi đây là "ngôi pháo đài" với 365 phòng cùng tổng diện tích 11.000m2. Điện Elysée không chỉ là biểu tượng, mà còn là nơi làm việc. Một chốn tập trung quyền lực và luôn xứng đáng với vẻ uy quyền đó. Được bài trí bởi 315 chiếc bàn, ghế và tủ từ các loại gỗ hiếm; 215 bức tranh quý cùng 64 pho tượng đắt giá khiến Dinh Tổng thống Pháp giống như một viện bảo tàng nghệ thuật thực thụ. Đại diện văn hóa nghệ thuật của mọi thời đại đều góp mặt tại tòa pháo đài mang tính chất chiến lược này.
Việc bảo vệ Điện Elysée do lực lượng vệ binh Cộng hòa phụ trách. Họ đứng gác cổng và kiểm tra mọi người cùng phương tiện ra vào, lái xe, sửa xe cũng như các công tác tạp vụ khác theo nhu cầu của Văn phòng Tổng thống. Họ đứng làm hàng rào danh dự trong các cuộc lễ chính, tháp tùng những chuyến đi của Tổng thống cũng như bảo vệ sự an toàn nội bộ bên trong Điện. Họ ngồi sau vô lăng 49 chiếc xe đời mới bọc thép, khi gặp các tình huống bất lợi cho các chính khách trong xe, họ chỉ được xử trí một cách duy nhất - có thể sử dụng vũ khí nếu cần - cốt để đưa được xe ra khỏi vùng nguy hiểm. Xe cộ không phải là tài sản của nhà nước, mà thuộc sở hữu riêng của Điện Elysée. Chúng được bảo hiểm trong các hãng tư nhân và được thay định kỳ 4 năm/lần, hay tương đương với quãng đường 90.000km.
|
Lính vệ binh Cộng hòa đứng gác trong một sự kiện ngoại giao được tổ chức tại điện Elysée vào ngày 10.4.2017 - Ảnh: AFP |
Ở một trong những lối xuống hầm ngầm bên dưới Điện Elysée có gắn tấm bảng cùng hàng chữ lớn "Hầm trú ẩn". Xuống dưới vài bước là cánh cửa thép dày, có các vòng quay kim loại như với các két sắt lớn. Sau đó là một hành lang ngắn, rồi lại một cửa thép nữa mới tới căn phòng đầu tiên được bài trí một cách xa hoa so với bối cảnh buồn tẻ dưới hầm sâu; nhưng chính từ đây Tổng thống có thể ra lệnh việc sử dụng sức mạnh hạt nhân của đất nước. Quyền này được khẳng định trong đạo luật ban hành ngày 14.1.1964, theo đó "chỉ có Tổng thống của nước cộng hòa là người duy nhất có quyền quyết định việc sử dụng thứ vũ khí đáng sợ nhất".
Trong một hành lang ngầm dài 20m và rộng 3m với các bức tường sơn màu san hô và có treo các bức ảnh mang đề tài quân sự, là những hộc cửa sát sít nhau, ẩn đằng sau là những căn phòng tuyệt mật. Một phòng dành để giải quyết các việc liên quan đến chiến lược hạch tâm. Một phòng khác sơ sài hơn là phòng họp cho 12 người với ghế Tổng thống đầu bàn, nơi có các bản đồ của từng khu vực khác nhau trên thế giới tùy theo nội dung cuộc họp.
Phía đối diện là văn phòng của Tổng thống - chỗ bí mật nhất trong pháo đài Elysée. phòng này chỉ có Tổng thống và viên Tư lệnh Bộ Tham mưu đặc biệt của ông mới được phép vào. Ở đây tập trung các đường dây điện thoại đầu não nối trực tiếp với nhau, Tổng thống cũng có thể nghỉ lại đây một cách yên trí nhiều ngày liền khi cần. Tại cuối đường hành lang có một tấm cửa thép nữa: thông với Điện chính và cũng chỉ có Tổng thống là người duy nhất được phép sử dụng con đường hầm riêng này.
Ở phần trung tâm bên trái lối vào chung là "Phòng Studio" - như những người phục vụ trong pháo đài thường gọi, nơi Tổng thống ra lệnh cho lực lượng hạt nhân của nước Pháp. Phòng này không bài trí giống như kiểu của Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) với hàng chục các chuyên gia ngồi trước những máy móc tối tân và hệ thống màn hình lớn; nơi đây không có tiếng ồn của các thiết bị kỹ thuật, cũng không có loa phóng thanh để phát hiệu lệnh, không có các hệ máy điện tử lập lòe và cũng chẳng có nút nhấn phóng tên lửa hạch tâm cho Tổng thống nữa.
Trong phòng này tập trung tối đa độ 10 người. Trên bàn của Tổng thống là tập hồ sơ, lọ cắm bút, microphone và điện thoại nối thẳng với Trung tâm chỉ huy lực lượng không quân chiến lược ở Taverny tọa lạc phía bắc ngoại ô Paris. Cách bàn tổng thống ngồi chừng 2m có một máy ghi hình cùng 3 màn hình màu: một chiếc thông báo việc kiểm tra chung; 2 cái còn lại đưa những hình ảnh liên quan trực tiếp tới Trung tâm ở Taverny và với Trung tâm hành quân quốc gia - đóng dưới tầng ngầm tòa nhà Bộ Quốc phòng trên phố St Dominique ở Paris.
Từ "Phòng Studio" qua Trung tâm hạt nhân chiến lược đặt ở căn cứ không quân Taverny, Tổng thống ra lệnh cho phi cơ Mirage mang vũ khí hạch tâm cất cánh, hoặc phóng tên lửa hạt nhân từ vùng Avignon, hay ra lệnh cho các tàu ngầm gắn vũ khí nguyên tử hoạt động. Trung tâm tại Taverny, cùng với một Trung tâm tương tự mới thiết lập ở Lyon và ở Bộ Quốc phòng là những cơ quan trực tiếp nhận lệnh của Tổng thống. Pháo đài ngầm của Tổng thống Pháp cũng có đường dây trực tiếp với Dinh Thủ tướng, chỉ được dùng tới trong trường hợp có "khủng hoảng", bởi thực tế Thủ tướng Pháp luôn bên cạnh viên sếp tối cao của mình.
Bức tranh quá quen thuộc lâu nay với khán giả truyền hình: 13 giờ chiều thứ tư hàng tuần, các Bộ trưởng trong nội các lần lượt vào Điện Elysée họp phiên thường lệ của Chính phủ. Đó là căn phòng nằm giữa tòa nhà chính có một chiếc bàn lớn hình bầu dục, phủ nỉ dày, bên trên là những chiếc đồng hồ có từ thời Tướng De Gaulle.
Không có hoa - một ngoại lệ trong những cuộc hội ngộ của người Pháp (âu cũng là một cách tiết kiệm ngân sách). Chỗ ngồi của từng vị bộ trưởng được ghi trên một miếng bìa nhỏ đặt ven bàn, còn 2 chiếc ghế ở giữa dành cho tổng thống và thủ tướng. Có những tập giấy trắng cùng phong bì, với con dấu đóng phía trên bên trái ghi: "Văn phòng tổng thống - Hội đồng Nhà nước".
Các cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng được tổ chức tại "Salon Murat", cũng chính là nơi thường họp của Hội đồng Chính phủ. Hội đồng quốc phòng bao gồm 15 người: tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính, nội vụ, tổng tham mưu trưởng quân lực, chủ tịch quốc hội và nhiều người giữ những vị trí then chốt khác trong guồng máy nhà nước. Đây là cơ quan cơ mật nhất của chính thể Cộng hòa.
Trong các cuộc hành trình của Tổng thống luôn có một nhân vật rất quan trọng đi kèm, kiêm đủ mọi vai trò như trợ lý, thư ký, bảo vệ, bác sĩ… thường tháp tùng Tổng thống ngay cả lúc ông đi duyệt đội danh dự và "thì thầm" cho Tổng thống biết tên tuổi những người có mặt. Ông này luôn mang một chiếc cặp ngoại giao với các tài liệu cần thiết, cũng là người tổ chức các cuộc "du hí" của Tổng thống ngoài các danh mục chính thức, như bơi thuyền dọc các kênh đào ở Venice, hoặc dạo chơi trên quảng trường Đỏ ở Moscow…
Viên phụ tá đặc biệt này luôn tìm được các chuyên viên thạo tin theo yêu cầu; đồng thời là người chịu trách nhiệm báo động cho lực lượng an ninh, thông tin cho bác sĩ, vạch sẵn các lộ trình mà xe chở Tổng thống phải qua mỗi khi có "sự cố", hay thay đổi các kế hoạch hành trình… Sáng nào cũng vậy, phụ tá đặc biệt thông báo các tin tức tối cần cho Tổng thống trong bữa điểm tâm. Ngoài ra nhân vật luôn cắp cặp theo sát Tổng thống còn có nhiệm vụ chính - khi cần: giơ chiếc cặp bằng hợp chất đặc biệt chống đạn ra che cho Tổng thống, bởi ông luôn từ chối mặc áo giáp bên trong.
Từ cuối tháng 9.1982, sau khi cân nhắc người ta đã lập ra "Nhóm bảo đảm an toàn" cho phủ tổng thống, bảo đảm an ninh cho nhân vật đứng đầu nhà nước. Lính chuyên nhiệm của Bộ Quốc phòng và cảnh sát đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ là 2 thành phần chủ yếu, với số quân lên tới gần 100 người. Còn các nhân viên an ninh vẫn đeo kính đen ngay cả khi trời tối, thứ kính nặng độ 300g có khả năng nhìn xuyên màn đêm đen đặc trong vòng bán kính 500m.
Lực lượng bảo vệ Điện Elysée cũng như các dinh thự chính thức khác của người đứng đầu nhà nước Pháp trực thuộc Đoàn vệ binh Cộng hòa. Đôi khi các ô cửa trên các tầng cao của tòa lâu đài đồ sộ người ta thấy thấp thoáng những người mang vũ khí. Đó là các nhân viên của "Nhóm hành động" thuộc lực lượng chuyên nhiệm quốc gia.
Cứ mỗi tuần 2 lần khi Tổng thống vắng mặt, họ lại tập báo động: Vệ binh Cộng hòa chạy ra các chốt gác, lên đạn và ngắm quanh các bậc thang, rà tìm từng mét các khuôn viên. Cửa ngõ được bít chặt. Cứ 6 tháng một, kế hoạch bảo vệ Điện Elysée lại được thay đổi trong vòng tuyệt mật.
Trong những năm gần đây các kế hoạch bảo đảm an ninh còn lan ra cả bên ngoài khu tường rào Điện Elysée nữa, như cấm khách bộ hành đi qua những khu nhà kề pháo đài. Một vài con phố sát bên cũng cấm xe hơi lưu thông, muốn vào phải có giấy phép đặc biệt. Đồng thời dân cư sống tại các khối nhà lân cận Điện Elysée đều bị kiểm tra thường xuyên.
Còn khi Tổng thống xuất hiện ở cửa Đại lễ - theo kế hoạch tiếp tân, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được tăng cường thêm: cấm mọi xe hơi dừng ở con phố đối diện, mật vụ rải dày đặc ở các khu dân cư xung quanh, còn trên nóc các ngôi nhà kế cận thì xuất hiện lực lượng cảnh sát đặc nhiệm vũ trang tận răng...