Quan hệ Mỹ - Trung vừa có thêm diễn biến tích cực, là cuộc gặp giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) kiêm Bộ trưởng Bộ TQ Vương Nghị với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào hai ngày cuối tuần rồi tại Malta, theo hãng tin Reuters.
Liên tiếp cuộc gặp cấp cao
Theo thông báo từ Nhà Trắng và từ Bộ Ngoại giao TQ, trong hai ngày 16 và 17-9, ông Vương và ông Sullivan đã trao đổi thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về quan hệ song phương cả về eo biển Đài Loan; các vấn đề khu vực như tình hình châu Á - Thái Bình Dương, bán đảo Triều Tiên; các vấn đề toàn cầu, trong đó có xung đột Nga - Ukraine và nhiều vấn đề khác.
Cuộc gặp mang lại nhiều điểm thống nhất đáng chú ý. Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ “hai bên cam kết duy trì kênh liên lạc chiến lược, theo đuổi sự can dự và tham vấn cấp cao hơn nữa trong các lĩnh vực quan trọng giữa Mỹ và TQ trong những tháng tới”.
Bộ Ngoại giao TQ ra thông cáo cho biết hai bên nhất trí tiếp tục triển khai sự đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt được tại Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022. Hai bên cũng nhất trí duy trì trao đổi cấp cao, tham vấn về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề hàng hải và chính sách đối ngoại.
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta ngày 17-9. Ảnh: X/CHINAEMBMALTA |
Nhà Trắng ghi nhận cuộc gặp giữa ông Sullivan với ông Vương là một phần trong chuỗi nỗ lực không ngừng của hai nước nhằm duy trì liên lạc cởi mở và quan hệ có trách nhiệm. Hãng tin Fox News ghi nhận việc ông Sullivan gặp ông Vương là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.
Cuộc gặp giữa ông Vương và ông Sullivan diễn ra sau hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và TQ. Trước cuộc trao đổi này, ông Vương và ông Sullivan từng gặp nhau hồi tháng 5 ở Áo. Trong cuộc gặp bốn tháng trước, ông Vương và ông Sullivan bàn về khôi phục hoạt động ngoại giao cấp cao - vốn bị đình trệ sau khi sự việc phía Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của TQ mà Mỹ nghi là khinh khí cầu do thám bay vào khu vực Bắc Mỹ.
Gần đây, phía Mỹ liên tục có các chuyến thăm cấp cao tới TQ, như của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa tháng 6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen (đầu tháng 7), đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry (giữa tháng 7), Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo (cuối tháng 8).
Theo Fox News, ông Vương dự kiến sẽ tới Washington, D.C. vào tháng tới. Nếu điều này diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức TQ tới thủ đô Mỹ kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Ông Biden và ông Tập sẽ gặp nhau tại Mỹ?
Fox News dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao Mỹ cho biết có những dấu hiệu “hạn chế ban đầu” cho thấy hai bên bắt đầu khôi phục dần kênh liên lạc quân sự bị cắt đứt từ sau Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.
Theo quan chức này, TQ gần đây cũng đưa ra “những dấu hiệu hạn chế” cho thấy mình quan tâm đến việc khôi phục một số kênh hai bên.
Dù nhất trí với phía Mỹ nhiều nội dung quan trọng nhưng riêng về vấn đề Đài Loan, trong cuộc gặp với ông Sullivan, ông Vương nhấn mạnh đây là “ranh giới đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung - Mỹ, Mỹ phải tuân thủ ba tuyên bố chung Trung - Mỹ và thực hiện cam kết không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan”.
Tháng trước, tờ Financial Times đưa tin Mỹ - Trung sẽ thiết lập các đường dây liên lạc mới để thảo luận về các vấn đề hàng hải và châu Á - Thái Bình Dương. Về chính thức, phía TQ chưa lên tiếng về việc này.
Diễn biến này cùng với chuỗi chuyến thăm và cuộc gặp trên, quan hệ Mỹ - Trung được đánh giá đang trên đà chuyển biến tích cực. Theo giới quan sát, đà diễn biến tích cực này sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập tại kỳ thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại TP San Francisco, bang California (Mỹ) vào tháng 11 tới.
Thời điểm này vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng ông Tập có dự APEC hay không. Vị chủ tịch TQ có dự thượng đỉnh Các nền kinh tế mới nổi BRISC (Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) tại Johannesburg (Nam Phi) vào tháng trước nhưng bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Ấn Độ vào đầu tháng 9. Ông Biden đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Tập bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ nhưng nói rằng sẽ “gặp ông ấy”.
Nhiều quan chức Mỹ dẫn câu nói của ông Biden để nhấn mạnh khả năng hai ông sẽ gặp nhau tại thượng đỉnh APEC. Financial Times cũng cho biết Mỹ và TQ đang đàm phán về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập một khi nhà lãnh đạo TQ dự thượng đỉnh APEC. Lần gần nhất ông Biden và ông Tập gặp nhau là tại thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái.