Hơn 200.000 người chết do COVID-19
Thế giới ghi nhận thêm 5.455 người chết do nhiễm virus corona chủng mới trong ngày 25/4, nâng tổng số người chết lên 202.554 trường hợp. Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới cũng tăng lên 2.908.774 trường hợp, có thể đạt mốc 3 triệu trong 2 ngày tới.
Hiện Mỹ vẫn là tâm điểm dịch bệnh với 952.995 ca nhiễm, tăng 27.763 trường hợp so với ngày 24/4. Mỹ có thể là nước đầu tiên trên thế giới chạm mốc 1 triệu ca nhiễm, nếu tốc độ tăng vẫn duy trì như trong tuần qua.
|
Hơn 200.000 người chết do nhiễm SARS-CoV-2. |
Tại các nước châu Âu như Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, số ca nhiễm tăng chậm trong 24 giờ qua. Riêng Đức trong ngày 25/4 chỉ ghi nhận 783 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên sau 42 ngày, nước Đức có dưới 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Tuy nhiên, Anh là nước châu Âu có số người chết do COVID-19 tăng nhanh nhất, với 813 trường hợp trong ngày, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 20.319. Anh trở thành nước thứ 5 trên thế giới có nhiều hơn 20.000 người chết do COVID-19 (sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp).
Pháp sắp công bố gỡ phong tỏa
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ công bố kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa đất nước vào thứ Ba tới (28/4).
Nước Pháp đóng cửa đất nước vào ngày 17/3 vừa qua để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Dự kiến, Pháp sẽ tháo bỏ phong tỏa vào ngày 11/5.
|
Pháp đang lên phương án gỡ phong tỏa. |
Tổng thống Emmanuel Macron có ý định cho phép các trường học mở cửa trở lại đầu tiên, dù chính phủ chưa chốt phương án thực hiện cụ thể. Pháp cũng cho phép các đơn vị bán lẻ được mở cửa vào ngày 11/5.
Số ca nhiễm mới tại Pháp tiếp tục tăng chậm với 1.660 ca nhiễm mới trong ngày 25/4. Số ca nhiễm và số người chết ở Pháp lần lượt là 161.488 và 22.614 trường hợp.
Thủ tướng Merkel: Đức mới ở giai đoạn đầu dịch
Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống COVID-19 ở Đức đang ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ trở thành một phần của cuộc sống trong một thời gian dài.
"Không ai thích nghe điều này, nhưng chúng ta không ở trong giai đoạn cuối, mà đang ở giai đoạn đầu của đại dịch", bà Merkel nói trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 23/4. Bà Merkel cảnh báo, Đức vẫn đang đi trên "băng mỏng".
"Chúng ta không thể trở lại cuộc sống trước đại dịch. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ khác biệt. Chúng ta sẽ phải sống với virus này trong một thời gian dài. Câu hỏi làm thế nào có thể ngăn chặn virus tấn công hệ thống y tế và sau đó giết chết vô số người sẽ vẫn là câu hỏi đối với các chính trị gia ở Đức và Châu Âu", bà nói.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Bà Merkel khẳng định, việc thực thi các hạn chế xã hội là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà.
"Tôi cảm thấy gánh nặng khi trẻ em khó có thể gặp gỡ bạn bè của chúng. Đó là gánh nặng với tôi khi mọi người chỉ có thể di dạo với một người khác ở bên ngoài gia đình và họ luôn phải để ý với khoảng cách tối thiểu", bà nói và nhấn mạnh các hạn chế này là hết sức cần thiết.
Đức được đánh giá là đương đầu với COVID-19 tốt hơn các nước châu Âu khác. Tính tới hiện tại, quốc gia này ghi nhận 5.846 trường hợp thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 trong tổng số 156.126 người nhiễm bệnh.