Cuộc đời phi thường của phi công “bất tử” trong Thế chiến II

Google News

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, chiếc máy bay do phi công người Mỹ Robert “Rosie” Rosenthal điều khiển hai hần bị bắn hạ nhưng ông vẫn sống sót kỳ diệu.

Từ Brooklyn đến chiến trường
Sinh ngày 11/6/1917 tại Brooklyn (New York), Robert “Rosie” Rosenthal chưa bao giờ có ý định trở thành phi công. Ông theo học tại Cao đẳng Brooklyn, tiếp đến là Trường Luật Brooklyn và bắt đầu làm luật sư sau khi tốt nghiệp năm 1941.
Nhưng trong suốt thời gian đó, Rosenthal vẫn luôn chăm chú theo dõi diễn biến ở Châu Âu. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào tháng 9/1939 với cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã và Rosenthal coi Adolf Hitler là mối nguy hiểm cho thế giới.
Theo ATI, Rosenthal là người Do Thái nhưng thái độ thù địch của ông đối với Đức Quốc xã không mang tính cá nhân. "Hitler là mối đe dọa đối với những người dân tử tế ở khắp mọi nơi", ông nói.
Cuoc doi phi thuong cua phi cong “bat tu” trong The chien II
Phi công Robert “Rosie” Rosenthal. Ảnh: ATI. 
Vào thời điểm Rosenthal tốt nghiệp trường luật, Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập. Tuy nhiên, điều này thay đổi vào ngày 7/12/1941 khi Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Rosenthal, người vừa bắt đầu sự nghiệp luật sư ở Manhattan, đã quyết định nhập ngũ vào lực lượng Không quân Mỹ.
Theo The New York Times, mặc dù Rosenthal lúc đầu được giao nhiệm vụ phi chiến đấu, nhưng ông vẫn nhất quyết tham chiến. Và không lâu sau, ông được cử đến Châu Âu để thực hiện các nhiệm vụ cùng Phi đội ném bom thứ 100.
"Cuối cùng, khi đến nơi, tôi nghĩ mình đang ở trung tâm của thế giới, nơi các nền dân chủ đang tập hợp lại để đánh bại Đức Quốc xã. Tôi đã ở đúng nơi tôi muốn", ông nhớ lại.
Phi công "bất tử" trong Thế chiến II
Ở Châu Âu, Robert Rosenthal được phân công vào Phi đội ném bom thứ 100. The New York Times đưa tin, Rosenthal đang thực hiện nhiệm vụ ném bom thứ ba thì chiếc máy bay chở ông và 12 máy bay khác trong phi đội bị khoảng 200 phi công Đức tấn công. Trong vòng vài giây, họ đã tham gia vào cái mà một chỉ huy không quân gọi là "trận không chiến tàn khốc nhất trong cuộc chiến đó hoặc mọi thời đại".
Rosenthal nhớ lại khoảnh khắc điều khiển máy bay thoát khỏi "tử thần": "Trong tình huống như vậy, bạn không nên nghĩ về cái chết. Hãy tập trung vào những gì phải làm để cứu máy bay và phi đội của mình. Bạn có thể sợ hãi nhưng có sự khác biệt giữa sợ hãi và hoảng loạn. Hoảng loạn làm tê liệt nhưng nỗi sợ hãi lại tiếp thêm sinh lực. Thành thật mà nói, nỗi sợ hãi duy nhất tôi từng trải qua trong chiến tranh đó là tôi sẽ khiến đồng đội của mình thất vọng”.
Vào ngày hôm đó, trong số 13 chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ, chỉ có chiếc của Rosenthal quay trở lại được căn cứ.
"Tôi cảm thấy có lỗi. Tại sao tôi lại sống trong khi tất cả đồng đội đều thiệt mạng?", Rosenthal tự dằn vặt.
Thực tế lại càng phũ phàng hơn khi Rosenthal phải đối mặt với cái chết nhiều hơn nữa. Trong 52 chuyến bay đảm nhiệm, ông đã bị bắn rơi hai lần: Lần đầu tiên ông bị gãy tay và mũi; lần thứ hai bị gãy xương cánh tay và may mắn được giải cứu.
Cuoc doi phi thuong cua phi cong “bat tu” trong The chien II-Hinh-2
 Rosenthal đã lái chiếc B-17 tương tự chiếc này. Ảnh: ATI. 
Dù nhiều lần thoát khỏi "cửa tử", phi công Rosenthal vẫn mong muốn được tham chiến. The New York Times đưa tin, khi đang huấn luyện lái máy bay B-29 ở Florida, ông nghe tin Nhật đầu hàng ngày 2/9/1945, gần 6 năm kể từ ngày Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan.
Cùng với đó, Thế chiến II kết thúc, Rosenthal nổi lên như một anh hùng, được tặng thưởng 16 huân chương. Tuy nhiên, đối với ông, cuộc chiến với Đức Quốc xã vẫn chưa dừng lại.
Công lý chiến thắng cái ác
Sau chiến tranh, Robert Rosenthal trở lại công ty luật Manhattan của mình một thời gian ngắn. Nhưng khi có cơ hội tham gia Phiên tòa Nuremberg ở Đức, ông đã chớp lấy cơ hội để truy tố Đức Quốc xã.
Rosenthal trực tiếp thẩm vấn nhiều nhân vật quan trọng của Đức Quốc xã như Wilhelm Keitel hay Hermann Goering - Tư lệnh Không quân Đức Quốc xã,...Ông rất hài lòng khi thấy những người này bị đưa ra công lý.
"Chứng kiến những người này bị kết án, bất lực và thảm hại, là sự kết thúc mà tôi cần. Công lý đã chiến thắng cái ác. Cuộc chiến của tôi cũng kết thúc", Rosenthal nói.
Trở về cuộc sống bình thường, Rosenthal kết hôn với luật sư đồng nghiệp, có cuộc sống yên bình bên vợ con. Ông qua đời ở tuổi 89 vào năm 2007 tại White Plains, New York.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Chiến đấu cơ Nga lao vào chung cư khi đang huấn luyện, nhiều người thương vong 

 

Thiên An (Theo ATI)

>> xem thêm

Bình luận(0)