Bị bắt
Tháng 3-1976, sát thủ Sobhraj quay lại Bangkok bằng cái tên “Jacob” trong cuốn hộ chiếu đã lấy được. Thời điểm này, sau cái chết của 2 người Hà Lan và 2 người Israel, cảnh sát Thái Lan bắt đầu nghi ngờ "một người đàn ông lai Ấn, Á cùng một phụ nữ phương Tây".
Theo Richard Neville, người chắp bút viết cuốn hồi ký "Cuộc đời tội phạm" cho Sobhraj, vì anh ta sử dụng hộ chiếu giả nên cảnh sát không biết anh ta vào, ra đất Thái lúc nào. Hơn nữa, họ cũng chưa rõ tên thật của Sobhraj.
Bên cạnh đó, nếu công khai vụ việc có thể sẽ khiến Sobhraj lặn mất, đồng thời cũng có thể làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp du lịch nên mặc dù đã thu thập được nhiều chứng cứ dựa trên bức thư thú tội của Rennelleau, cảnh sát Thái Lan chỉ lặng lẽ điều tra thay vì phát thông báo, đề nghị những ai biết về hung thủ hãy đến trình báo với nhà cầm quyền.
Nhưng người Hà Lan thì không! Một cán bộ phụ trách công tác lãnh sự ở Đại sứ quán Hà Lan tại Bangkok là ông Herman Knippenberg bắt tay vào việc điều tra. Theo ông Knippenberg, tất cả những nạn nhân xấu số đều có chung một điểm là trước khi chết, họ đều gặp gỡ, ăn uống, đi chơi với vợ chồng Sobhraj.
Mất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu qua những khách du lịch, những người lái taxi, xe tuk tuk, ông Knippenberg có được địa chỉ căn hộ nơi vợ chồng Sobhraj cư trú. Thuyết phục cảnh sát Thái Lan cho phép khám xét căn hộ, Knippenberg và cảnh sát phát hiện khá nhiều bằng chứng về việc Sobhraj liên quan đến những vụ giết người. Đó là hộ chiếu của một số nạn nhân cùng các giấy tờ liên quan đến họ như vé máy bay, thư từ, hình ảnh. Bên cạnh đó, ông Knippenberg còn tìm thấy một lượng lớn thuốc ngủ và bột lá cây Majiad.
Thời điểm xảy ra vụ khám xét, vợ chồng Sobhraj cùng Ajay đang ở Singapore. Lúc trở lại Bangkok và lúc xuống taxi để đi bộ vào nhà thì bất ngờ một đứa bé hàng xóm nhanh ẩu đoảng, đã báo cho Sobhraj biết: "Mấy bữa trước có nhiều cảnh sát đến nhà chú". Lập tức, bộ ba quay lưng tháo lui rồi thuê một chiếc xe hơi, chạy một mạch xuống tỉnh Surat Thani, miền Nam Thái Lan.
Nghỉ lại đó một đêm, hôm sau Sobhraj cùng vợ và Ajay đi Songkhla rồi qua biên giới, vào đất Malaysia. Hồ sơ Interpol về Sobhraj cho thấy tại Kuala Lumpur, theo lệnh Sobhraj, Ajay đã nhiều lần đột nhập vào các cửa hàng đá quý để ăn trộm nhưng sau đó cậu bé Ấn Độ này biến mất không tăm tích. Interpol tin rằng Sobhraj đã giết Ajay để xóa hết dấu tích trước khi đến Geneva, Thụy Sĩ, nơi vợ chồng anh ta xuất hiện như những người chuyên mua bán đá quý.
Tiêu thụ xong phần lớn số hàng do Ajay trộm được, tháng 7-1976, Sobhraj cùng vợ đi Bombay, Ấn Độ. Tại đây, anh ta thu nạp hai thiếu nữ người Mỹ là Barbara Smith và Mary Ellen Eather. Nạn nhân đầu tiên của "gia đình tội ác" Sobhraj là một thanh niên người Pháp tên Jean Luc Solomon. Vẫn bằng cách pha thuốc ngủ vào rượu để cướp tài sản nhưng do pha quá liều, Solomon ngộ độc chết.
Đến cuối tháng 7-1976, tại New Delhi, "gia đình" Sobhraj lừa một nhóm sinh viên Pháp bằng cách giới thiệu mình là những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Do tin tưởng, nhóm sinh viên này đã nhờ Sobhraj đưa đi thăm thú nhiều nơi. Một buổi chiều, trước bữa ăn tại khách sạn Vikram, Sobhraj đưa cho mỗi sinh viên một viên thuốc, nói là thuốc ngừa bệnh kiết lị vì điều kiện ăn uống ở Ấn Độ không bảo đảm vệ sinh.
Tuy nhiên, có 3 sinh viên chỉ giả bộ uống rồi khi nhìn thấy bạn bè mình lần lượt ôm bụng quằn quại, họ đã xông vào túm chặt lấy Sobhraj, lôi anh ta đến đồn cảnh sát. Khi bị thẩm vấn, hai cô gái người Mỹ nhanh chóng thú nhận âm mưu cướp tài sản của Sobhraj đồng thời khai luôn về vụ đầu độc Jean Luc Solomon.
Riêng vợ chồng Sobhraj, trước sau cặp đôi này chỉ nói rằng họ đã bất cẩn trong việc mua thuốc ngừa kiết lị đồng thời chối bay chối biến về việc bỏ thuốc ngủ quá liều dẫn đến cái chết của anh thanh niên người Pháp. Dù vậy, cảnh sát cũng xác định được Sobhraj là kẻ đã đánh thuốc mê lính gác để trốn trại ở Kabul, Afghanistan hồi năm 1971 qua vết mổ… ruột thừa!
Việc hỏi cung hoàn tất, Sobhraj, Marie, Barbara Smith và Mary Ellen Eather bị đưa đến nhà tù Tihar ở New Delhi chờ ngày xét xử. Chịu không nổi cuộc sống khủng khiếp trong buồng giam, Barbara và Mary Ellen tự sát nhưng nhờ những người ở chung buồng phát hiện, gọi lính canh đưa đi cấp cứu nên cả hai thoát chết.
|
SoBhraj trả lời phỏng vấn của các nhà báo trên đường ra tòa án Kathmandu. |
Riêng Sobhraj, do còn giấu được mấy viên đá quý đựng trong một cái ống bằng nhôm rồi nhét vào hậu môn, anh ta móc nối với mấy người lính canh, nhờ họ đem bán. Trong hồi ký, anh ta kể: "Dù ở tù nhưng bữa sáng của tôi luôn có bánh mì, trứng chiên, patê gan ngỗng, thịt jambon muối và pho mai hảo hạng, còn rượu thì khỏi nói".
Ra tòa, Sobhraj lĩnh án 12 năm tù giam về tội cướp thay vì phải chịu hình phạt treo cổ bởi những chứng cứ buộc tội anh ta giết Solomon không rõ ràng. Với Marie, cô ta bị phạt 7 năm tù nhưng chỉ hơn 2 năm, Marie được ân xá vì mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trở về Canada, Marie trước sau vẫn khẳng định rằng mình vô tội. Đến khi chết vào tháng 4-1984, cô ta cho biết mình luôn trung thành với tình yêu dành cho Sobhraj còn hai cô gái người Mỹ, mỗi cô nhận mức án 2 năm tù về tội đồng lõa cướp tài sản.
“Sát thủ bikini” biến thành… “người rắn”
Khi Sobhraj ở tù tại Ấn Độ thì ở Thái Lan, cảnh sát Thái và Sứ quán Hà Lan vẫn kiên nhẫn điều tra. Hai năm sau đó, họ đã có đủ bằng chứng về việc băng nhóm Sobhraj giết 2 người Israel và 2 người Hà Lan cùng 1 cô gái Mỹ và 1 thanh niên Pháp. Đầu năm 1980, một nhóm quan chức thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan sang New Delhi, làm việc với Bộ Tư pháp Ấn Độ để bàn về việc dẫn độ Sobhraj về Thái Lan xét xử khi anh ta mãn hạn tù ở Ấn Độ.
Lúc này, Sobhraj sống như một ông hoàng trong nhà tù Tihar. Với số tiền bán những viên đá quý mà viên rẻ nhất cũng có giá 50.000USD, buồng giam Sobhraj chẳng thiếu thứ gì, tivi, máy lạnh, tủ lạnh, điện thoại, bồn tắm nước nóng còn ăn uống thì sơn hào hải vị. Thỉnh thoảng, Sobhraj còn tổ chức những bữa tiệc, mời lính gác nhà tù tham dự nên họ đã làm ngơ để một nữ luật sư của Sobhraj là Sneha Senger vào buồng giam ngủ với anh ta!
Ở Thái Lan, tin tức về những vụ giết người của "Sát thủ bikini" Sobhraj tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lập tức, nó thu hút nhiều nhà báo và ngay cả những nhà làm phim vào trại giam gặp anh ta để phỏng vấn. Lẽ dĩ nhiên Sobhraj đâu bỏ qua cơ hội kiếm tiền có một không hai này. Với những cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài 30 phút, Sobhraj bỏ túi 2.000USD.
Trong những cuộc phỏng vấn ấy, Sobhraj luôn chối bỏ việc giết người mà chỉ giải thích về hành động của mình "là nhằm chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây ở châu Á". Riêng hai cuốn hồi ký, một là "Sobhraj - Cuộc đời tội phạm" do Richard Neville chắp bút và cuốn "Người rắn" do Thomas Thompson chắp bút, đã mang về cho Sobhraj 4 triệu USD. Tác giả Thomas Thompson cho biết: "Sở dĩ tôi đặt tên cho Sobhraj là "người rắn" vì dù bị giam ở nơi nào, anh ta cũng luồn lách trốn thoát được". Với cuốn phim nói về cuộc đời phạm tội của Sobhraj, một hãng sản xuất ở Bolywood - là kinh đô điện ảnh Ấn Độ đã trả cho Sobhraj 6 triệu USD tiền bản quyền!
Và mặc dù có tiền, nhưng Sobhraj vẫn canh cánh lo âu về việc sẽ bị dẫn độ sang Thái Lan, nơi anh ta phải đối mặt với án tử hình. Theo cố vấn của cô luật sư nhân tình anh ta, tháng 3-1986, khi đã ở tù được 10 năm, Sobhraj tổ chức một bữa tiệc hoành tráng, chiêu đãi toàn bộ lính gác và bạn tù nhưng thức ăn được bỏ thuốc ngủ. Lúc tất cả đã vật vã dưới tác dụng của thuốc, Sobhraj mở cửa nhà giam bước ra.
Hai ngày sau, anh ta bị thanh tra Madhukar Zende thuộc Sở cảnh sát Mumbai bắt tại nhà hàng O'Coquero. Theo hồ sơ Interpol, Sobhraj cố ý để bị bắt nhằm kéo dài thời gian ở tù vì theo luật Thái Lan, một vụ trọng án sau 20 năm mà vẫn không bắt được thủ phạm thì sẽ hết thời hiệu truy cứu hình sự.
Quả đúng như vậy. Vụ đầu độc, trốn trại mang lại cho Sobhraj thêm 10 năm tù giam, tổng cộng là 22 năm. Ngày 17-2-1997, lúc đã 52 tuổi, Sobhraj được trả tự do, chính quyền Ấn Độ cho phép anh ta về Pháp.
Lưới trời lồng lộng
Sobhraj sống thoải mái ở ngoại ô Paris với tài sản 15 triệu USD - là tiền kiếm được từ những lần trả lời phỏng vấn, viết hồi ký và bán bản quyền làm phim. Thế nhưng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Sobhraj quay lại Nepal, nơi anh ta đã giết người thanh niên Canada là Laurent Carriere và cô gái người Mỹ Connie Bronzich. Một số tờ báo Thái Lan gọi đó là "luật nhân quả".
|
Sobhraj cùng "vợ" là Nihita Biswas ở nhà tù Nepal, năm 2014.
|
Ngày 17-9-2003, một nhà báo tình cờ nhìn thấy Sobhraj trên đường phố ở thủ đô Kathmandu. Hai ngày sau, anh ta bị bắt lúc đang đánh bài trong casino của khách sạn Yak&Yeti. Gần 1 năm sau - ngày 20-8-2004, Sobhraj bị tòa án Kathmandu kết án tù chung thân vì tội giết Carriere và Bronzich. Hầu hết các bằng chứng dùng để buộc tội Sobhraj do lãnh sự Hà Lan là ông Knippenberg và Interpol thu thập được.
Cuối năm 2007, luật sư của Sobhraj gửi một bản thỉnh nguyện thư đến tổng thống Pháp là ông Nicolas Sarkozy, đề nghị Chính phủ Pháp can thiệp với Chính phủ Nepal, phóng thích Sobhraj vì lý do nhân đạo bởi lẽ anh ta đã ở tù Ấn Độ suốt 22 năm rồi nhưng thỉnh nguyện thư bị từ chối. Và mặc dù tù chung thân có nghĩa là suốt đời sẽ không bao giờ còn được bước chân ra khỏi nhà giam nhưng một thiếu nữ Nepal 20 tuổi là Nihita Biswas lại quyết định lấy Sobhraj làm chồng!
Sobhraj kể: "Tôi yêu Nihita Biswas ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô ấy là con của bà Shakuntala Thapa, luật sư của tôi khi bà đưa Nihita Biswas vào trại giam để làm thông dịch viên tiếng Pháp cho tôi", còn Nihita Biswas thì: "Dù đã 64 tuổi nhưng Sobhraj vẫn là một người đàn ông tuyệt vời. Tôi sẽ đợi anh ấy".
Ngày 9-10-2008, nhân lễ hội Bada Dashami của người Nepal, Sobhraj và Nihita Biswas tuyên bố đính hôn. Hôm sau, ban giám thị nhà tù Kathmandu bác bỏ thông tin này. Giám đốc nhà tù cho biết Nihita Biswas cùng gia đình được phép vào trại giam để thực hiện nghi lễ Tika cùng với những người thân của hàng trăm tù nhân khác nhưng đó không phải là lễ đính hôn vì khi vị trưởng lão bôi một dấu son lên trán họ thì đó chỉ là một phần nghi thức của lễ hội Bada Dashami.
Ngày 30-7-2010, Tòa án tối cao Nepal bác đơn kháng cáo của Sobhraj đồng thời bổ sung hình phạt 2.000 Rupi (tiền Nepal) về hành vi sử dụng hộ chiếu giả. Bên cạnh đó, tòa cũng ra lệnh phong tỏa tất cả mọi tài sản của Sobhraj.
Mẹ "vợ" anh ta - luật sư Shakuntala Thapa cho rằng "con rể" của mình đã bị đối xử bất công vì số tài sản của Sobhraj là do anh ta kiếm được qua việc trả lời phỏng vấn, viết hồi ký, bán bản quyền làm phim chứ không phải giết người cướp của. Riêng Nihita Biswas, "vợ" Sobhraj cười như mếu khi nghe tin gần 14 triệu USD của "chồng" mình không còn có thể rút ra được…
Cũng cần nói thêm là khi hồi ký "Charles Sobhraj - Cuộc đời tội phạm" xuất bản, Sobhraj đã phủ nhận tất cả những thông tin về mình trong cuốn sách này, và dọa sẽ kiện nhưng theo Richard Neville, người chắp bút cho cuốn hồi ký thì mọi lời kể của Sobhraj đều đã được ông ghi âm nên anh ta có kiện đằng trời!