Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 4/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 514.488.325 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.264.844 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 564.472 và 1.490 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 469.026.711 người, 39.196.770 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 40/835 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.213 ca; Pháp đứng thứ hai với 67.017 ca; tiếp theo là Italy (62.071 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 236 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 212 ca và Italy 153 ca.
|
Lực lượng chức năng khử khuẩn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.206.877 người, trong đó có 1.021.369 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.088.401 ca nhiễm, bao gồm 523.889 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.482.429 ca bệnh và 663.694 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 191,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 148,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 98,48 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,85 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,91 triệu ca và châu Đại Dương 7,28 triệu ca nhiễm.
Phát hiện đột biến mới ở "Omicron tàng hình"
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện ra đột biến mới trên protein gai của biến thể phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron ở cùng một vị trí giống với đột biến trên biến thể Delta.
Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Hiroaki Takeuchi, trường Đại học Y tế và Nha khoa Tokyo, đã phát hiện ra đột biến trên khi phân tích ADN của các mẫu bệnh phẩm lấy từ 116 bệnh nhân đã chữa trị ở bệnh viện này trong vòng 3 tháng cho tới giữa tháng 4/2022. Theo nhóm nghiên cứu, đột biến này được tìm thấy ở hai bệnh nhân nhiễm BA.2 Omicron – một biến thể phụ đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản. Nó xuất hiện ở vị trí L452 trên protein gai của BA.2 Omicron, cùng một vị trí với đột biến trên biến thể Delta – một biến thể đã lây lan khá nhanh ở nước này vào mùa Hè 2021. Nhóm nghiên cứu tin rằng đột biến mới đã xảy ra ở Nhật Bản, một phần vì các đặc tính gien của nó, một phần vì hai bệnh nhân trên không đi ra nước ngoài trong thời gian gần đây.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Cho đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu đột biến mới có làm tăng khả năng lây lan của BA.2 Omicron hay không. Tuy nhiên, hai bệnh nhân trên đều có các triệu chứng khá nhẹ. Đài truyền hình NHK dẫn lời Phó Giáo sư Takeuchi cảnh báo đột biến mới có thể khiến cho biến thể này lây lan nhanh, vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Hát giúp giảm khó thở khi mắc hội chứng COVID kéo dài
Hát có thể giúp giảm đáng kể tình trạng khó thở khi mắc hội chứng COVID-kéo dài. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí y khoa “The Lancet Respiratory Medicine”.
Từ năm 2020, Dàn nhạc Opera quốc gia của Anh (ENO) đã tổ chức chương trình giúp các bệnh nhân mắc COVID-19 cải thiện việc thở, với các lớp tập thở tổ chức một lần một tuần. Các bệnh nhân mắc COVID kéo dài tham gia lớp học sẽ được luyện thở bằng các bài tập như hát ru hay thổi ống. Sở dĩ hát ru được chọn làm bài tập vì đây là những bài hát ngắn, dễ hát dễ thuộc và giúp thư giãn.
|
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London đã so sánh kết quả điều trị của 150 bệnh nhân COVID kéo dài. Trong số này, 74 người tham gia chương trình tập thở của ENO trong 6 tuần, những người còn lại được điều trị bằng các biện pháp thông thường của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), bao gồm các liệu pháp tâm lý như các bài tập thở, tập thể lực, tập cân bằng và kiểm soát mệt mỏi. Các chuyên gia đề nghị người tham gia tự chấm điểm mức độ khó thở khi nghỉ ngơi, đi bộ, leo cầu thang và chạy, với điểm tối đa là 100.
Kết quả cho thấy, cả hai nhóm đều có sự cải thiện, trong đó những người tham dự chương trình của ENO cải thiện rõ rệt hơn về thở và sức khỏe tinh thần. Cụ thể, nhóm ENO có điểm khó thở khi chạy thấp hơn 10,48 điểm so với nhóm còn lại, thấp hơn 8,44 điểm khi leo cầu thang và 2,72 điểm khi đi bộ. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi, tỷ lệ khó thở của nhóm điều trị thông thường thấp hơn nhóm ENO.
Trong nghiên cứu cũng đánh giá mức độ cải thiện sức khỏe tinh thần của bệnh nhân trong vòng 6 tuần. Kết quả cho thấy, nhóm học hát có điểm số trung bình cao hơn 2,42 điểm so với nhóm còn lại.
Tiến sĩ Keir Philip thuộc Đại học Hoàng gia London, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết với việc tỷ lệ người mắc COVID kéo dài là 1/50, việc tìm ra biện pháp điều trị mới là vô cùng quan trọng. Ông nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cả hai cách điều trị bằng kỹ thuật thở đều giúp giảm triệu chứng, và chương trình (của ENO) là một cách đầy sáng tạo, nhân văn và tích cực”.
Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội
Do làn sóng dịch bệnh thứ 5 được kiểm soát nhanh hơn dự kiến và số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, ngày 3/5, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục nới lỏng các hạn chế xã hội giai đoạn 2.
Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 3/5, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết từ ngày 5/5, các nhà hàng sẽ được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 0 giờ sáng, thay vì 22 giờ như hiện nay, số khách tối đa mỗi bàn cũng được tăng từ 4 lên 8 người, giới hạn tiệc tối đa được tăng từ 20 người lên 120 người. Chính quyền đặc khu cũng cho phép mở cửa trở lại các bể bơi và bãi biển, người dân không cần đeo khẩu trang khi tập thể dục ở các địa điểm trong nhà và ngoài trời.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nhà chức trách, việc đeo khẩu trang khi tập thể dục sẽ không tốt cho sức khỏe. Việc nới lỏng số người mỗi bàn ăn là nhằm hy vọng người dân sẽ có một Ngày của Mẹ thật hạnh phúc (8/5). Ngoài ra, từ ngày 19/5, các tàu du lịch được hoạt động trở lại, các quán bar, karaoke, phòng xông hơi.. cũng được mở cửa trở lại và được phục vụ đến 2 giờ sáng, mỗi bàn 4 người. Sức chứa của rạp chiếu phim cũng được tăng lên 85%.
Lực lượng y tế cuối cùng của Trung Quốc đại lục đến hỗ trợ Hong Kong chống dịch sẽ rời khỏi thành phố này vào ngày 7/5.
Trong khi đó, ngày 3/5, toàn bộ học sinh các cấp học tại Hong Kong đã quay trở lại học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến do dịch bệnh. Chính quyền Hong Kong và một số tổ chức từ thiện sẽ cung cấp cho các trường đủ bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh để học sinh có thể làm xét nghiệm trước khi đến trường.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) triển khai đợt mới xét nghiệm đại trà COVID-19
Trong 3 ngày từ 3-5/5, tất cả người dân sống và làm việc tại 12 quận của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ phải làm xét nghiệm acid nucleic 3 lần liên tiếp. Đây là một trong các biện pháp của chính quyền thành phố nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 2/5, Phó giám đốc Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh Li Ang công bố danh sách các quận phải tiến hành xét nghiệm, trong đó có Đông Thành, Tây Thành, Triều Dương, Hải Điền, Phong Đài, Thạch Cảnh Sơn và Phòng Sơn. Ông cho biết: “Thành phố đã tiến hành một số vòng xét nghiệm acid nucleic trên diện rộng từ ngày 25/4, giúp phát hiện hiệu quả nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn virus lây lan".
Bắc Kinh đã hoàn thành đợt xét nghiệm đại trà thứ 3 vào ngày 29-30/4, với khoảng 21,8 triệu cư dân được xét nghiệm.
Tính đến chiều 2/5, Bắc Kinh có 10 khu vực nguy cơ cao và 26 khu vực nguy cơ trung bình. Trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày bắt đầu từ 30/4, chính quyền thành phố đã quy định tất cả người dân muốn vào các khu vực công cộng, các điểm tham quan, khách sạn hay nhà nghỉ đều phải trình giấy xét nghiệm acid nucleic âm tính trong vòng 48 giờ. Tất cả nhà hàng trong thành phố dừng phục vụ tại chỗ, thay vào đó sử dụng dịch vụ giao hàng từ ngày 1-4/5, theo quy định của cơ quan quản lý thương mại Bắc Kinh.
Người dân Hàn Quốc vẫn đeo khẩu trang dù không bị bắt buộc
Ngày 2/5, ngày đầu tiên Hàn Quốc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, hầu hết người dân trên đường phố Seoul vẫn đeo khẩu trang do cảm giác chưa thật sự an tâm.
Vào giờ ăn trưa tại quận trung tâm Gwanghwamun của Seoul, quang cảnh cho thấy các nhóm nhân viên văn phòng đi ăn cùng nhau và hầu hết vẫn đeo khẩu trang. Kim Joon-hwan, một nhân viên ngân hàng 37 tuổi làm việc tại khu vực trung tâm Euljiro, cho biết anh sẽ tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi các quy định được nới lỏng hơn nữa. Theo nhân viên này, việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen và làm việc này vì lợi ích của cộng đồng.
Cũng trong ngày 2/5, nhiều trường học tại Hàn Quốc đã tổ chức các sự kiện thể thao lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết học sinh đều đeo khẩu trang. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết các trường học được quyền tự quyết định có cho phép học sinh bỏ khẩu trang trong các hoạt động thể thao hay các lớp học thể dục hay không.
Từ ngày 18/4, Chính phủ Hàn Quốc đã bãi bỏ hầu hết các quy định giãn cách phòng dịch COVID-19 trừ việc bắt buộc đeo khẩu trang. Từ ngày 2/5, Hàn Quốc bắt đầu bãi bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Tuy nhiên, các sự kiện tập hợp trên 50 người vẫn phải đeo khẩu trang.
Việc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời được xem là bước tiến mới trong nỗ lực bình thường hóa đời sống hậu COVID-19 của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng còn quá sớm khi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Hàn Quốc tiếp tục bãi bỏ dần các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/5 được ghi nhận là 20.084 ca, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Số ca nhiễm COVID-19 ngày 2/5 cũng giảm đáng kể so với mức 37.771 của 1 ngày trước đó. KDCA cho biết nước này đã có thêm 83 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 22.958 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%. Số bệnh nhân nặng đang điều trị tiếp tục giảm xuống mức 461 người, ít hơn 32 người so với mức 493 người của một ngày trước đó. KDCA dự báo số ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục xu hướng giảm ổn định và đây là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục xem xét nới lỏng các biện pháp phòng dịch còn lại.
Thái Lan: Thủ đô Bangkok sắp chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu
Bộ Y tế Thái Lan đã thông báo cho các nhà chức trách thủ đô Bangkok chuẩn bị chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sau khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm mạnh.
Ngày 3/5 là ngày thứ hai liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 10.000 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tình hình COVID-19 ở thủ đô Bangkok cũng đang được cải thiện. Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết số ca mắc mới ở thủ đô ngày càng giảm là do phổ cập tiêm vaccine phòng bệnh cũng như các chương trình cách ly tại nhà và cho phép bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
Theo ông Kiattiphum, tuyệt đại đa số người dân Bangkok đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản, trong đó 60% cư dân đã tiêm ít nhất một mũi tăng cường. Tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy thủ đô Bangkok đã sẵn sàng chuyển sang quản lý COVID-19 như là một bệnh đặc hữu.
Hiện Bộ Y tế Thái Lan đang làm việc với các cơ quan liên quan ở Bangkok để từng bước giảm bớt các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19. Việc chuyển sang các biện pháp kiểm soát bệnh đặc hữu sẽ tập trung vào quản lý những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như công viên, quán rượu, quán bar và phương tiện giao thông công cộng. Chiến lược này sẽ giúp chuyển đổi thuận lợi sang các điều kiện bệnh đặc hữu của COVID-19.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần và hầu hết những người không qua khỏi đều là những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều. Theo Cục Kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tử vong trong 2 tuần qua là 0,14% trong tổng số các ca nhiễm.
Pfizer thu 13,2 tỷ USD trong quý 1 nhờ vaccine COVID-19
Trong quý I/2022, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đạt doanh thu lên tới 25,7 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng bán vaccine ngừa COVID-19 lên tới 13,2 tỷ USD.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của Pfizer, thu nhập ròng của hãng tăng 61%, lên 7,9 tỷ USD. Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan như vậy, song hãng vẫn hạ dự báo lợi nhuận cả năm do sự chệnh lệch của tỷ giá đối đoái ngoại tệ. Đến nay, Pfizer đã chuyển khoảng 3,4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho 179 nước. Sản phẩm của hãng hầu hết đã được cấp phép ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, vẫn cần tiến hành thêm các thử nghiệm sử dụng vaccine này cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla, công ty đang nghiên cứu phát triển các loại các vaccine thế hệ tiếp theo, trong đó có các loại vaccine ngừa biến thể mới vào mùa Thu năm nay.
Trong quý I/2022, Pfizer đã thu về 1,5 tỷ USD từ bán thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 trên toàn cầu. Hãng dược phẩm của Mỹ kỳ vọng doanh thu bán sản phẩm này trong năm nay sẽ đạt 22 tỷ USD khi công ty đẩy mạnh sản xuất và phân phối.
Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình vẫn có nguy cơ phải nhập viện điều trị.
Quy định mới nhất dành cho những người nhập cảnh Italy
Bộ Y tế Italy đã tuyên bố bỏ yêu cầu du khách phải hoàn thành Biểu mẫu định vị hành khách để được nhập cảnh nước này từ ngày 1/5, trong khi các quy định còn lại được gia hạn cho đến hết ngày 31/5.
Theo sắc lệnh mới được công bố trên công báo của Italy, bộ trên cho biết do tình hình đại dịch COVID-19 tại Italy cũng như ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và không thuộc (EU), quy định phòng chống COVID-19 đối với những người nhập cảnh vào nước này sẽ được gia hạn đến hết tháng 5, dựa trên khuyến nghị của Tổng cục Phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế rằng mặc dù tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã kết thúc tại Italy, nhưng nước này vẫn cần phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan. Do vậy, những người nhập cảnh vào Italy từ tất cả các quốc gia phải có một trong những giấy tờ cấn thiết. Thứ nhất là chứng nhận đã tiêm vaccine trong vòng 270 ngày kể từ mũi tiêm cuối cùng hay đã tiêm mũi tăng cường với các loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Vaxzevria, Johnson & Johnson, Novavax cũng như các loại vaccine được luật pháp Italy coi là tương đương như Covishield, Fiocruz, R-Covi. Thứ hai là giấy chứng nhận đã khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày do cơ quan chuyên môn cấp.
Trong khi đó, những người chưa tiêm vaccine hoặc không phải phục hồi sau COVID-19 cũng có thể nhập cảnh khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, với xét nghiệm nhanh có giá trị trong vòng 48 giờ và xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 72 giờ mà không phải cách ly bắt buộc. Những người không có 3 loại giấy tờ trên sẽ phải cách ly bắt buộc trong 5 ngày kể từ khi đến Italy và chỉ được hết cách ly khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã kết thúc tại Italy ngày 31/3, nhưng các quy định COVID-19 đối với những người nhập cảnh nước này đã được gia hạn một lần đến hết ngày 30/4.
Kể từ ngày 1/5, Chính phủ Italy đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19 của nước này, khi người dân không cần phải có "Thẻ xanh" để được ăn uống tại các nhà hàng hoặc đến trung tâm sức khỏe, phòng tập thể dục, các sự kiện thể thao, câu lạc bộ đêm và hội nghị. Người dân cũng không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào các cơ quan chính phủ, cửa hàng, ngân hàng, bưu điện, nhà hàng và hầu hết những nơi làm việc. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất, mọi người vẫn phải đeo khẩu trang trong một số không gian kín, bao gồm các phương tiện giao thông công cộng đường dài và địa phương, nhà hát và rạp chiếu phim cho đến ngày 15/6