Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 297.276.940 ca, trong đó có 5.479.443 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong là đáng ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng này.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Tây Ban Nha số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.800 ca.
|
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 khi đi trên đường phố Paris, Pháp ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
|
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 256.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 33 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 5/1, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.\
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.
Australia đã quyết định giảm bớt các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh hệ thống xét nghiệm của nước này đang phải căng sức đáp ứng nhu cầu của người dân khi số ca nhiễm liên tục tăng cao.
Theo các quy định mới, những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính với virus sẽ không còn bắt buộc phải làm thêm xét nghiệm PCR, yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với tài xế xe tải cũng được dỡ bỏ, và hành khách nhập cảnh từ nước ngoài sẽ không cần phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần.
Tại Israel, theo tính toán của giáo sư Eran Segal tại khoa Khoa học máy tính và Toán ứng dụng thuộc Viện Weizmann, số lượng bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại Israel cứ sau 2,5-2,7 ngày lại tăng gấp đôi. Báo cáo của giáo sư Segal công bố ngày 5/1 cho biết đà tăng nói trên là rất ổn định trong thời gian qua.
Cùng ngày, báo cáo của Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới tại nước này đã tăng lên 11.978 ca, là mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 6,65%, trong khi hệ số R đo tốc độ lây nhiễm cũng tăng liên tục lên 1,94. Hiện vẫn còn 14% số người trên 20 tuổi tại Israel chưa đi tiêm phòng vaccine, khiến nhóm này chiếm tới 68% các ca COVID-19 nặng.
Tại châu Âu, kể từ ngày 10/1, Bỉ nới lỏng quy định về xét nghiệm COVID-19 và cách ly, theo đó chỉ những người có triệu chứng nhiễm bệnh mới phải xét nghiệm PCR. Những người tiếp xúc có nguy cơ cao nhưng không có triệu chứng, đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 5 tháng qua, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, sẽ không phải xét nghiệm PCR, không phải cách ly.
Đối với những người tiêm mũi 2 trên 5 tháng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 4 ngày. Riêng với các trường hợp chưa tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, thời gian tự cách ly là 7 ngày. Tất cả các trường hợp nêu trên vẫn phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tiếp xúc với những người dễ tổn thương. Tuy nhiên, những biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Bỉ.
Đức thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại vốn được áp đặt với Vương quốc Anh, Nam Phi kể từ khi biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm cao được phát hiện. Theo đó, người từ Anh hoặc Nam Phi đến Đức sẽ không còn phải cách ly trong 2 tuần. Tuy nhiên, thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh vào Đức từ các quốc gia nằm trong danh sách “các khu vực đáng lo ngại” trong đó có quy định cách ly bắt buộc 14 ngày, sẽ không được rút ngắn thời gian kể cả có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính.
Các biện pháp hạn chế trên cũng áp đặt cả với công dân và những người định cư tại Đức trở về từ các “khu vực đáng lo ngại” do biến thể Omicron. Riêng đối với du khách đến các khu vực có “nguy cơ cao”, nếu có chứng nhận tiêm vaccine, không cần phải cách ly. Với những người chưa tiêm, bắt buộc phải cách ly 10 ngày nhưng có thể rút ngắn xuống một nửa nếu sau 5 ngày xét nghiệm cho kết quả âm tính.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
|
Thông tin của Hệ thống Kiểm dịch thông minh Séc cho biết trong ngày 4/1, 42.000 người từ 18-29 tuổi đã đăng ký tiêm mũi vaccine bổ sung. Theo dữ liệu thống kê tiêm chủng, toàn Séc có tổng cộng 6,82 triệu người đã được tiêm chủng, chiếm khoảng 64,5% dân số Séc.
Đối với những người trên 60 tuổi, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng là hơn 80% và hơn 70% với những người ở độ tuổi 70. Séc đã ghi nhận 10.169 ca mắc mới trong ngày 4/1, mức tăng hơn 10.0000 người nhiễm bệnh sau hai tuần. Hiện có 2.854 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 506 bệnh nhân trong tình trạng nặng. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng trở lại với 368 người/100.000 dân trong 7 ngày qua. Kể từ khi dịch xuất hiện vào tháng 3/2020, hơn 2,5 triệu ca mắc đã được xác nhận ở Séc.
Cho đến nay, khoảng 2,4 triệu người được chữa khỏi căn bệnh này, trong khi 36.397 người đã tử vong. Theo dự báo của Viện Thông tin và Thống kê Y tế Séc (ÚZIS), làn sóng nhiễm biến thể Omicron có thể dẫn đến 50.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 7.000 ca điều trị tại các bệnh viện vào nửa cuối tháng 1/2022.
Số liệu chính thức của chính phủ công bố ngày 5/1 cho thấy, cứ 20 người Anh thì có hơn 1 người mắc COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát tại "xứ sở sương mù". Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính có khoảng 3,7 triệu người Anh mắc COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, so với 2,3 triệu người vào tuần trước, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang lan nhanh trên toàn quốc.
Theo ONS, tỷ lệ các ca mắc mới tiếp tục tăng ở tất cả các nhóm tuổi trong tuần kết thúc vào ngày 31/12/2021, trong đó tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh niên. Thủ đô London ghi nhận tỷ lệ mắc cao nhất, với tỷ lệ 1/10 người. Tại vùng England, ước tính cứ 15 người trong cộng đồng thì có một người mắc COVID-19. Tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, nơi áp dụng trở lại một số hạn chế phòng dịch trong những tuần gần đây, tỷ lệ thấp hơn một chút, ở mức 1/20-1/25 người.
Các số liệu trên được đưa ra khi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nới lỏng các quy định xét nghiệm đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng ở vùng England, theo đó kể từ ngày 11/1, những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng sẽ phải tự cách ly ngay lập tức mà không cần xét nghiệm PCR. Quy định này cũng sẽ được thực hiện tại Scotland và xứ Wales từ ngày 6/1.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 1h00 ngày 6/1 (theo giờ Việt Nam), Vương quốc Anh ghi nhận tổng cộng 13.835.334 ca mắc COVID-19, trong đó có 149.284 trường hợp tử vong và 10.567.672 bệnh nhân bình phục hoàn toàn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin về biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021. Biến thể mới nói trên chính thức được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở Pháp tháng trước, sau khi các bệnh nhân vùng Marseilles miền Nam nước Pháp bắt đầu có triệu chứng bệnh hồi tháng 11.
Biến thể IHU có 46 đột biến, khiến giới chuyên gia quan ngại có thể kháng các loại vaccine hiện nay, cho dù biến thể này dường như không có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt khi so sánh với biến thể Omicron xuất hiện cùng khoảng thời gian nhưng nay đã lây lan ra toàn cầu. Giới chuyên gia quốc tế cũng cân nhắc hạ thấp nguy cơ do IHU gây ra, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng Omicron đã áp đảo IHU. Văn phòng WHO ở châu Âu cũng cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng trên toàn thế giới có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm hơn. Mặc dù lây lan nhanh, song biến thể Omicron cho đến nay dường như ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu, theo đó thế giới hy vọng đại dịch có thể sớm chấm dứt và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 33.874 ca mắc mới COVID-19 và 323 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.000.000 trường hợp và 306.331 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Việt Nam ngày 5/1 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 17.000 ca mắc mới và 230 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, đều là các ca nhập cảnh. Philippines số ca mắc mới lại tăng mạnh với trên 10.000 trường hợp.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, song số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5/1 ghi nhận thêm trên 3.800 ca bệnh mới và 19 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới đang trên đà giảm những cũng vượt 800 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 6 người.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.