Ngày 10/3, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 số hiệu ET 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Bole đã gặp nạn chỉ sau 6 phút khởi hành khiến 157 người thiệt mạng.
Ngày 4/4, hãng tin ABC News dẫn một nguồn ngoại giao chịu trách nhiệm về cuộc điều tra nguyên nhân tai nạn đưa tin kết quả điều tra cho thấy dữ liệu sai và việc hệ thống cân bằng máy bay (giúp máy bay giảm sự tròng trành, hay còn gọi là hệ thống thất tốc - antistall system) trên chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 có thể đã bị kích hoạt bởi một một tác động nào đó vào thiết bị cảm biến. Tác động này có thể gây ra bởi một con chim hoặc một vật thể bên ngoài trong lúc máy bay cất cánh.
|
Một máy bay của Hãng hàng không Ethiopian Airlines. Ảnh: thisisafrica |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Ethiopia Dagmawit Moges ngày 4/4 cho biết chiếc máy bay gặp nạn hôm 10/3 đang ở trạng thái rất tốt trước khi thảm kịch xảy ra. Phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Addis Ababa, Bộ trưởng Dagmawit khẳng định: "Phi hành đoàn đã thực hiện lặp lại tất cả các thủ tục mà nhà sản xuất cung cấp nhưng đã không thể kiểm soát được máy bay".
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông Ethiopia Dagmawit Moges tại cuộc họp báo ngày 4/4. Ảnh: CNN |
Bộ trưởng Bộ Giao Moges cho biết thêm báo cáo điều tra cuối cùng về vụ tai nạn sẽ được công bố trong vòng 1 năm.
Theo kênh CNN, phi hành đoàn cũng là những người có kinh nghiệm và được chứng nhận trải qua các khóa đào tạo bay cần thiết.
Trong khi đó, hãng Ethiopian Airlines cũng đã có tuyên bố chính thức về báo cáo kết luận vụ tai nạn, theo đó mũi của máy bay đã liên tục bị chúi xuống. Các phi công cũng đã tuân thủ khuyến nghị của hãng Boeing.
Trong ngành hàng không, sự cố đối với hệ thống thất tốc là một tình huống nguy hiểm. Khi đó, phần chuyển động nâng của cánh máy bay không còn đủ để chống lại trọng lượng của nó, khiến máy bay bị mất kiểm soát và rơi.
Vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Ethiopian Airlines là vụ tai nạn thứ hai chỉ trong vòng hơn 4 tháng đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8, vốn là dòng máy bay bán chạy nhất của tập đoàn Boeing. Hồi tháng 10/2018, một chiếc Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) cũng lao xuống biển Java chỉ sau vài phút cất cánh khiến 189 người thiệt mạng.
Hai vụ tai nạn hàng không kinh hoàn liên tiếp đối với Boeing 737 MAX 8 đã dẫn tới làn sóng tẩy chay dòng máy bay này trên toàn cầu. Tất cả các hãng hàng không thế giới đều đã cấm bay đối với 737 MAX 8.
|
Một chiếc Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Boeing |
Ngày 17/3, tập đoàn Boeing thông báo hãng này đang khẩn trương tiến hành cập nhật phần mềm và chương trình huấn luyện phi công liên quan tới hệ thống an toàn tự động (MCAS), vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn ngừa nguy cơ máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng và được cho là nguyên nhân dẫn tới hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc nói trên.
Trong thông báo, Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg cho biết hãng đang hoàn tất qui trình cập nhật phần mềm và điều chỉnh chương trình huấn luyện phi công. Việc cập nhật phần mềm sẽ giúp khắc phục sự cố hệ thống MCAS trong trường hợp dữ liệu cảm ứng đầu vào bị lỗi.
MCAS là hệ thống cảnh báo an toàn tự động được lắp đặt trong mẫu 737 MAX 8 để giúp máy bay tránh máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ hay mất lực nâng vì mẫu máy bay này nặng hơn, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi chất lượng khí động lực của máy bay, có thể khiến mũi máy bay bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển. Các cảm biến góc tấn trên máy bay sẽ cung cấp dữ liệu có thể kích hoạt MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ.
Sau vụ các tai nạn của Ethiopian Airlines và Lion Air, Boeing đã gửi thông báo tới các hãng hàng không có sử dụng 737 MAX 8 trong đội bay để hướng dẫn các phi công cách kiểm soát hệ thống MCAS và cho biết hãng đang cập nhật phần mềm của hệ thống