WHO và Liên hợp quốc coi việc kiểm tra trinh tiết của phụ nữ là hành động phản khoa học, vi phạm nhân quyền và bị cấm.
Tuy nhiên ngay tại Vương quốc Anh, điều tra của BBC đã xác định được 21 phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ kiểm tra màng trinh với giá từ 4,5 – 9 triệu đồng và cung cấp luôn dịch vụ vá lại với chi phí từ 45 - 90 triệu đồng.
Trong 5 năm qua, cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia của Anh đã phát hiện được ít nhất 69 ca vá màng trinh.
Tổ chức từ thiện nhân quyền Karrma Nirvana của Anh từng giúp đỡ hàng ngàn cô gái bị xúc phạm nhân phẩm và ép buộc kết hôn. Gần đây nhất, họ cứu giúp một cô gái trẻ, bị gia đình sắp xếp một cuộc hôn nhân không tình yêu.
Bộ dụng cụ được rao bán quảng cáo giúp vá lại màng trinh nguyên vẹn
“Một ngày nọ, một người lớn tuổi trong khu tôi sống nhìn thấy tôi đi chơi cùng một nhóm bạn. Người này lập tức nói với mẹ tôi rằng, trong nhóm đó có bạn trai của tôi. Tin đồn đó bắt đầu lan ra rất nhanh”, cô gái trẻ kể lại.
Sau đó cô bị chính bố mẹ mình và gia đình chồng tương lai yêu cầu đi kiểm tra trinh tiết để chứng minh cô vẫn còn trong trắng trước khi kết hôn.
“Tôi sợ hãi và không hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi cảm thấy bỏ chạy là lựa chọn duy nhất của mình khi đó và tôi đã làm”, cô gái trẻ chia sẻ.
Là người quản lý đường dây nóng, bà Priya Manota cho biết đã nhận được vô vàn cuộc gọi cầu cứu từ các cô gái. Họ lo lắng bị gia đình phát hiện từng có quan hệ tình cảm và không còn trinh. Họ cũng sợ gia đình gây áp lực, buộc phải đi kiểm tra màng trinh và không biết đối diện với kết quả như thế nào.
“Chúng tôi biết nhiều nạn nhân đã qua đời, một số khác đã bị gia đình chối bỏ”, bà Priya Manota thông tin.
Điều tra của BBC cũng phát hiện nhiều bộ dụng cụ vá màng trinh được rao bán trực tuyến trên mạng với giá 1,5 triệu đồng, một số bộ khác được mua từ Đức với giá hơn 3 triệu đồng.
Mỗi bộ dụng cụ chứa 60 ml gel giúp se khít âm đạo, một cái nhíp bằng nhựa, một viên nang máu và ba gói có vẻ như chứa máu giả nhưng không có hướng dẫn sử dụng cụ thể.
Bác sĩ phụ khoa Ashfaq Khan chia sẻ, ông vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu từ bệnh nhân về việc kiểm tra trinh tiết và vá màng trinh.
“Tôi không hiểu sao việc này vẫn còn ở Anh, nó phải được coi là bất hợp pháp. Tất cả quan điểm cho rằng không còn màng trinh đồng nghĩa không còn trinh trắng là sai. Nó có thể bị rách vì nhiều lý do và nếu tôi kết luận màng trinh một bệnh nhân đã rách, sau đó tôi vá lại rồi xác nhận bạn còn trinh thì đó là một chứng chỉ giả”, ông nói.
Vị bác sĩ cho rằng, việc yêu cầu một phụ nữ kiểm tra trinh tiết là một tội ác, không đúng cả về mặt khoa học và đạo đức.
Theo WHO, kiểm tra màng trinh hiện vẫn còn tồn tại ở ít nhất 20 quốc gia. Đây không phải là cách chứng minh một bé gái hay một phụ nữ trưởng thành đã từng quan hệ tình dục vì màng trinh có thể bị rách vì nhiều lý do, bao gồm cả việc sử dụng băng vệ sinh dạng ống, tập thể dục hay tai nạn.
Đầu năm nay, Tổ chức phụ nữ và xã hội Trung Đông đã bắt đầu chiến dịch cấm kiểm tra trinh tiết đồng thời kêu gọi tăng cường giáo dục nhiều hơn để gỡ bỏ dần những định kiến hủ tục liên quan đến trinh tiết.
“Nếu chúng ta tăng cường giáo dục cộng đồng và đảo ngược lại quan điểm lạc hậu này, mọi phụ nữ không còn trinh trước khi kết hôn sẽ không cần phải vá. Mọi thứ sẽ tự ngừng lại”, bà Halaleh Taheri – người sáng lập tổ chức tin tưởng.