Dẫn lời các nhà phân tích, báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) cho rằng chuyến đi Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào tuần tới cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng kiềm chế căng thẳng quân sự và nguy cơ tính toán sai lầm.
Quan hệ quân sự Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng trong những tháng qua vì vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Washington nói sẽ thách thức việc Bắc Kinh nỗ lực quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, cũng như giúp cải thiện năng lực phòng vệ của Đài Loan giữa lúc Trung Quốc gần đây tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh hòn đảo.
Thời điểm "sống còn"
Theo chuyên gia Pang Zhongying, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tôn Dật Tiên (Quảng Châu, Trung Quốc), nếu tình hình tồi tệ vẫn tiếp diễn, xung đột giữa hải quân hai nước có thể xảy ra.
"Đây là thời điểm sống còn trong việc xử lý mối quan hệ đang ngày càng xấu đi", ông Pang bình luận trên SCMP. "Vì vậy chúng ta nên theo dõi ông Mattis sẽ gặp ai: người đồng cấp, hay một nhân vật cấp cao hơn".
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên án Trung Quốc vì các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận đa phương trên biển lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), nói đây là "phản ứng đầu tiên" trước việc mà Mỹ nói là "hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông".
Trong khi đó, Luật Ủy quyền An ninh Quốc gia (viết tắt là NDAA, quy định về ngân sách và chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ) mới được Thượng viện Mỹ thông qua đã kêu gọi quân đội nước này tham gia vào cuộc tập trận thường niên quan trọng nhất của Đài Loan mang tên "Hán Quang".
Lầu Năm Góc cũng được cho là đang xem xét việc đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, cũng như tăng cường bán vũ khí cho Đài Bắc sau khi không quân Trung Quốc tiến hành diễn tập với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K xung quanh hòn đảo. Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai sẽ được thu hồi, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Căng thẳng giữa hai nước nổi lên tại Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á được tổ chức thường niên tại Singapore, hồi đầu tháng 6. Tướng Mattis lên án Bắc Kinh vì những hoạt động ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai hệ thống vũ khí "với mục đích đe dọa và cưỡng bách". Ông cũng nói Mỹ sẽ "đấu tranh quyết liệt" với các hành động của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp nếu cần thiết.
Không lâu sau đó, không quân Mỹ cho hai máy bay ném bom B-52 bay qua bãi cạn Scarborough hiện do Trung Quốc kiểm soát. Hồi tháng 4, tàu chiến của hải quân Mỹ tiến hành hoạt động mà họ gọi là "tự do hàng hải" (FONOP) gần các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Nhà phân tích quân sự Yue Gang nói việc duy trì liên lạc và trao đổi cấp bộ trưởng là điều vô cùng cần thiết là việc cung cấp thông tin đầy đủ là điều sống còn trong những thời điểm đối đầu, dù ông không nghĩ Bắc Kinh và Washington sẽ xuống thang căng thẳng.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng đội tàu hộ tống diễn tập trên Biển Đông tháng 4/2018. Ảnh: Xinhua/AP. |
"Việc coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược là chính sách đã được chính thức hóa của chính quyền Trump, và điều đó sẽ không thay đổi", ông Yue, đại tá về hưu của Quân Giải phóng Nhân dân, nói trên SCMP.
"Trao đổi thông tin là điều cần thiết để tình hình không bị mất kiểm soát", ông nói thêm.
Ông Mattis sẽ đến Bắc Kinh trước khi đến Seoul. Giáo sư Pang nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sắp diễn ra.
"Trung Quốc muốn viết lại thế giới"
Không chỉ trong những điểm nóng hàng đầu như Biển Đông hay Đài Loan, quan hệ Mỹ - Trung đang ngày một căng thẳng vì nguy cơ chiến tranh thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn giành chiến thắng trước Bắc Kinh trong tương lai trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu.
Điều này có thể được nhìn thấy trong bài phát biểu chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ ngày 15/6 của ông Mattis. Ông đánh giá "quyết tâm chính trị" của Trung Quốc là một trong ba thách thức đối với Mỹ, bên cạnh sức mạnh hạt nhân tương xứng của Nga và các thách thức cấp bách như chủ nghĩa khủng bố.
Theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Trung Quốc "từ lâu đã nuôi mong muốn viết lại trật tự thế giới" hiện đại.
"Họ dường như đang theo đuổi mô hình giống thời nhà Minh, nhưng với cách hành xử nặng về cơ bắp hơn, bắt các nước khác trở thành nước chư hầu, thuần phục với Bắc Kinh", ông nhận định.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Học viện Chiến tranh Hải quân ngày 15/6. Ảnh: Học viện Chiến tranh Hải quân. |
Bộ trưởng Mattis chỉ trích chiếc lược "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là hình thức "kinh tế săn mồi", để lại những núi nợ ở các nước hợp tác. Ông đồng thời lên án việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.
"Trung Quốc đã hưởng những lợi ích khổng lồ từ trật tự quốc tế mở, nhưng họ lại không có tiếng nói trong việc xây dựng trật tự đó", lãnh đạo Lầu Năm Góc nói. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ áp đặt mô hình của riêng mình lên các nước khác một khi sức ảnh hưởng mở rộng toàn cầu.
Tháng 2/2017, ông Mattis từng đưa ra những nhận định tương tự trong buổi họp báo cùng bà Tomomi Inada, khi đó còn giữ chức bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản.
Trao đổi với các quan chức Nhật Bản, ông Mattis cho rằng những hoạt động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông "ngày càng mang tính đối đầu".
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng quân sự và kinh tế để xây dựng lại một hệ thống "triều cống" tương tự thời nhà Minh, Nikkei Asian Review dẫn lại phát biểu trong chuyến công du đầu tiên của vị bộ trưởng. Ông khẳng định những ý định của phía Trung Quốc sẽ không được thế giới hiện đại chấp nhận.
|
Ông Mattis từng so sánh Trung Quốc hiện đại với thời nhà Minh trong chuyến công du đến Nhật Bản tháng 2/2017. Ảnh: AP. |
Tướng Mattis được đánh giá là người am hiểu lịch sử và đọc rất nhiều, sở hữu gần 7.000 quyển sách. Quan điểm của ông Mattis về các chính sách của Bắc Kinh mang đậm góc nhìn sử học, vốn là lăng kính thường được Lầu Năm Góc sử dụng để phân tích chính sách.
Bộ Quốc phòng Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush từng nghiên cứu về thời nhà Minh để tìm cách phản ứng các hành động thách thức của Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Mattis so sánh chính sách của Trung Quốc hiện đại với thời nhà Minh là khập khiễng, theo Washington Post.
"Lịch sử luôn phức tạp hơn những gì các chính trị gia kỳ vọng", Tim Brook, nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc tại Đại học British Columbia, nhận định.