Theo tờ Economist, trong bối cảnh bế tắc xoay quanh vấn đề trần nợ vẫn tiếp tục và nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ vẫn còn hiện hữu, Tu chính án 14 được nhắc tới như một giải pháp giúp chính phủ loại bỏ giới hạn vay mà không cần thông qua Quốc hội.
Tu chính án 14 có tuổi đời 145 năm, ngày nay lại trở thành chiếc "phao cứu sinh" dành cho chính phủ Mỹ. Tổng thống Joe Biden hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực của mình để kích hoạt Tu chính án 14 mà không cần thông qua Quốc hội, để nâng trần nợ công cho Mỹ.
|
Hình minh họa. Ảnh: Pinterest. |
Theo giáo sư Larry H. Tribe từ Trường luật Harvard, Khoản 4 của Tu chính án 14 là cơ sở để nhiều người lập luận rằng tổng thống có quyền yêu cầu thanh toán các khoản nợ của Mỹ mà không cần quan tâm đến trần nợ được Quốc hội đặt ra từ trước đó.
“Tại Mỹ, giá trị pháp lý của các khoản nợ công, được pháp luật cho phép, bao gồm những khoản nợ phát sinh để trả phụ cấp và thưởng cho nỗ lực trấn áp các cuộc nổi dậy hoặc phản loạn, sẽ không bị chất vấn"- Khoản 4, Tu chính án 14.
Khoản 4 của Tu chính án 14 được lập ra để khẳng định rằng mọi khoản vay của Chính phủ Mỹ, rồi sẽ được trả lại - bất kể bằng cách này hay cách khác. Điều khoản này được lập ra để ngăn cản các đảng phái tranh cãi về vấn đề thanh toán nợ công của Mỹ, xảy ra sau cuộc Nội chiến ở nước này.
Tuy nhiên, việc áp dụng Tu chính án 14 cũng có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy về lâu về dài. Theo Paul Schiff Berman, giáo sư luật tại Đại học George Washington, việc sử dụng Tu chính án 14 có thể là một giải pháp ngắn hạn, nhưng nó sẽ kéo theo một loạt những vụ kiện tụng sau này và gây bất ổn về kinh tế trong thời gian dài.
Việc sử dụng Tu chính án 14 còn ảnh hưởng lớn tới thị trường trái phiếu, những chủ nợ của Mỹ sau này sẽ yêu cầu một khoản phí bảo hiểm để tiếp tục cho vay.
Trong khi đó, Bộ Trưởng Tài chính Janet Yellen lại cho rằng, “Về mặt pháp lý, [giải pháp này] có khả thi hay không vẫn còn phải bàn cãi”. Như vậy có nghĩa là, trong khi chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ vỡ nợ vào 1/6 tới đây, thì những giải pháp để cứu vãn tình hình, vẫn đang được đưa lên bàn "mổ xẻ" và chưa rõ ràng phương án xử lý cũng như hậu quả của chúng sau này.
Chính phủ Mỹ từng vỡ nợ tới 5 lần
Trong lịch sử suốt kể từ khi lập quốc tới nay, chính phủ Mỹ từng vỡ nợ tới 5 lần. Hậu quả của những lần vỡ nợ này thực tế lại không quá trầm trọng, thậm chí còn tạo ra cú hích cho nền kinh tế Mỹ trong những năm sau đó.
Năm 1862, chính phủ Mỹ lần đầu vỡ nợ. Trước đó một năm, chính phủ Mỹ phát hành đồng tiền giấy có khả năng quy đổi ra vàng. Do cần vàng phục vụ cho cuộc Nội chiến đang diễn ra và thực tế ngân khố của Mỹ không có đủ vàng để đổi cho những người đã mua giấy nợ, Chính phủ Mỹ đã in ra hàng triệu USD để mua lại những tờ giấy đổi vàng đã phát hành trước đó.
Việc in tiền giấy để mua lại những tờ ghi nợ vàng - trong khi đáng lẽ ra phải trả lại vàng cho người gửi, được cho là lần vỡ nợ đầu tiên của chính phủ Mỹ.
Trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ phát hành Trái phiếu Tự do để tài trợ cho chiến tranh, kỳ hạn 25 tới 30 năm và khi đáo hạn, chính phủ sẽ thanh toán bằng vàng cho người mua.
Tới năm 1934, một loạt các đạo luật đã thay đổi, giá vàng thế giới cũng thay đổi chóng mặt sau cuộc Đại Khủng Hoảng, kết cục là người mua Trái phiếu Tự do lỗ khoảng 40%. Đây cũng được coi là một sự kiện vỡ nợ của chính phủ Mỹ.
|
Chế độ "Bản Vị Vàng" và "Bản Vị Bạc" được cho là đã sụp đổ sau những lần chính phủ Mỹ vỡ nợ. Ảnh: Economist. |
Giai đoạn những năm 60 của thế kỷ trước, Chính phủ Mỹ từng phát hành giấy chứng nhận, cho phép người dân sử dụng giấy này để đổi ra bạc. Các tờ giấy chứng nhận ghi rõ “Tờ giấy này chứng nhận rằng có một USD bằng bạc được gửi tại Bộ Tài chính Mỹ, được trả cho người cầm giấy chứng nhận này bất cứ khi nào có yêu cầu”.
Tuy nhiên tới năm 1968, do có quá nhiều người cầm giấy này tới Bộ Tài chính Mỹ đòi đổi lấy bạc, Chính phủ Mỹ tuyên bố chỉ cho phép đổi ra USD, không cho đổi ra kim loại quý.
Năm 1971 đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ Bretton Woods với câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc bấy giờ với các lãnh đạo G10: “Đô la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng là vấn vấn đề của các bạn”.
Đây cũng là năm đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống bản vị vàng, khi mà nước Mỹ có thể in bao nhiêu USD tùy ý, mà không cần cân đối với lượng vàng dự trữ trong kho. Các quốc gia đồng minh của Mỹ dù sở hữu hàng núi USD trong ngân khố, cũng không thể dùng chúng để mua lại vàng đã thế chấp cho Mỹ từ trước đó vì chính phủ Mỹ đã in ra quá nhiều tiền, trong khi đó lượng vàng trong ngân khố là có giới hạn.
Năm 1979, chính phủ Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự như hiện tại và trả nợ chậm 3 tuần. Các chủ nợ đã kiện chính phủ Mỹ ra tòa vì không đáp ứng nghĩa vụ tài chính, trong khi đó chính phủ Mỹ khẳng định họ chỉ "chậm trả nợ" 3 tuần chứ không hề vỡ nợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trả nợ chậm một ngày cũng là vỡ nợ. Trong khi đó Bộ Tài chính Mỹ khẳng định họ trả nợ chậm do... sự cố máy móc.