Hãng TASS mới đây dẫn lời Thượng Tướng Nikolai Yuryev, người đứng đầu bộ phận phản gián thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết thông tin trên.
Theo Tướng Nikolai Yuryev, tháng 4/1945, các sĩ quan phản gián Liên Xô nhận ra rằng tình báo Anh và Mỹ đã thể hiện quan tâm đặc biệt về “siêu vũ khí” của phát xít Đức. Theo đó, phía Mỹ đã phát hiện một nhóm nhiều nhà khoa học Đức trong lĩnh vực tên lửa và chuẩn bị đưa họ tới "xứ cờ hoa".
|
Nhà khoa học Helmut Grottrup. Ảnh: wiki |
Trong nhóm này có ông Helmut Grottrup là chuyên gia về hệ thống kiểm soát tên lửa. Do vậy, các thành viên bộ phận Smersh (phản gián quân sự) của Liên Xô đã đến thuyết phục vợ của ông Helmut Grottrup – vốn là người phản đối phát xít- để cặp đôi này không đồng ý tới Mỹ.
Sau đó, nhà khoa học Helmut Grottrup đã chấp thuận và phối hợp với các chuyên gia Liên Xô tại Viện Rabe ở Nordhousen (Đức) để phân tích các thông tin về chương trình tên lửa của phát xít.
Với sự hỗ trợ của Helmut Grottrup, hơn 150 chuyên gia khác của Đức cũng tham gia vào công việc tại Viện Rabe. Đến tháng 7/1946, các sĩ quan phản gián Liên Xô còn lật tẩy âm mưu của Anh muốn kéo ông Helmut Grottrup về quốc gia này.
Đến tháng 10/1946, các công việc cơ bản tại Nordhousen được hoàn thành với một một lượng lớn các bộ phận tên lửa. Ngoài ra, 196 chuyên gia tên lửa Đức cùng gia đình họ đã chuyển đến sống tại Liên Xô.
Sau đó ông Helmut Grottrup còn tham gia dự án đưa các hệ thống tên lửa vào sản xuất hàng loạt tại Liên Xô.