Kể từ tháng 3/2011, khi trận động đất lớn kèm sóng thần ở Đông Nhật Bản làm lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 tan chảy, gây ra thảm họa Fukushima, đến nay việc hoàn thành tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng vẫn còn xa vời.
Khoảng 80.000 người dân thành phố Fukushima, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa, vẫn ở trong tình trạng di tản. Không có dấu hiệu tái sinh nào ở các khu vực bị tàn phá xung quanh nhà máy.
Trong khi đó, thiệt hại do thảm họa gây ra cùng chi phí dọn dẹp vẫn không ngừng tăng lên.
“Người ta nói với chúng tôi rằng việc khử độc đã hoàn thành nhưng mức độ phóng xạ vẫn chưa đủ thấp để chúng tôi có thể về nhà”, một người dân than phiền trong cuộc họp do chính quyền địa phương tổ chức.
Họ cũng yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy Fukushima, tiếp tục hỗ trợ tài chính. "Chúng tôi đã phải rời khỏi thị trấn do tai nạn hạt nhân này. TEPCO nên tiếp tục trả tiền thuê nhà cho những cư dân không thể trở lại", một người dân nói.
|
Nhà tạm cư ở Tomioka dành cho những người ở thành phố Fukushima phải di dời do sóng thần. Ảnh chụp vào ngày 23/5/2016. Ảnh: Getty. |
Sóng thần cuốn trôi nhà cửa trong thảm họa kép ở Nhật năm 2011 Trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 khiến hơn 15.000 người tử vong, 6.000 người bị thương và 2.500 người mất tích. Cùng với đó là sự cố rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng.
6 năm tha hương
Theo Asahi, lệnh di tản của thị trấn Namie ở Fukushima sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 3, cho phép người dân trở về nhà nhưng nhiều cư dân có thể sẽ không quay lại. Tại Naraha và các khu vực khác, nơi lệnh di tản đã được dỡ bỏ, chỉ có khoảng 10% cư dân quyết định về sống trong nhà cũ của họ.
Khoảng một nửa số người di tản vẫn sống trong khu vực thành phố Fukushima, số khác sống tại những địa điểm khác nhau trên khắp nước Nhật.
Japan Times cho biết một số người sơ tán sau khi chính phủ chỉ định nơi ở của họ thuộc khu vực cấm do mức độ phóng xạ cao. Những người khác bỏ nhà cửa do lo sợ tiếp xúc với phóng xạ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Chính quyền tỉnh Fukushima từng hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người dân cả trong và ngoài khu vực Fukushima, bất kể họ buộc phải di tản theo yêu cầu của chính phủ hay tự nguyện bỏ nhà cửa của mình.
Ngoài ra, viện trợ theo Luật cứu trợ thiên tai cũng được gia hạn hàng năm. Theo đó, chính quyền tỉnh sẽ cung cấp cho người dân thực phẩm, nước, quần áo, dịch vụ y tế và sửa chữa khẩn cấp nhà cửa bị hư hỏng.
Phần lớn các khoản chi này đến từ kho bạc nhà nước. Bên cạnh đó, chính phủ cũng phải trả hầu hết khoản hỗ trợ về nhà ở cho Fukushima.
Tuy nhiên, năm ngoái, chính quyền tỉnh Fukushima đã quyết định ngừng trợ cấp cho những người sơ tán tự nguyện nhằm thúc đẩy họ quay về quê hương.
Những người sơ tán tự nguyện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cả về tài chính lẫn tâm lý. Số tiền bồi thường mà họ nhận được từ TEPCO nhỏ hơn nhiều so với số tiền trả cho người sơ tán khỏi khu vực cấm.
Nhiều người trong số họ phải trải qua cảnh mất việc làm, gia đình ly tán, khó khăn trong đi lại cho đến ly hôn do khác biệt về địa điểm di tản của các cặp vợ chồng.
|
Tại Iwaki, thị trấn phía nam nhà máy hạt nhân Fukushima, bác sĩ tiến hành kiểm tra tuyến giáp cho cô bé Maria Sakamoto, 4 tuổi. Số lượng các ca bệnh tuyến giáp đã tăng lên bất thường sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: Reuters.
|
Chính phủ cho biết người di tản có thể trở về an toàn nếu lượng bức xạ tích lũy hàng năm trong khu vực là 20 mSv trở xuống, nhưng mức này vẫn cao hơn nhiều so với giới hạn pháp lý 1 mSv cho con người trong hoàn cảnh bình thường.
Tổn thương tinh thần nặng nề
Đối với những người dân phải di tản vì thảm họa hạt nhân Fukushima, những hậu quả về tinh thần cũng nặng nề không kém.
Một cuộc khảo sát mới đây của Đại học Waseda cho thấy gần một nửa cư dân trước đây của Fukushima bị buộc phải di tản sau thảm hoạ hạt nhân năm 2011 cảm thấy họ bị quấy nhiễu hoặc đau khổ.
Đa phần trong số này bị sách nhiễu vì số tiền bồi thường mà họ được hưởng. Cuộc sống di tản khiến họ cảm thấy căng thẳng và khó hòa nhập với cộng đồng mới.
Một gia đình cho biết họ bị ngăn cấm tham gia một sự kiện cộng đồng vì họ là người đi sơ tán. Chiếc ôtô của một gia đình khác đã bị phá hoại. Một nạn nhân cho biết người ta nói rằng anh không cần được tăng lương hay học thêm làm gì vì đã có tiền bồi thường.
Một người cha có 2 đứa con bị bắt nạt ở trường sau khi rời Fukushima nói rằng người ta cũng bảo ông không cần làm việc nữa vì nếu ông phàn nàn với người điều hành nhà máy, ông sẽ nhận được tiền. Trả lời NHK, ông cho biết mình không còn nói với ai rằng họ đến từ Fukushima nữa.
Trẻ em thậm chí còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi phải rời cộng đồng để chuyển tới môi trường mới. 54 người được khảo sát trả lời rằng con cái họ bị bắt nạt ở trường học và những nơi khác do việc sơ tán sau thảm họa hạt nhân. Điều này xảy ra ở cả trường mẫu giáo, tiểu học và trung học.
Một số bị quấy rối bằng ngôn từ, số khác bị tẩy chay, chịu bạo hành hoặc bị trấn lột. Nhiều hành vi quấy rối có liên quan tới việc gia đình các em nhận được bồi thường của chính phủ. 60% trẻ em ở các gia đình di tản đã ngừng tiết lộ việc chúng đến từ Fukushima.
Theo NHK, trong số 13 trường hợp bị bạo hành, một em bị ép nhảy từ tầng 4 của tòa nhà, một em khác bị đe dọa bằng dao, những kẻ bắt nạt nói rằng em không có quyền sống.
Chứng kiến những trường hợp trẻ em sơ tán sau thảm họa hạt nhân bị bắt nạt, cha mẹ của một cậu bé phải di tản từ Fukushima đến Yokohama sau năm 2011 đã công bố tờ ghi chép của con trai trước kỷ niệm 6 năm thảm kịch. Họ hy vọng lời nhắn sẽ truyền thông điệp tới những đứa trẻ khác có cùng cảnh ngộ.
“Cho dù có những thời điểm khó khăn, xin đừng nghĩ đến việc tự tử”, cậu bé viết. “Tôi đang tận hưởng cuộc sống của mình. Nếu bạn nhìn về phía trước mỗi ngày, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên. Nếu tự tử, bạn sẽ không thể nói với mọi người chuyện gì đã xảy ra”.
Cậu bé từng bị bắt nạt đến mức không thể đến trường sau khi chuyển đến một trường tiểu học công lập ở Yokohama. Luật sư của cậu bé nói rằng cậu đang học tại một ngôi trường khác.