Nhưng do khác biệt về văn hóa nên mỗi nước lại đón lễ hội trăng rằm theo một cách rất đặc biệt.
Khắp đất nước Trung Quốc dịp Tết Trung thu này đâu đâu cũng thấy xuất hiện các loại đèn lồng với nhiều kích cỡ, chủng loại và màu sắc màu khác nhau. Tế trăng, thả đèn hoa đăng, giải câu đố, múa lân…cũng là những hoạt động truyền thống vốn rất được người dân nước này coi trọng trong đêm trăng rằm.
Năm nay, giới trẻ Trung Quốc đặc biệt săn lùng bánh Trung thu có hình các nhân vật trong trò chơi điện tử Thần thoại đen - Ngộ Không, với hình thù ngộ nghĩnh. Đây là loại bánh do thương hiệu bánh truyền thống Đạo Hương Thôn liên kết cùng nhà sản xuất game online đưa ra thị trường.
Tại phố người Hoa ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) cũng tràn ngập các cửa hàng bánh Trung thu truyền thống có tuổi đời hàng thập kỷ. Hầu hết các tiệm bánh đều kéo dài thời gian mở cửa đến 10 giờ đêm. Vào dịp Tết Trung thu năm nay, một nhà hàng nổi tiếng tại địa phương còn tổ chức chương trình kỷ niệm đặc biệt với hoạt động du ngoạn dưới ánh trăng trên Sông Chao Phraya, cùng thưởng thức món lẩu cay và bánh trung thu, thu hút rất đông thực khách.
Ông Chaturon Chaisang, cựu Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan cho biết: "Ở đất nước Thái Lan chúng tôi cũng có truyền thống ăn bánh trung thu. Tôi rất vui khi được cùng mọi người có mặt ở đây hôm nay. Gặp gỡ nhiều bạn bè và khách du lịch thập phương dịp này, đối với tôi, giống như một niềm vui lớn vậy".
Bánh trung thu mặn cũng đang trở thành xu hướng mới để chào đón Tết Trung thu trong cộng đồng người Hoa tại Singapore năm nay. Khu phức hợp Ngee Ann City đang diễn ra hội chợ bánh trung thu, thu hút rất đông các tiệm bánh và nhà hàng trong nước và quốc tế tham dự, mang đến nhiều lựa chọn mới mẻ cho khách hàng.
Chủ một cửa hàng bánh địa phương - nơi hơn 70.000 chiếc bánh trung thu đã được bán chỉ trong một tháng qua, cho biết: "Chúng tôi bắt đầu với bánh trung thu thịt mặn kiểu Thượng Hải và sau đó thử nghiệm với nhân tôm càng xanh, lòng đỏ trứng muối và công thức đặc biệt nhất của chúng tôi là bánh trung thu thịt cua băm. Chúng tôi không ngờ rằng, sau khi tung các sản phẩm mới này ra thị trường, khách hàng Singapore chuyển từ ngạc nhiên sang hoàn toàn chấp nhận chúng. Bây giờ, thậm chí chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng".
Tết Trung thu tại Hàn Quốc được gọi là Chuseok. Vào dịp này, người dân xứ sở Kim Chi thường thưởng thức món bánh truyền thống gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt. Dịp nghỉ lễ năm nay, các sân bay và đường cao tốc tại Hàn Quốc được dự báo ghi nhận lượng khách kỷ lục. Theo Korea Airports Corp, các sân bay trên toàn quốc dự kiến đón khoảng 1,47 triệu du khách trong kỳ nghỉ. Nhiều người dân Hàn Quốc sẽ trở về quê, tụ họp gia đình, thực hiện các hoạt động cúng bái, đi tảo mộ, tặng quà nhau.
Còn tại xứ sở hoa anh đào, Tết Trung thu lại có tên gọi là Tsukimi hay Otsukimi, có nghĩa là ngắm trăng. Trong dịp này, người Nhật Bản thường mặc trang phục truyền thống và mang đồ cúng đến đền thờ. Ở nhà họ bày biện cây cỏ lau, biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc.
Dù mỗi nước lại đón Trung thu theo một cách rất riêng, nhưng ngày này nhìn chung đã trở thành một dịp quan trọng không thể thiếu ở nhiều quốc gia châu Á, rất được mọi người đón chờ bởi ý nghĩa ấm áp như tên gọi của nó: Trung thu là tết đoàn viên.