Bước chuyển trong tiến trình chính trị tại Syria

Google News

Rõ ràng, Liên Hiệp Quốc nói chung và 3 nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng đều nhận thấy sự cần thiết của việc giải quyết tình hình ở Idlib thông qua biện pháp hòa bình và tránh sử dụng sức mạnh quân sự.

Kế hoạch tạo lập hòa bình cho Syria bằng con đường chính trị, một lộ trình được vạch ra từ hơn nửa năm nay xong hầu như trong tình trạng bế tắc, đã xuất hiện tia hy vọng mới sau cuộc gặp ngày 11/9 tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa đại diện Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, 3 nước bảo trợ cho vòng hòa đàm Astana và đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura.
Việc các bên nhất trí trên nguyên tắc 2/3 danh sách thành viên ủy ban dẫn dắt quá trình sửa đổi Hiến pháp tại Syria được xem là một "bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn" nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị tại Syria, nhất là trong bối cảnh tình hình thực địa quốc gia Trung Đông này đang vô cùng rối ren.
Buoc chuyen trong tien trinh chinh tri tai Syria
Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria ở Tehran (Iran) ngày 6/9. Ảnh: AFP/TTXVN 
Kế hoạch thành lập ủy ban soạn thảo Hiến pháp là cốt lõi của tiến trình chính trị cho Syria, được thông qua tại hội nghị Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) hồi tháng 1 vừa qua, với sự tham gia của hơn 1.300 đại biểu thuộc các phe phái khác nhau tại Syria và các nước liên quan.
Ủy ban này sẽ có 150 thành viên, với thành phần bao gồm đại diện Chính phủ Syria, phe đối lập và tổ chức dân sự, song nhóm trực tiếp chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới hoặc sửa đổi Hiến pháp hiện hành sẽ chỉ gồm 45 người, cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc đại diện 3 phía nêu lên nhằm bảo đảm tính trung lập và cân bằng, thể hiện nguyện vọng của nhiều thành phần ở Syria.
Bản thân việc các phe phái Syria nhất trí xúc tiến thành lập ủy ban này đã được coi là một dấu hiệu của hòa giải và nó cũng mở ra con đường hướng tới giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 8 năm với những tổn thất hết sức nặng nề ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, tính chất phức tạp của cuộc xung đột tại Syria khiến những nỗ lực kết nối các phe phái đối lập ở quốc gia này hầu như gặp rất nhiều trở ngại. Sau 9 vòng đàm phán do Liên hợp quốc chủ trì, các bên liên quan tại Syria vẫn chưa thể thống nhất về cải cách chính trị, hiến pháp mới và bầu cử ở Syria, đặc biệt là việc hiện thực hóa ủy ban Hiến pháp. Trong khi đó, vai trò thúc đẩy của nhóm bộ 3 bảo trợ cho vòng hòa đàm Astana về Syria, gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng bị thách thức bởi ngay cả các nước này cũng khá mâu thuẫn về tương lai của Syria.
Vì vậy, có thể coi cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mistura và các nhà ngoại giao 3 nước là nỗ lực của các bên nhằm tìm tiếng nói chung và phương thức phối hợp để thúc đẩy lộ trình hòa bình Syria đang bế tắc. Dù kết quả cuộc gặp khá khiêm tốn, mới chỉ nhất trí trên nguyên tắc 2 trong số 3 danh sách thành viên gồm các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria trong ủy ban trên, song rõ ràng nó cũng có tác động mang tính đòn bẩy cho những bước đi tiếp theo.
Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy việc thành lập ủy ban Hiến pháp còn một lần nữa khẳng định quyết tâm của các nhà lãnh đạo 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp tại Tehran ngày 7/9. Tại cuộc họp thượng đỉnh này, 3 tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.
Nếu đặt trong bối cảnh tỉnh Idlib - nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và phiến quân tại quốc gia Trung Đông, đang ngày một nóng bỏng, có nguy cơ nổ ra một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm", bước manh nha hình thành của ủy ban Hiến pháp Syria có tác dụng như một "liều thuốc hạ sốt".
Rõ ràng, LHQ nói chung và 3 nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng đều nhận thấy sự cần thiết của việc giải quyết tình hình ở Idlib thông qua biện pháp hòa bình và tránh sử dụng sức mạnh quân sự. Mặt khác, bản thân các bên đối lập tại Syria cũng có thể nhìn nhận kết quả này như một "lối thoát" cho tình hình căng thẳng hiện nay.
Cũng trên cơ sở nhận thức vai trò của ủy ban Hiến pháp mà các bên tham gia cuộc gặp ở Geneva cũng nhất trí đẩy nhanh tiến trình thành lập cơ chế này. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentiev nêu rõ: "Chúng ta cần đẩy nhanh tiến trình và vì lý do này, chúng tôi đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia, nghiên cứu tất cả các vấn đề và nhất trí tên của các ứng cử viên trong danh sách của lực lượng dân sự - vốn phải được cả chính phủ và phe đối lập chấp thuận".
Ngoài ra, các bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì các cuộc họp trong khuôn khổ Đại hội đối thoại dân tộc Syria nhằm tìm kiếm giải pháo đem lại hòa bình thực sự cho Syria. Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ Mistura tuyên bố việc thành lập được ủy ban Hiến pháp sẽ là bước đi đầu tiên và là "khoảnh khắc thực sự” cho một tiến trình chính trị đáng tin cậy đối với cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra hết sức phức tạp do các bên liên quan đang tìm cách can dự để bảo vệ và cạnh tranh lợi ích sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại, thậm chí ngay mối liên kết giữa 3 nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hề bền chặt do có những mâu thuẫn, toan tính riêng, việc có thể thành lập và đưa vào hoạt động ủy ban Hiến pháp Syria, phù hợp với các quyết định được thông qua tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi hồi tháng 1 và Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ chắc chắn không dễ dàng. Thậm chí, ngay cả khi được thành lập, không có gì bảo đảm ủy ban này có thể hoạt động hiệu quả.
Như nội dung tuyên bố đạt được Đại hội đối thoại dân tộc Syria hồi đầu năm nay, một đất nước Syria dân chủ, không phe phái, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính, được tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử, chính là giải pháp có khả năng giải quyết bền vững cuộc khủng hoảng Syria và mang lại lợi ích thực sự cho người dân Syria.
Mục tiêu này đã được thúc đẩy thông qua nỗ lực thành lập ủy ban Hiến pháp Syria, và kết quả của cuộc gặp 4 bên tại Geneva ngày 11/9 là một bước chuyển cần thiết và đúng hướng, giúp đích đến của lộ trình hòa bình Syria trở nên rõ ràng hơn.
Theo Ngọc Hà/TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)