"Tôi sẽ để họ làm thử. Nếu họ muốn một tổng thống khác, được thôi", ông Duterte nói về quân đội trong một cuộc phỏng vấn với các cố vấn pháp lý và được phát trên truyền hình quốc gia.
Theo Nikkei Asian Review, quân đội Philippines, vốn có một lịch sử về việc ảnh hưởng đến chính trường, đã phủ nhận các cáo buộc về âm mưu lật đổ tổng thống. Dù vậy, các nghi ngờ về kế hoạch của phe đối lập nhằm phế truất tổng thống vẫn râm ran trong lúc dư luận phản ứng lại việc tổng thống ra lệnh bắt giữ Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, một trong những người chỉ trích Tổng thống Duterte mạnh mẽ nhất.
|
Tổng thống Philippines cùng các tướng lĩnh duyệt đội hộ tống trong lễ kỷ niệm 121 năm ngày thành lập quân đội hồi tháng 3. Ảnh: AFP. |
Tổng thống đã vô hiệu hóa lệnh ân xá của chính quyền cũ đối với ông Trillanes liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành một thập kỷ trước.
"Tôi khuyến khích bạn đến gặp Trillanes. Hãy đến gặp họ và làm một cuộc chính biến hoặc cách mạng hoặc bất kỳ cái gì. Cứ thoải mái", Tổng thống Duterte tuyên bố. "Thật lòng mà nói, tôi mong anh làm xong chuyện đó".
Lệnh bắt đã khiến Trillanes tăng cường chỉ trích Tổng thống Duterte trong lúc bản thân ông này cố thủ trong tòa nhà thượng viện để né lệnh bắt. Ông Trillanes cũng nói rằng một số quan chức quân sự đã cung cấp cho ông tài liệu có thể chống lại lệnh bắt và rằng tổng thống không kiểm soát quân đội. Hôm 11/9, Tòa Tối cao Philippines đã bác bỏ yêu cầu của thượng nghị sĩ này về việc đảo ngược lệnh bắt đối với ông.
|
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes họp báo hôm 11/9, trong lúc cố thủ ở tòa nhà thượng viện. Ảnh: AFP. |
Tướng Carlito Galvez, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, khẳng định rằng không có âm mưu nổi dậy nào. Ông Galvez nói quân đội luôn trung thành với hiến pháp và tuân lệnh tổng tư lệnh.
"Dù tôi ý thức rằng binh sĩ có những quan điểm riêng trong nhiều vấn đề, điều đó chỉ là chỉ dấu cho một lực lượng thông tuệ và trưởng thành như Lực lượng Vũ trang Philippines. Nhưng chúng tôi luôn đặt lợi ích của tổ chức và quốc gia lên trên bản thân", ông nói vào tuần trước.
Kể từ năm 1986, quân đội Philippines đã là một thế lực chính trị quan trọng, góp phần lật đổ ít nhất 2 tổng thống. Vào năm đó, cuộc cách mạng của người dân lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos cũng được khởi động khi bộ trưởng Quốc phòng và phó tham mưu trưởng quân đội rút lại sự ủng hộ với tổng thống. Sự từ chối ủng hộ của quân đội cũng đóng vai trò chủ yếu trong quyết định từ chức của cựu tổng thống Joseph Estrada vào năm 2001, giữa lúc ông đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.
Ông Trillanes từng lãnh đạo một cuộc đảo chính bất thành chống lại tổng thống Gloria Arroyo vào năm 2003, sau đó tiếp tục thất bại vào năm 2007.
|
Quân đội Philippines từ lâu đã là lực lượng có tiếng nói quyết định trong nhiều cuộc nổi dậy và góp phần lật đổ ít nhất 2 tổng thống. Ảnh: Reuters. |
Ramon Casiple, Giám đốc điều hành của Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử Philippines, nói rằng tuyên bố của ông Duterte là nhằm ngăn chặn bất kỳ động thái nào của quân đội nhằm chống lại ông.
"Bạn không thể xem thường điều đó", ông nói. "Đó là một tình trạng luôn có nguy cơ xảy ra".