Người phụ nữ lạ mặt đã cắt da Joy bằng lưỡi dao cạo hơn chục lần, đầu tiên là trên ngực, tiếp theo là ở vùng kín. Sau đó, cô đã chà bột màu đen vào vết thương. Đó có thể là than củi hoặc một chất gì khác. Joy không biết chắc chắn. Cô không thích nói về những gì đã xảy ra với mình vào tháng 12/2014, khi cô 17 tuổi.
Theo Der Spiegel, nghi thức đen tối này là một phần của tôn giáo "Juju", hay còn gọi là Voodoo tại quê hương Tây Phi của Joy. Người thực hiện nghi lễ này là "madam", cách gọi các tú bà buôn bán phụ nữ trẻ Nigeria.
Trong tay các tú bà
Họ tuyển mộ các cô gái trẻ ở quê nhà trước khi đưa họ đến châu Âu và đưa vào con đường hành nghề gái mại dâm. Hầu như mọi nạn nhân đều phải chịu đựng bùa chú Juju.
Nghi thức này nhằm đảm bảo những cô gái phải trả nợ, ngăn họ chạy trốn hoặc tìm đến cảnh sát. Hầu hết các cô gái đều không biết điều gì thực sự chờ đợi khi họ đến châu Âu.
Joy đã không thể thoát khỏi địa ngục này trong hai năm. Cô bị buộc phải đưa ít nhất 1.100 euro (1.240 USD) cho madam mỗi tuần hoặc nhiều hơn để tránh bị đánh. Số tiền ít ỏi còn lại cô dành cho cho việc ăn uống và trang điểm, thứ cô cần cho công việc bán thân.
Tổng cộng, Joy ước tính cô kiếm được khoảng 50.000 đến 60.000 euro, số tiền mà bộ phận điều tra tội phạm của cảnh sát Frankfurt cho biết đã tịch thu để làm bằng chứng. Đầu tiên Joy bán thân ở Mannheim, sau đó ở Mainz.
Lúc nào cô cũng nghĩ về Juju và hậu quả xấu sẽ xảy ra nếu cô phá vỡ lời thề: bệnh tật, đau khổ hoặc tệ hơn. Và sau đó là những mối đe dọa chết chóc thực sự đối với gia đình cô ở Nigeria.
Sự dằn vặt của cô không dừng lại cho đến khi một phụ nữ tiếp cận Joy và giới thiệu cô về đạo Thiên chúa. Joy cảm thấy được cứu rỗi. Cô được tiếp cận tổ chức “Quyền phụ nữ là Quyền con người” (FIM), một tổ chức bảo vệ nạn nhân giúp đỡ phụ nữ nhập cư ở Frankfurt và làm việc chặt chẽ với các nhà điều tra địa phương.
Nạn buôn bán phụ nữ Nigeria không phải là hiện tượng mới đối với cảnh sát Frankfurt nhưng vấn đề trở nên căng thẳng khi số lượng người tị nạn nữ từ nước này tăng cao.
Năm 2016, Tổ chức Di cư Quốc tế thống kê khoảng 11.000 phụ nữ Nigeria đã đi qua Địa Trung Hải đến Italy bằng thuyền. Con số đó gấp đôi so với năm trước và gấp gần 8 lần so với năm 2014. Một số người ở lại Italy, trong khi những người khác tiếp tục hành trình đến các nước châu Âu khác.
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm ước tính hơn 90% phụ nữ bị buôn từ Nigeria tới châu Âu đến từ bang Edo và hầu hết đến từ Thành phố Benin, Nigeria.
Vùng đất của bùa chú Juju
Bùa chú Juju, cả tốt và xấu, có mặt khắp nơi ở thành phố Benin. Hầu hết cư dân theo Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo nhưng họ không xem sự pha tạp của tín ngưỡng tâm linh này là mâu thuẫn.
Nhiều người đặt tôn giáo lên trên hết. Những lời khấn dành cho các vị thần, linh hồn hoặc tổ tiên trong nghi lễ Juju được thực hiện nghiêm túc. Nhưng chỉ riêng yếu tố tôn giáo không đủ để giải thích tại sao thành phố Benin phát triển thành trung tâm buôn bán người và cưỡng ép mại dâm.
Hiện có các tổ chức viện trợ, như Daughters of Charity, giúp đỡ những phụ nữ trẻ nghèo khổ và bị tổn thương trở về từ châu Âu. Bibiana Emenaha, giám đốc của tổ chức, cho biết nhiều cô gái rời đi vì áp lực từ gia đình. Kể từ năm 2003, Cơ quan Quốc gia về Cấm buôn bán người (Naptip) được thành lập để chống lại các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ở Nigeria.
Nigeria không chỉ là quốc gia đông dân nhất châu Phi, mà còn có nền kinh tế lớn nhất của vùng cận Sahara. Quốc gia này rất giàu nguyên liệu thô như dầu khí với các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ đang phát triển.
Tuy nhiên, phần lớn dân cư không được hưởng sự thịnh vượng này. Hơn 62% người Nigeria sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Đối với nhiều phụ nữ, mại dâm là cách duy nhất để kiếm tiền.
Dụ dỗ các cô gái trẻ
Một số ít phụ nữ thành công ở châu Âu đã về Nigeria xây biệt thự, mua xe hơi và phô trương sự giàu có bằng nhiều cách khác nhau. Các madam thường dùng điều này để dụ dỗ nhiều phụ nữ trẻ vào nghề mại dâm.
Jennifer và Vivian từng có chung giấc mơ này. Trước đây, họ dự định bay tới châu Âu với giấy tờ giả mạo nhưng các madam cho rằng như vậy quá đắt đỏ.
Theo cảnh sát Frankfurt, chi phí vận chuyển trên mỗi chuyến bay, bao gồm các giấy tờ giả mạo và các công việc sau khi hạ cánh tới châu Âu, là khoảng 10.000 euro/người.
Trong khi đó, tuyến đường mới xuyên qua sa mạc đến Libya và qua Địa Trung Hải chỉ tốn 1.500 đến 2.500 euro. Nó rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn đối với những phụ nữ bị buôn lậu. Họ liều mạng đi theo con đường này.
Nhiều phụ nữ, giống như Jennifer và Vivian, đã mất niềm tin vào chính phủ. Họ than thở về tham nhũng tràn lan và đòi hỏi sự hỗ trợ lớn hơn từ nhà nước để giúp họ thiết lập sinh kế khả thi.
Vì những lý do này, nhiều người nhắm mắt đưa chân với mong muốn làm giàu nhanh chóng ở châu Âu. Jennifer và Vivian nói rằng họ sẽ lại sang châu Âu nhưng lần này bằng đường hàng không thay vì đường bộ.
Nduka Nwanwenne, người đứng đầu Naptip, và cố vấn Edebiri cho rằng lệnh cấm do Oba ban hành sẽ giảm thiểu đáng kể nạn buôn người ở Nigeria, thậm chí có thể loại bỏ nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy.
Theo Bibiana, ngay cả khi người dân ở các thành phố nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của nạn buôn người, vấn đề sẽ chỉ đơn giản là chuyển sang các ngôi làng.
Những cô gái trong khu ổ chuột vẫn có thể dễ dàng trở thành con mồi của các madam và người trung gian của họ. Chừng nào nhu cầu mại dâm giá rẻ ở châu Âu còn cao, giao dịch với các cô gái trẻ sẽ vẫn là mô hình kinh doanh có lợi cho những kẻ buôn người.
Tại Đức, các nhà điều tra hy vọng rằng sau lệnh cấm của Oba, ít nhất nhiều nạn nhân sẽ sẵn sàng hợp tác với cảnh sát.