Hôm 22-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để đáp lại vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 hôm 29-11.
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế khả năng Triều Tiên tiếp cận nguồn dầu tinh chế và dầu thô, cũng như giảm nguồn tiền chạy về Bình Nhưỡng thông qua các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 24-12 đã tuyên bố đáp trả. Bình Nhưỡng nói rằng Mỹ đã khiếp sợ trước lực lượng hạt nhân của Triều Tiên và “ngày càng điên cuồng trong các động thái nhằm áp trừng phạt và áp lực khắc nghiệt nhất từng có lên quốc gia chúng tôi”.
|
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện ngang với mức phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế Triều Tiên.
“Chúng tôi xem nghị quyết trừng phạt này do Mỹ và những kẻ theo sau dựng lên là sự xâm phạm trầm trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên, là một hành động chiến tranh gây tổn hại tới hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cùng khu vực. Chúng tôi dứt khoát bác bỏ nghị quyết này” – hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 24-12.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ mang tính tự vệ, không vi phạm luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cũng cố lực lượng hạt nhân tự vệ của chúng tôi để về cơ bản xóa bỏ các mối đe dọa, các hành động răn đe và các động thái thù địch của Mỹ bằng cách tạo thế cân bằng lực lượng với Mỹ trên thực tế” – Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố.
|
Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên dùng trong vụ phóng rạng sáng 29-11. Ảnh: RODONG SINMUN |
Bình Nhưỡng cảnh báo “dù một giây” Mỹ cũng chớ nên quên đi sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên, đất nước đã nhanh chóng nổi lên là một quốc gia chiến lược có khả năng đặt ra mối đe dọa hạt nhân đáng kể cho lãnh thổ lục địa Mỹ.
Triều Tiên cũng tuyên bố rằng bất kỳ quốc gia nào biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt mới cũng sẽ đối mặt với sự đáp trả từ Triều Tiên.
“Những quốc gia nào đã giơ tay ủng hộ nghị quyết trừng phạt này sẽ hoàn toàn có trách nhiệm cho mọi hậu quả mà nghị quyết gây ra và chúng tôi chắc chắn rằng họ sẽ phải trả giá nặng nề cho những gì họ đã làm” – Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh.
Nghị quyết trừng phạt mới yêu cầu cấm xuất khẩu gần 90% các sản phẩm dầu tinh chế vào Triều Tiên bằng cách bằng cách giới hạn ở mức 500.000 thùng/năm và cho hồi hương người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài trong vòng 24 tháng kể từ ngày nghị quyết được thông qua thay vì 12 tháng như đề xuất ban đầu.
Hội đồng Bảo an cũng giới hạn lượng dầu thô nhập vào Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng/năm và cam kết hạn chế nhiều hơn nữa nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân hoặc ICBM khác.
Gói trừng phạt mới còn cấm bán các thiết bị máy móc công nghiệp, xe tải, sắt, thép cùng các kim loại khác cho Bình Nhưỡng và đưa thêm 15 quan chức Triều Tiên vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc về cấm đi lại trên toàn cầu và đóng băng tài sản.
Hồi tháng 11, Triều Tiên từng yêu cầu dừng một nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được đưa ra sau vụ thử hạt nhân thứ sáu của nước này vào ngày 3-9. Bình Nhưỡng thời điểm đó nói rằng đây là một “nghị quyết trừng phạt độc ác”.
Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên dùng trong vụ phóng rạng sáng 29-11. Ảnh: RODONG SINMUN
Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên dùng trong vụ phóng rạng sáng 29-11. Ảnh: RODONG SINMUN