Duy trì lịch sử gia đình
Rockefeller rất coi trọng khái niệm “gia đình”, luôn tổ chức các hoạt động gia đình khác nhau để tăng sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên, nâng cao sự gắn kết gia đình, truyền lại những giá trị cốt lõi của gia đình.
Ngoài ra, họ còn lập một diễn đàn gia đình, các thành viên bắt đầu tham gia từ khi 21 tuổi. Tại buổi họp mặt, các thành viên trong gia đình được tự do trao đổi những vấn đề liên quan đến hướng phát triển kinh doanh, các ý tưởng mới trong dự án, và bất kỳ tin tức liên quan đến việc làm ăn hoặc các cột mốc quan trọng. Điều quan trọng nhất trong quá trình này thường không phải là thu được thông tin có giá trị, mà là làm cho mọi người cảm thấy rằng họ cũng là một phần của gia đình.
Giá trị của lao động và tiền bạc
Một trong những cách tốt nhất để dạy trẻ về tiền bạc là cho chúng một khoản tiêu vặt. Điều này không có nghĩa là chỉ trao một số tiền nhất định mà không có điều kiện ràng buộc nào. Nelson Rockefeller đã kể, ông và 5 người anh em của mình mỗi người được bố cho 25 xu một tuần. "Để có tiền tiêu thêm, chúng tôi phải trồng rau, nuôi thỏ. Chúng tôi luôn làm việc", ông Nelson kể lại.
Cũng theo Nelson, tất cả các anh em của ông đều phải ghi chép lại chi tiết các khoản chi tiêu để luôn có thể trả lời bố chuyện gì đã xảy ra với từng đồng tiền họ kiếm được. Họ cũng được bố yêu cầu phải dành ra 10% thu nhập để làm từ thiện, 10% để tiết kiệm.
Sống khiêm nhường, làm từ thiện
Sự giàu có khủng khiếp của gia tộc Rockefeller không phải là điều duy nhất khiến họ được cả thế giới nhớ tới, mà quan trọng hơn là cách sống khiêm nhường, sự nghiệp làm từ thiện đáng ngưỡng mộ cũng như cách họ dạy con để duy trì sự giàu có này qua nhiều thế hệ.
Sinh thời, ông John Davison Rockefeller luôn dạy các con phải biết nỗ lực, chăm chỉ, không ỷ thế vào sự giàu có của gia đình mà được phép lười biếng. Ông John cũng nổi tiếng là người hào phóng trong các công tác từ thiện. Không phải khi giàu có ông mới nghĩ đến việc làm này, mà đã quyên góp những đồng xu đầu tiên từ năm 16 tuổi - khi ông bắt đầu làm việc. Trong suốt cả cuộc đời, ông đã cho đi khoảng 550 triệu đô la, góp phần vào sự thành lập và hoạt động của nhiều ngôi trường trên khắp nước Mỹ.
Dùng sức lao động để tạo ra giá trị
Gia đình Rockefeller cho rằng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có thường dễ bị cám dỗ về vật chất hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường. Trong xã hội ngày nay, con nhà giàu luôn trong tình trạng không tiến thì lùi.
“Nhiều người trong số họ không dám nghĩ dám làm, họ thường không dám đối đầu với khó khăn và không điều khiển được đồng tiền. Những người như họ tuy được sinh ra trong gia đình giàu có, thế nhưng lại chết trong cảnh nghèo khó.” Thế nên, những đứa con trong gia tộc Rockefeller từ nhỏ đã được dạy dỗ: Phải dùng sức lao động của chính bản thân để tạo ra giá trị.