Vụ hành quyết gây phẫn nộ
Năm 2005, Myuran Sukumaran (lúc đó mới 24 tuổi) và băng nhóm khét tiếng Bali Nine của mình đã bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại sân bay ở đảo Bali trong lúc tìm cách vận chuyển hơn 8kg heroin từ đảo du lịch Bali của Indonesia tới Sydney.
Theo điều tra, Myuran Sukumaran chính là nhân vật đầu sỏ và chính quyền Indonesia tuyên án tử hình vào cuối tháng 4/2015 với tội danh buôn bán ma túy số lượng lớn.
|
Tử tù Myuran Sukumaran say sưa bên những tác phẩm của mình. |
Vụ hành quyết từng gây phẫn nộ cho những người tranh đấu cho nhân quyền và chống đối án tử hình. Rất nhiều động thái của các tổ chức được thực hiện nhằm hủy bỏ mức án này nhưng cuối cùng Myuran Sukumaran vẫn phải chịu sự trừng phạt theo quy định của pháp luật Indonesia. Thảm kịch đó được báo chí mô tả cặn kẽ từ hình ảnh chuẩn bị lên đường tới pháp trường cho tới lúc bị trói vào cột và chờ những viên đạn kết liễu đời hắn.
Từ vị thế của một tử tù, không ít người đã tỏ ra cảm thương cho Sukumaran, nhất là khi biết được những gì hắn đã làm trong những năm tháng cuối đời tại nhà tù Kerobokan.
Tọa lạc ở phía nam hòn đảo Bali thơ mộng của Indonesia, nhà tù Kerobokan bắt đầu hoạt động từ năm 1979 và là nơi giam giữ khoảng 1.000 người thuộc mọi quốc tịch và giới tính, phần lớn là các loại tội phạm nguy hiểm vào tù vì các tội đánh bom, buôn bán ma túy, giết người…
Kerobokan được mệnh danh là nhà tù thơ mộng nhất thế giới bởi bao quanh nhà tù này là bãi biển tuyệt đẹp với những biệt thự nghỉ dưỡng lộng lẫy.
Nơi đây cũng khét tiếng về nạn tham nhũng, tù nhân có tiền sống rất “vương giả”. Bất chấp những nỗ lực của nhà chức trách, tình trạng hối lộ, ma túy và tình dục vẫn sôi động tại nhà tù này. "Quá tải", "bạo lực thường xuyên" và "ma túy ở khắp nơi" là những gì được các cựu tù nhân từng sống ở Kerobokan mô tả.
Ban quản lý nhà tù có nhiều chương trình dạy nghề như chế tác trang sức đồng thời cũng thường xuyên tổ chức nhiều lớp học nghệ thuật để giảm nguy cơ bạo lực giữa các tù nhân.
Những bức vẽ đầy cảm xúc
Là tử tù, Sukumaran phải sống trong phòng biệt giam với sự cô độc suốt 23 giờ mỗi ngày.
Theo các quản giáo, những ngày cuối đời, can phạm này đã thật sự ăn năn hối lỗi và trở thành tấm gương cho các tù nhân về sự gương mẫu.
Trong những ngày chờ ra pháp trường, Sukumaran đã sống rất thanh thản và tìm nguồn vui trong nghệ thuật. Không ai có thể ngờ rằng tử tù này lại có thể trở thành một họa sĩ có tài.
Sống cô lập nhiều năm, các tác phẩm của Sukumaran như sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài, hầu hết là vẽ chân dung. Trong những bức tranh ấy, người ta cảm nhận được những cảm xúc của một tử tù đang chờ ngày ra pháp trường với khao khát được giải thoát khỏi chốn xà lim, hòa mình vào thế giới bên ngoài.
Theo các tù nhân khác, Sukumaran ngoài đời là người khá khiêm tốn, trầm tư và hoàn toàn tập trung vào luyện tập nghệ thuật. Đó như một liều thuốc chống lại sự cô độc của tử tù này.
Ngày 25/4/2015, nhà chức trách Indonesia gửi cho Sukumaran lệnh hành quyết trong vòng 72 giờ tới. Sukumaran đã vẽ điên loạn cho đến những phút cuối cùng. “Hành động này cho thấy sự lạc quan và tham vọng thường thấy trong tác phẩm của Sukumaran từ khi lần đầu tiên ông cầm cọ vào năm 2013”, Ben Quilty, một họa sĩ Úc đồng thời cũng là người thầy của Sukumaran cho biết.