Bên trong 'công xưởng thi đại học' lớn nhất Trung Quốc

Google News

Nằm ở vùng đồi núi của tỉnh An Huy (Trung Quốc), cách thành phố gần nhất 2 tiếng đi xe, thị trấn Mao Thản Xưởng biệt lập với những ồn ào của cuộc sống hiện đại.

Con đường dẫn vào Mao Thản Xưởng, thị trấn hẻo lánh của tỉnh An Huy (Trung Quốc), hoàn toàn vắng vẻ. Trên cánh đồng ngoài thị trấn, hai phụ nữ lớn tuổi đang bận rộn cuốc đất trong khi một người đàn ông ngủ gật trên chiếc xe kéo gắn động cơ.
Đó là 11h44 một sáng chủ nhật. Tiết trời đang trong độ xuân. Những cửa hàng bán sách, trà và thức ăn không người qua lại.
Một phút sau, đúng 11h45, sự tĩnh lặng bị phá vỡ. Hàng nghìn thiếu niên ùa ra khỏi chiếc cổng cao chót vót của trường Trung học Mao Thản Xưởng. Nhiều em trong số đó mặc chiếc áo gió màu trắng có tên với khẩu hiệu bằng tiếng Anh: “I believe it, I can do it”.
Đó là giờ nghỉ trưa tại một trong những “công xưởng thi đại học” lớn nhất Trung Quốc. 20.000 học sinh tại đây (gấp 4 lần dân số chính thức của một thị trấn) đều hướng tới kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, còn gọi là gaokao (cao khảo).
 

 Mao Thản Xưởng được mệnh danh là một trong những "công xưởng thi đại học" lớn nhất Trung Quốc. 
Tại quốc gia tỷ dân, cao khảo là cuộc thi rất khó, được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Đối với hầu hết học sinh đến từ những vùng nông thôn, đây cũng là cơ hội để thay đổi vận mệnh của bản thân và gia đình.
Yang Wei, học sinh lớp 12 tại trường Trung học Mao Thản Xưởng, cho biết một ngày học của cậu kéo dài từ 6h20 đến 22h50. Lịch trình này diễn ra vào các ngày trong tuần, trong suốt 3 năm.
"Nếu nối tất cả bài kiểm tra em đã làm trong 3 năm qua, chúng có thể phủ kín tất cả con đường trên khắp thế giới”, Yang hài hước nói.
Theo The New York Times, Yang là con trai của một lão nông trồng đào trên núi. Cha mẹ cậu quyết định đầu tư cho con trai duy nhất với hy vọng cậu sẽ trở thành người đầu tiên trong nhà vào đại học.
Chi phí thuê phòng ở Mao Thản Xưởng rất đắt đỏ, sánh ngang với khu trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, gia đình nam sinh vẫn cố gắng thuê một phòng nhỏ gần trường cho con tiện học hành.
Thậm chí, mẹ Yang còn bỏ việc trong nhà máy để đến ở cùng, chăm sóc con trai năm cuối cấp. Nếu không đạt kết quả tốt tại kỳ thi tuyển sinh đại học, nam sinh này sẽ phải gia nhập đội quân lao động di cư 260 triệu người của Trung Quốc.
 Khuôn viên trường ở Mao Thản Xưởng được đầu tư không kém so với các trường đại học tại Mỹ.
Thánh địa ôn luyện của các sĩ tử
Thực tế, những đứa trẻ ở Trung Quốc phải chịu áp lực thi cử từ rất sớm. Nhiều em bắt đầu học bảng cửu chương, tiếng Anh và tiếng Trung khi mới 5 tuổi. Một số bà mẹ còn cho rằng cuộc chạy đua cho kỳ thi đại học quốc gia bắt đầu từ khi đứa trẻ mới ra đời.
Nhiều gia có điều kiện ở thành phố cho con tham gia lớp học thêm chất lượng cao, thuê gia sư về dạy riêng, thậm chí chạy trường. Bất ổn kinh tế khiến cạnh tranh trong kỳ thi càng khốc liệt.
Học sinh nông thôn đang bị bỏ lại phía sau. Chúng cần được trợ giúp và Mao Thản Xưởng phục vụ cho nhu cầu này. Tại đây, điện thoại di động và máy tính xách tay bị cấm. Ký túc xá, nơi khoảng 1/2 học sinh trú ngụ được thiết kế không có ổ điện. Những thứ lãng mạn "bị tiêu diệt".
Trong thị trấn, chính quyền địa phương đóng cửa mọi hình thức giải trí. Có lẽ, đây là thị trấn duy nhất ở Trung Quốc không tồn tại trò chơi điện tử, phòng bida hay quán cà phê Internet. “Không có gì để làm ngoài việc học”, Yang nhấn mạnh.
Những quy hoạch như vậy không phải thứ duy nhất đưa học sinh vào khuôn khổ. Luật lệ của trường nghiêm khắc chẳng kém quân đội. Nhân viên thường xuyên kiểm tra học sinh trốn học và đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn. Họ làm việc rất nghiêm túc bởi thu nhập phụ thuộc sự tiến bộ về mặt điểm số của học sinh.
Ngoài ra, hệ thống camera giám sát được lắp tại mọi nơi, từ lớp học đến ký túc xá và thậm chí trên giao lộ của thị trấn, để theo dõi mọi chuyển động của học trò. Người ngoài, kể cả phụ huynh, không được phép vào khuôn viên trường học, ngoại trừ 3 tiếng giữa ngày chủ nhật.
Những động thái cứng rắn này đã mang đến sự thay đổi lớn. Năm 1998, trường chỉ có 98 học sinh đỗ đại học. 15 năm sau, con số này nâng lên 9.312 và đang tăng.
Thực tế, ban đầu, trường Trung học Mao Thản Xưởng chỉ cung cấp các khóa luyện thi ngoài chương trình giảng dạy thông thường với một khoản phí khiêm tốn. Khi chính phủ cấm các trường dạy thêm vào năm 2004, chính quyền địa phương quyết định chuyển đổi chương trình thành khóa học chuyên sâu.
Cụ thể, lớp 10 và lớp 11, học sinh có 2 tiếng tự chọn mỗi tuần cho âm nhạc, nghệ thuật hoặc giáo dục thể chất. Lớp 12 không còn môn học tự chọn nào, tất cả tập trung cho kỳ thi.
Trường còn mở hệ phục vụ cho những thí sinh thi lại. Học phí dao động từ vài trăm USD đến gần 8.000 USD/năm, tùy theo học lực. Học sinh điểm thấp phải trả học phí cao và ngược lại. Cấu trúc này được thiết kế nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công và doanh thu cao cho trường.
Cơ sở vật chất cũng được chú trọng đầu tư đến 32 triệu USD, gồm một màn hình LED khổng lồ, một khu liên hợp thể thao, các dãy nhà phục vụ việc học tập cũng như văn phòng hành chính. Cây cỏ trong sân được cắt tỉa cẩn thận, giống khuôn viên đại học tại Mỹ.
 

 

 Cuộc sống của các học sinh tại Mao Thản Xưởng chỉ gói gọn trong 3 chữ: Ăn, học, ngủ. 
Những con người tuyệt vọng
Cấu trúc quan trọng nhất tại trường là tòa nhà 5 tầng, nơi có các phòng học cho học sinh thi lại. Buổi chiều, sau giờ nghỉ trưa, hàng nghìn người tràn vào các phòng học. Kỳ nghỉ hàng tuần của họ chỉ kéo dài 90 phút.
Đối với hệ học này, mỗi lớp có 150 học sinh. Yang gọi đó là “những học sinh tuyệt vọng nhất” của trường. Nam sinh sống cạnh căn phòng của Yang là một trong số đó. Mỗi ngày của cậu kết thúc lúc 1h30. Cũng nhờ sự chăm chỉ, cậu tăng 2.000 hạng trong học tập kể từ đầu năm và xếp thứ 3 trong lớp.
Có lẽ, không ai tại Mao Thản Xưởng có động lực và kiệt sức hơn 500 giáo viên của trường. Lương cơ bản của họ cao gấp 2-3 lần mức lương thông thường tại Trung Quốc. Tiền thưởng có thể gấp đôi thu nhập của họ.
Đối với mỗi học sinh đỗ vào một trường đại học hạng nhất, nhóm giáo viên 6 người (một giáo viên chủ nhiệm và 5 giáo viên môn học) sẽ chia nhau phần thưởng 500 USD.
Lịch làm việc của giáo viên chủ nhiệm rất mệt mỏi với 17 tiếng theo dõi các lớp gồm 100-170 học sinh. Do đó, nhà trường quyết định chỉ giao công việc này cho những thầy giáo trẻ.
Sự cạnh tranh rất dữ dội. Giáo viên được xếp hạng theo điểm số tích lũy của học sinh từ tuần này qua tuần khác. Thầy cô của lớp học đứng bét bảng vào cuối năm có thể bị sa thải. Do đó, bất cứ sai phạm nào cũng không được dung thứ.
Điển hình, nếu học sinh đi học muộn, phụ huynh sẽ bị phạt đứng ngoài lớp học của con trong một tuần. Đối với những học sinh thi lại, các giáo viên luôn nói một câu thần chú tàn nhẫn: “Hãy luôn nhớ lấy sự thất bại của em”.
Tại Mao Thản Xưởng, Xu Peng là một trong những học sinh nổi tiếng nhất. Vì cho rằng trường cũ không đủ "cứng rắn", cậu quyết định tới đây ôn luyện.
Đầu mùa xuân năm 2013, chủ nhiệm của nam sinh nói rằng cậu có cơ hội trở thành học sinh đầu tiên của trường đỗ vào Đại học Thanh Hoa. Nhà trường treo một phần thưởng trị giá 50.000 USD cho gia đình, trường cấp 2 và các giáo viên của Xu tại Mao Thản Xưởng nếu cậu thành công.
Trước ngày vượt vũ môn, Xu thuê một khách sạn gần địa điểm thi tại thành phố Lục An và không ra khỏi phòng trong 48 tiếng để ôn bài. Kết quả của sĩ tử này đạt 643/750 điểm, trên điểm sàn vào Đại học Thanh Hoa 2 điểm.
Từ đó, Xu trở thành “một nhân vật được sùng bái”. Không gian nhỏ bé mà Xu và mẹ cậu thuê hiện tại được quảng cáo là “phòng trạng nguyên”.
 

 Mọi biện pháp, kể cả tâm linh, đều được sử dụng với hy vọng các thí sinh sẽ đỗ cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.
Khi thành công được đặt dưới chân thần linh
Khắp thị trấn vang vọng âm thanh của những lời cầu nguyện: "Làm ơn, hãy giúp con tôi thành công".
Hầu hết học sinh tại Mao Thản Xưởng đều mang một loại bùa may mắn nào đó. Ngoài đường, người ta vẫn thường bắt gặp đèn trời mang theo ước nguyện của những bà mẹ bay cao và tỏa sáng.
Tại cái cây được cho là linh thiêng trong thị trấn, khói hương lúc nào cũng nghi ngút. "Nếu không cầu nguyện với cây thiêng, bạn không thể đỗ đại học", Yang dẫn lại lời của một người dân trong thị trấn.
Con hẻm nơi Yang thuê trọ là nơi Yang Qi Ming, một thầy giáo dạy Hóa đã về hưu hành nghề bói toán. Chỉ với 3,4 USD, người đàn ông này có thể nói cho khách hàng biết những câu chuyện về tương lai như kết hôn, con cái và thậm chí là điểm thi. “Công việc kinh doanh trong những ngày này rất tốt”, người này thông tin.
Ông đã chứng kiến Mao Thản Xưởng phát triển từ một ngôi trường nghèo khổ với 800 học sinh vào năm 1980. Tuy hiện tại, ngôi trường rất phát triển, ông nhận xét cách dạy học đang khiến học sinh mất khả năng tư duy sáng tạo.
 

 Hàng nghìn phụ huynh cùng người dân địa phương tiễn các sĩ tử của Mao Thản Xưởng lên đường đi thi.
Đêm trước ngày xuất phát
Cách thời điểm thi chỉ một ngày, gần như mọi người ở Mao Thản Xưởng thực hiện những nghi thức cuối cùng. Trong khuôn viên của trường học, hai nữ sinh quỳ gối đi đến bức tượng để chứng tỏ lòng thành tâm.
Tại cây thiêng, hàng chục người cầu nguyện và thắp sáng những bó hương. Quanh góc phố, hàng chục xe bus đang chuẩn bị chở hơn 10.000 thí sinh đến các địa điểm thi vào hôm sau.
Biển số mỗi chiếc xe kết thúc bằng số 8 - con số mà người Trung Quốc coi là may mắn nhất. Trong khi đó, tài xế lái xe đưa sĩ tử đi thi đều tuổi ngựa, tương ứng với câu "mã đáo thành công".
Tuy nhiên, Yang không cảm thấy may mắn. Nụ cười của cậu biến mất. Sự lo lắng của mẹ khiến cậu trở nên căng thẳng và cáu kỉnh. Chỉ còn một ngày, Yang không có thời gian cho bất cứ việc gì ngoài việc học.
Trước khi bình minh hôm sau ló rạng, cha của Yang lái xe đến đón con trai, đưa cậu đến một phòng trọ mà gia đình đã thuê gần địa điểm thi ở thành phố Lục An. Mọi học sinh và phụ huynh đều nguyện làm bất cứ điều gì để tăng cơ hội đạt điểm tốt nhất trong kỳ thi.
5h, đám đông các bà mẹ tụ tập trước cây thiêng để cầu nguyện. Mẹ Yang thắp vài nén hương và cắm chúng vào đống tro. Yang vừa thức dậy. Hành lý của cậu được đóng gói vào đêm hôm trước. Cậu muốn đi sớm để tránh tắc đường.
3 tiếng sau, đúng 8h08, đoàn xe bus đầu tiên mở cửa đón các sĩ tử. Đám đông xung quanh gồm cha mẹ và những người dân trong thị trấn reo hò, cổ vũ. Trong quá khứ, lễ tiễn sĩ tử đi thi còn có trống và pháo hoa.
Vào cuối ngày, Mao Thản Xưởng lại trở về yên tĩnh giống một thị trấn bị bỏ hoang.



Theo Kim Ngân/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)