Suốt những tuần đầu tháng 12, nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đã phải đính chính và gỡ bỏ tin tức sau khi những tin tức này bị Nhà Trắng phanh phui là không chính xác.
Phóng viên ABC bị đình chỉ
Trong “bản tin đặc biệt” được truyền hình trực tiếp sáng 2-12, nhà báo điều tra kỳ cựu của ABC News Brian Ross dẫn một nguồn tin “thân tín” cho biết ông Trump đã ra lệnh cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn liên lạc với Nga trong khi ông Trump vẫn còn là một ứng viên tổng thống. Tin tức này ngay lập tức được hàng loạt hãng truyền thông Mỹ dẫn lại, với nhiều dự đoán về viễn cảnh ông Trump bị luận tội. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng theo đó sụt giảm 350 điểm.
Chỉ vài giờ sau, ABC News đã ra tuyên bố “cải chính” lại báo cáo của ông Ross, khẳng định ông Trump chỉ thị cho ông Flynn liên lạc với Nga sau khi đã đắc cử tổng thống Mỹ. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì những sai lầm nghiêm trọng đã công bố ngày hôm qua. Báo cáo của Brian Ross trong bản tin đặc biệt đã không được kiểm tra đầy đủ qua quy trình biên tập tiêu chuẩn của chúng tôi” - ABC tuyên bố. Thông tin sai lệch của ông Ross đã một lần nữa khiến cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 trở thành tâm điểm của dư luận. Theo tờ The Washington Post, bài đăng của ABC News trên mạng xã hội Twitter về tin tức này đã được chia sẻ hơn 25.000 lần trước khi nó bị xóa đi.
Sau khi tin tức về ông Flynn được cải chính, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà đầu tư bị thiệt hại sau vụ chứng khoán rớt giá hãy thuê luật sư khởi kiện hãng tin này. “Những người bị mất tiền khi thị trường chứng khoán lao dốc 350 điểm do bản tin sai và thiếu trung thực của Brian Ross nên xem xét thuê luật sư và khởi kiện ABC News về những thiệt hại mà bản tin tồi tệ của họ đã gây ra, khiến các nhà đầu tư tổn thất hàng triệu USD!” - ông Trump viết trên Twitter.
PV Brian Ross đã bị ABC News đình chỉ bốn tuần không lương và bị cấm không được tham gia vào bất kỳ câu chuyện tin tức nào có liên quan đến ông Trump.
|
Ông Trump chỉ trích truyền thông là “vết nhơ của nước Mỹ” sau hàng loạt tin tức giả mạo mà các hãng tin đăng tải. Ảnh: AP |
Hàng loạt lùm xùm
Ông Trump mới đây cũng lên tiếng phản pháo tờ The New York Times vì báo cáo của hãng khẳng định ông chủ Nhà Trắng xem truyền hình 4-8 tiếng/ngày, dựa trên nguồn tin từ 60 “cố vấn, cộng sự, bạn bè và các thành viên của Quốc hội”. Tổng thống Trump đăng trên Twitter hôm 11-12: “Một câu chuyện sai lầm khác, lần này là của The New York Times, rằng tôi xem truyền hình 4-8 tiếng/ngày - Hoàn toàn sai!”. Báo cáo của The New York Times còn nói rằng ông Trump đôi khi hoãn xem Fox News, kênh truyền hình yêu thích của ông, mà bật kênh CNN hoặc MSNBC trước. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông “hiếm khi” xem hai kênh tin tức này vì những kênh này đều bị ông liệt vào kênh “tin tức giả mạo”.
Hồi tuần trước, PV Dave Weigel của báo The Washington Post khiến dư luận xôn xao khi chia sẻ trên Twitter một bức ảnh về cuộc gặp gỡ với người dân của nhà lãnh đạo Mỹ tại Pensacola, bang Florida ngày 8-12. Ông Weigel đã đăng bức ảnh hội trường với một nửa số ghế trống để “mỉa mai” Tổng thống Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng cuộc mít tinh của ông chật cứng người tham dự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã công bố các bức ảnh chụp hội trường kín người để “lật tẩy” Weigel. PV của The Washington Post sau đó phải gửi lời xin lỗi, xóa bài viết và cho biết bức ảnh này được chụp vài giờ trước khi ông Trump đến.
Ngày 8-12, Tổng thống Trump tuyên bố hãng CNN phải xin lỗi ông vì đưa tin sai về việc đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông, bao gồm cả con trai trưởng Donald Trump Jr., đã được WikiLeaks thông báo trước về các vụ tấn công hộp thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). Thông tin này được CNN tuyên bố là có được từ một nguồn tin độc quyền đã xem bức thư điện tử. Vài giờ sau đó, tờ The Washington Post đăng tải bài viết khẳng định báo cáo của CNN là sai. Thư điện tử được gửi cho con trai ông Trump không phải ngày 4-9 như hãng này tuyên bố, mà là ngày 14-9, sau khi WikiLeaks đã công bố hộp thư của DNC. Ông Trump đã chỉ trích thông tin sai trái của CNN là “cố ý” và “thù hằn”, đồng thời đề nghị sa thải những người có trách nhiệm.
Vấn đề nguồn tin?
Nhiều giờ sau khi câu chuyện của CNN bị phanh phui là “tin tức giả mạo”, đài này vẫn không giải thích tường tận vụ việc. Thay vào đó, phòng truyền thông của hãng này chỉ tuyên bố rằng “nhiều nguồn tin” đã cung cấp sai thời gian. Trong khi đó, theo PV Manu Raju - chủ nhân của bài viết, có “hai nguồn tin” đã báo sai ngày tháng cho ông trong email báo tin.
Tờ The Intercept nhận định vấn đề đáng nghi vấn đặt ra là làm sao “nhiều nguồn tin” mà CNN nói đều có thể “ngây thơ vô tình” làm sai lệch nguồn tin theo cách giống nhau và cùng một thời điểm? Ngay sau báo cáo của CNN, hai hãng khác là MSNBC và CBS cũng đăng tải bài viết “ăn theo”, khẳng định lại thông tin của CNN, đồng thời vẽ ra những giả thuyết về những tác động nghiêm trọng của mối liên hệ giữa ông Trump và Nga, với trích dẫn từ những “nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về sự việc”.
Hồi tuần trước, tờ The Washington Post cũng đã công khai một nguồn tin trước đó hãng từng đảm bảo ẩn danh vì phát hiện nguồn tin này đã cố tình đưa những thông tin sai lệch làm mất uy tín của báo. Theo tờ The Intercept, việc mà những hãng truyền thông như CNN, MSNBC và CBS cần phải làm là xác định rõ liệu đã có ai cố tình đưa ra các thông tin sai lệch, hoặc vì sao sự bất cẩn nghiêm trọng đã xảy ra. Cách làm này vừa nhằm mục đích bảo vệ các nhà báo, vừa tự giúp những hãng này lấy lại danh tiếng đã bị tổn hại sau khi bị gắn mác “tin tức giả mạo”.
“Chúng ta đang ở thời điểm mà sự tin tưởng của công chúng đối với các phương tiện truyền thông rất thấp, do đó chúng ta cần phải liên tục cố gắng để xây dựng lại niềm tin đó” - bà Kathleen Culver, Giám đốc Trung tâm Đạo đức báo chí tại ĐH Wisconsin-Madison, nhận định. Theo bà, mỗi khi có tin tức sai lệch bị phanh phui, lại là một lần niềm tin của công chúng dành cho báo chí bị tổn hại.
Na Uy đưa “tin giả” vào từ điển
“Tin tức giả mạo”, cụm từ Tổng thống Donald Trump thường xuyên sử dụng để chỉ trích truyền thông Mỹ, mới đây đã chính thức được thêm vào hệ thống từ điển của Na Uy với sự công nhận của Hội đồng Ngôn ngữ Quốc gia. Theo RT, cụm từ “tin tức giả mạo” của ông Trump đã thực sự trở thành làn sóng trên khắp nước Mỹ và phần còn lại của thế giới trong năm qua. Nó trở thành từ được nói trong các cuộc giao tiếp hằng ngày, thậm chí còn trở thành một chủ đề đùa cợt trong chương trình Saturday Night Live (Tạm dịch: Trực tiếp đêm thứ Bảy) nổi tiếng của Mỹ.
“Cụm từ này không hoàn toàn mới nhưng việc sử dụng nó đã bùng nổ trong năm qua và trở thành từ mới được sử dụng nhiều nhất giữa các ứng viên bầu cử trong năm nay” - nhà nghiên cứu ngôn ngữ Ole Vage, cố vấn cao cấp của Hội đồng Ngôn ngữ Na Uy, nói với trang tin NTB. “Cụm từ này phản ánh cuộc chiến bảo vệ những thông tin trung thực theo một cách hoàn toàn mới, cả ở Na Uy và các nơi khác trên thế giới”.