Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, chiều 8/7 giờ Mỹ (sáng 9/7 giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ. |
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu toàn văn bài nói chuyện:
“Xin chào tất cả các quý vị và các bạn,
Nhân dịp sang thăm chính thức Hoa Kỳ, hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ các quý vị tại đây. Tôi chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã mời tôi đến trao đổi với các quý vị. Tôi được biết, Trung tâm là cơ quan nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi học thuật và đối thoại giữa chính giới, học giả, nhân dân các nước về các vấn đề quan trọng và thiết thực liên quan đến an ninh, hòa bình và phát triển trên thế giới. Xin chúc mừng Trung tâm về những thành tựu đã đạt được và xin cảm ơn sự có mặt của tất cả các quý vị.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây chính là thời điểm thích hợp và có ý nghĩa để đánh giá, nhìn nhận về quan hệ hai nước và chia sẻ tầm nhìn "hướng tới tương lai."
1. Trước hết, tôi xin nhắc lại đôi điều về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Có những sự kiện về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chưa được biết đến một cách rộng rãi. Ngài Thomas Jefferson trước khi trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã từng nỗ lực tìm cách nhập giống lúa tốt của Việt Nam để trồng ở trang trại Shadwell của mình tại bang Virginia. Cách đây hơn 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi tìm con đường để giải phóng cho dân tộc Việt Nam đã đến Boston - nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập ở Hoa Kỳ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phátxít; Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị Nhật bắn rơi ở Việt Nam và những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám là những người bạn Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ; Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ." Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Ngày nay, tại Hoa Kỳ vẫn còn những ý kiến khác nhau về chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tiến hành tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ.
Ngay trong thời kỳ chiến tranh đang diễn ra, nhân dân Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị với nhân dân Hoa Kỳ, rất biết ơn nhiều người dân Hoa Kỳ đã đứng lên phản đối chiến tranh, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Trong đó, mục sư Martin Luther King là một trong những người tiêu biểu.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai." Mặc dù còn chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, trong đó có 3 triệu người chết; 4 triệu người bị thương; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin và hàng trăm nghìn người đang mất tích trên chính quê hương mình, nhưng Chính phủ và người dân Việt Nam đã rất tích cực hợp tác và hợp tác rất hiệu quả với phía Hoa Kỳ để tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam.
Ngày nay, mọi công dân Hoa Kỳ, kể cả các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, khi đến Việt Nam đều được chào đón một cách thân thiện, đều có thể cảm nhận được thái độ hữu nghị, chân thành của người dân Việt Nam. Điều đó có thể không dễ hiểu đối với một số người, nhưng lại là sự thật mà tất cả những ai đã từng đến Việt Nam đều có thể tận mắt chứng kiến.
Tôi nhắc lại những câu chuyện lịch sử này để khẳng định truyền thống hòa hiếu và mong muốn nhất quán của nhân dân Việt Nam về quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước chúng ta.
2. Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ những năm qua
Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng, từ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đến ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được những tiến triển tích cực và thực chất. Hợp tác kinh tế có sự phát triển vượt bậc và Hoa Kỳ ngày nay là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo đã có những bước tiến rất tích cực. Hiện nay, có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 90 lần (từ hơn 400 triệu USD năm 1995 lên hơn 36 tỷ USD năm 2014).
Hợp tác quốc phòng-an ninh cũng có những tiến triển quan trọng với Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và đặc biệt là Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội tháng 6/2015. Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã phối hợp tốt trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đến bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an toàn an ninh hàng hải, an ninh hạt nhân, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương…
Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Việt Nam coi việc tìm kiếm binh sỹ Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề nhân đạo và sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong hoạt động này. Quan hệ giao lưu nhân dân phát triển ngày càng sâu rộng, là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tích cực trong 20 năm qua trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi. Những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước đạt được nhận thức chung về những nguyên tắc này. Đây cũng chính là một nhân tố quan trọng cho việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước.
Có thể khẳng định rằng, sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua là tích cực, đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại.
Nhân dịp này, tôi muốn cảm ơn các chính khách, tổ chức và cá nhân của cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhiệt tình ủng hộ và nỗ lực đóng góp thiết thực để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập niên qua; đặc biệt cảm ơn những người bạn Hoa Kỳ đã tích cực giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Các kết quả và bài học kinh nghiệm trong 20 năm qua cho phép chúng ta lạc quan về triển vọng sáng sủa của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.
3. Tình hình thế giới và chủ trương đối ngoại của Việt Nam
Thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và sâu sắc, đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới và phương thức hành động mới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các xu thế hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa, dân chủ hóa đang mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và hợp tác giữa các quốc gia.
Các cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, khủng hoảng xã hội-nhân văn đang đặt ra những yêu cầu mới về mô hình phát triển công bằng và bền vững, về quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia và trật tự kinh tế quốc tế. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tôn giáo, an ninh mạng, an ninh hàng không, an toàn hàng hải... nổi lên với những đặc điểm mới, tác động mạnh tới hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, đòi hỏi phải có tư duy và cách tiếp cận mới đối với vấn đề an ninh.
Các vấn đề khủng hoảng môi trường-sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp đang đặt ra những yêu cầu mới về phương thức sản xuất và sinh hoạt của con người, về xử lý mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trong một thế giới toàn cầu hóa, sự tuỳ thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng cả về phát triển và an ninh thì luật pháp quốc tế, sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia càng cần được đề cao hơn bao giờ hết.
Châu Á-Thái Bình Dương - khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới, vừa có đầy đủ các đặc điểm chung của thế giới, vừa có những đặc điểm riêng của khu vực. Trong khi quá trình hợp tác, liên kết kinh tế đang được thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ với nhiều sáng kiến kết nối trong và với ngoài khu vực, thì những thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định đang đặt ra ngày càng gay gắt, nhất là do sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Trong khi sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước ngày càng gia tăng thì ở khu vực vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các nguy cơ, thách thức đang nổi lên, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa đơn phương đang có xu hướng trỗi dậy.
Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực hợp tác của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Về kinh tế, chúng tôi ủng hộ các mô hình hợp tác vì phát triển công bằng và bền vững, cùng có lợi giữa các quốc gia; ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư đem lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên, nhất là cho người lao động ở tất cả các nước. Chúng tôi cho rằng, phương thức hợp tác tốt nhất là trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Về chính trị-an ninh, chúng tôi ủng hộ quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Chúng tôi ủng hộ việc hình thành các thỏa thuận, các cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới phù hợp với các nguyên tắc trên.
Chúng tôi ủng hộ một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng, được kết nối bằng các liên kết kinh tế và các quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong và ngoài khu vực, có các thỏa thuận và cơ chế bảo đảm an ninh chung, an toàn và tự do hàng hải, hàng không..., trong đó việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh-chính trị đang hình thành ở châu Á-Thái Bình Dương là phù hợp và có lợi cho hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới. Chúng tôi cho rằng châu Á-Thái Bình Dương có đủ cơ hội cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và các nước EU.
Trên tinh thần đó, Việt Nam chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trên thế giới, hình thành quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với các nước đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Việt Nam đã tham gia và đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có TPP, một hiệp định có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
4. Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới
* Hai nước chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đó là tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm tới.
Trước mắt, chúng ta phải cùng nỗ lực không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai. Động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo định hướng đó là những lợi ích chung mà hai nước chúng ta cùng chia sẻ, theo tôi, đó là:
- Thứ nhất, chúng ta có lợi ích chung trong tăng cường hợp tác song phương một cách toàn diện vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước;
- Thứ hai, chúng ta có lợi ích chung trong thúc đẩy hợp tác ở khu vực để góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế;
- Thứ ba, chúng ta cũng có lợi ích chung trong hợp tác, phối hợp các nỗ lực để đóng góp cho các vấn đề chung của thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Một nước Việt Nam giàu mạnh, ổn định, độc lập tự chủ, hội nhập và đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế là phù hợp với lợi ích của hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ và các nước trong và ngoài khu vực.
* Trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc cần làm để đưa quan hệ song phương không ngừng tiến lên phía trước:
- Trước hết, việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước là hết sức quan trọng để đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững.
Nhằm mục đích đó, chúng ta cần tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng các cơ chế tham vấn, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Đó cũng chính là một trong những mục đích của chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chúng tôi cũng mong sớm được đón Tổng thống Barack Obama sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới.
- Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một trọng tâm, là nền tảng và là động lực phát triển quan hệ song phương, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cho đến nay còn khá khiêm tốn, mới đứng thứ bảy trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam.
Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn áp dụng nhiều rào cản thương mại đối với Việt Nam. Tôi hy vọng việc hoàn tất đàm phán TPP sắp tới sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa hai nước, giữa Hoa Kỳ và ASEAN bởi lẽ hàng hóa Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam 90 triệu dân, được kết nối với thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân. Việc Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là bước đi cần thiết cho cả hai bên theo hướng đó.
- Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng và là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước. Đây cũng là những lĩnh vực liên quan đến chất lượng của phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ với nhiều thế mạnh có thể chia sẻ.
Trong chuyến thăm lần này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao giấy phép chính thức để xây dựng trường Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân Hoa Kỳ tăng cường đầu tư và hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực nói trên.
- Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh là yếu tố làm gia tăng sự tin cậy và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, cần được tăng cường với các bước đi phù hợp với lợi ích của hai nước.
Hai bên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và đặc biệt là Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội tháng Sáu vừa qua; đồng thời mở rộng hợp tác về thực thi pháp luật, chống khủng bố, bảo đảm an toàn an ninh hàng hải,... qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương...
- Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có các cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh; Quốc hội Hoa Kỳ hàng năm đã thông qua ngân sách hỗ trợ giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có việc tẩy độc các vùng bị ô nhiễm, rà phá bom mìn...
Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Để làm tốt chủ trương gác lại quá khứ, chúng ta nên chung tay hàn gắn những vết thương chiến tranh. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, vì vậy việc hai bên phối hợp giải quyết tốt sẽ là góp phần quan trọng tăng cường quan hệ giữa hai nước.
- Giao lưu nhân dân là lĩnh vực rất quan trọng để tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ một lịch sử quan hệ không dễ dàng. Tôi được biết nhiều định kiến về Việt Nam tại Hoa Kỳ còn khá phổ biến. Nhưng tôi cũng biết một thực tế khác là hầu hết người Hoa Kỳ sau khi đến Việt Nam đều có cách nhìn tích cực và khách quan hơn về Việt Nam, đều có ấn tượng sâu sắc về một xã hội năng động, không kỳ thị, giàu tính nhân văn, về người dân thân thiện, lạc quan, cởi mở.
Trong 20 năm qua, chúng ta đã hiểu thêm về nhau nhưng sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ hơn vẫn cần được tăng cường. Đây là điều hết sức cần thiết để xây dựng lòng tin và quan hệ hữu nghị. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu trên tất cả các kênh, nhất là giữa các tổ chức phi chính phủ và nhân dân hai nước.
Đặc biệt, còn có một nhân tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi.
Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
- Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.
Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.
- Hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế là lĩnh vực ngày càng quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã và đang cùng với các nước thành viên ASEAN khác tích cực phối hợp với Hoa Kỳ xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ thành mối quan hệ có tác dụng ngày càng tích cực đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo hiệu quả của các diễn đàn ARF, ADMM+ và làm cho APEC đóng vai trò quan trọng thực chất hơn trong các dàn xếp về kinh tế và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trở thành cơ chế hợp tác hữu hiệu đối với các vấn đề chiến lược và chính trị ở khu vực.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến tình hình Biển Đông, bày tỏ kịp thời và nhất quán quan điểm ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa hoặc áp đặt kiểm soát trên biển, trên không, ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thưa Quý vị và các bạn,
Những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những kết quả thực tế trong 20 năm qua cho thấy rất rõ rằng hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, là có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.
Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Nhưng thực tế trong 20 năm cũng cho thấy, hai nước chúng ta có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, và những khác biệt không thể là trở ngại cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua cho phép chúng ta tin tưởng và lạc quan vào điều đó.
Tôi muốn nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công." Tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau.
Xin cảm ơn các quý vị và các bạn”./.