Động thái này được dư luận Australia đánh giá là một bước đi quan trọng của chính quyền Thủ tướng Albanese, nhằm củng cố cam kết không tham gia phổ biến vũ khí hạt nhân trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy triển khai dự án tàu ngầm hạt nhân theo thoả thuận AUKUS.
Theo thông cáo báo chí của chính phủ Australia sáng 30/10, nước này đã chính thức chấm dứt 5 năm phản đối Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Việc chuyển từ “phiếu chống” sang “phiếu trắng” được coi là một bước thay đổi chiến lược trong nhận thức và quyết tâm của Australia, hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
|
Quang cảnh cuộc họp Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân diễn ra hai ngày cuối tuần qua. (Nguồn: Liên Hợp Quốc) |
Trước đó, dưới thời chính phủ Liên minh, Australia vẫn thường theo chân các siêu cường thế giới như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, bỏ phiếu chống với hiệp ước này nhằm hướng tới tham vọng sở hữu và kiểm soát được sức mạnh hạt nhân trong tương lai.
Chiến dịch quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân hoan nghênh động thái này của Australia và gọi đây là “một bước tiến quan trọng” của chính phủ Albanese.
Trước đó, Thủ tướng Anthony Albanese cũng đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hiệp ước này. Ngoài ra, trong Cương lĩnh quốc gia của Đảng Lao động từ năm 2021 cũng cam kết ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sau khi tính đến việc đảm bảo sự tương tác với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia, Australia có cam kết lâu dài đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị toàn cầu. Do đó. Chính phủ Australia ủng hộ tham vọng của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Nhiều nhà phân tích chiến lược tại Australia đánh giá, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân tại Ukraine đang hiển hiện, việc Australia điều chỉnh quan điểm về Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ giúp nước này củng cố tiếng nói của mình đối với khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, bản thân Australia cũng muốn thể hiện với thế giới về cam kết không tham gia phổ biến vũ khí hạt nhân khi triển khai dự án tàu ngầm hạt nhân theo thoả thuận AUKUS./.