Ấn Độ: Chú rể kiểm tra trinh tiết cô dâu, hội đồng làng ngồi ngoài chờ

Google News

Sau những bài kiểm tra trinh tiết này, nếu phát hiện cô dâu không trong trắng, chú rể có thể hủy bỏ hôn lễ.

(Ảnh minh họa).
Các nhà vận động đang kêu gọi ngừng kiểm tra trinh tiết cô dâu trong một nhóm bộ lạc du mục ở Ấn Độ.
Theo BBC, phụ nữ sống trong cộng đồng người Kanjarbhat, bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ, thường bị ép phải trải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết trong đêm tân hôn để chứng minh họ có “đức hạnh”.
Bài kiểm tra là một phần quan trọng của lễ cưới của bộ tộc. Nhưng giới trẻ trong cộng đồng khoảng 200.000 người này hiện đang bắt đầu phản đối nó.
Bài kiểm tra yêu cầu các cặp vợ chồng phải kết thúc đám cưới bằng việc quan hệ tình dục trong phòng khách sạn trên ga trải giường màu trắng. Trong khi đó, các quan chức hội đồng làng và gia đình đợi bên ngoài.
Nếu cô dâu không chảy máu trong quá trình quan hệ, chú rể được phép hủy bỏ hôn lễ vì người vợ không "chứng minh" được sự trong trắng.
Vivek Tamaichekar, người đứng đầu nhóm vận động, nói rằng bài kiểm tra trinh tiết này rất “cổ hủ và vi phạm sự riêng tư của cặp vợ chồng".
"Cách thực hiện bài kiểm tra này rất thô lỗ và đau đớn”, Tamaichekar cho biết. "Họ buộc phải quan hệ khi rất nhiều người ngồi đợi bên ngoài, và chú rể thường được cho uống rượu và cho xem nội dung khiêu dâm để học”.
Tamaichekar, người đàn ông 25 tuổi, nói thêm: "Ngày hôm sau, chú rể được triệu tập đến một nghi lễ và được hỏi một cách rất xúc phạm rằng cô dâu có trong trắng hay không”.
Tamaichekar chuẩn bị kết hôn vào năm nay nhưng anh đã thông báo với hội đồng làng rằng anh và vợ sẽ không tham gia bài kiểm tra này.
Tamaichekar kêu gọi những người trẻ khác đứng lên chống lại "âm mưu câm lặng".
Bất chấp những lời chỉ trích và tranh cãi quanh việc kiểm tra trinh tiết, tập tục này vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở Indonesia, phụ nữ vẫn bị yêu cầu kiểm tra trinh tiết nếu muốn tham gia quân đội hoặc lực lượng cảnh sát.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần chỉ ra rằng việc kiểm tra trinh tiết là "phân biệt đối xử và không khoa học".
Theo Trà My/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)