Tổng thống Obama phải đi nhiều, diễn thuyết về đủ các loại chủ đề với nội dung rất phức tạp: Từ biến đổi khí hậu đến phòng chống HIV, từ năng lượng sạch đến an ninh lương thực, chiến lược chống IS, Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc, Nga, rồi kinh tế Mỹ, vấn đề tạo công ăn việc làm... đòi hỏi khối lượng kiến thức đồ sộ, thậm chí chuyên sâu.
Phía sau mỗi bài phát biểu của Tổng thống Obama là một đội ngũ giúp việc gồm 200 người, là các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ở thời điểm hiện tại, người quản lý đội ngũ viết diễn văn cho Obama là Cody Keenan, 35 tuổi. Cody Keenan trở thành giám đốc bộ phận chuyên viết và chuẩn bị các bài diễn văn cho Tổng thống Obama từ năm 2012 đến nay.
|
Ông Obama đã có bài phát biểu ấn tượng trước 2.000 người Việt Nam ngày 24/5, sử dụng 2 "trợ thủ" công nghệ Teleprompter. |
Cody Keenan được miêu tả là người cần mẫn, cẩn trọng trong từng câu chữ, là biên tập viên siêu đẳng nhất của Nhà Trắng hiện nay. Trong một lần chia sẻ trên kênh NBC, Cody Keenan cho biết, trước mỗi bài phát biểu của Tổng thống Obama, đội ngũ phải làm việc xuyên đêm, đắn đo, cân nhắc từng câu chữ, tìm hiểu tất cả các yếu tố, thành tố liên quan đến bối cảnh, ngữ cảnh , mối quan hệ nơi Tổng thống Obama phát biểu.
Đối với từng chủ đề, các chuyên gia về lĩnh vực đó sẽ đưa ra những sáng kiến demo cho bài viết và khâu cuối cùng là bàn tay “phù thuỷ” của Cody Keenan sẽ biến bài phát biểu trở nên hoàn hảo từng câu chữ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Obama làm Tổng thống, người đặc biệt được biết đến nhiều nhất, là người “nhúng tay vào” hầu hết các bài phát biểu của ông Obama là Jonathan Favreau, sinh năm 1981.
Thời điểm đó, Jonathan Favreau làm giám đốc bộ phận chuyên viết và chuẩn bị các bài diễn văn cho tổng thống. Gắn bó với tân tổng thống từ khi còn là thượng nghị sĩ rồi lại "lăn lộn" qua các chiến dịch tranh cử, Favreau đã thực sự trở thành người trợ lý đắc lực, không thể thiếu mỗi lần ông Obama xuất hiện trước công chúng.
Jonathan Favreau từng sinh viên trường cao đẳng Holy Cross ở Worcester, Mass, bắt đầu nghiệp viết lách của mình bằng việc thử sức trong chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ John Kerry. Tại Nhà Trắng, Jonathan được quản lý một đội viết chuyên thảo cẩn thận những từ ngữ cho những lần xuất hiện trước công chúng của tổng thống.
Trước mỗi bài phát biểu quan trọng, Tổng thống Mỹ thường dành 10 đến 15 phút để xem lại, chọn 1 số điểm nhấn. Do phải đi nhiều, phát biểu nhiều, không phải nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng có thể nói vo trong tất cả các bài phát biểu.
Trong một thống kê của CBS năm 2013, thời điểm đó Tổng thống Obama đã có 1.850 bài phát biểu, trong đó có 699 bài không thể nói vo mà phải sử dụng công nghệ Teleprompter. Màn hình Teleprompter này được nối với máy tính, và người điều khiển máy tính sẽ cho hàng chữ bài diễn văn chạy vừa đúng tốc độ phát biểu của người diễn thuyết. Người đối diện phía dưới gần như không thấy gì, trong khi người nói nhìn rất rõ hàng chữ to chạy trước mặt.
Tuy vậy, đôi khi công nghệ “thần thánh” này cũng gặp phải những sự cố khiến Tổng thống lúng túng. Ngày 13/7/2009 một sự cố đã xảy ra trong khi Tổng thống Obama phát biểu về chủ đề kinh tế thì một miếng kính Teleprompter bị rơi vỡ khiến ông Obama ngập ngừng không thể nói tiếp trong vài ba phút.
Mời quý độc giả xem video Những chuyến công du triệu đô của ông Obama (nguồn VTC):