Vì sao Philippines “tạm ngừng cuộc chiến chống ma túy”?

Google News

(Kiến Thức) - Cảnh sát Philippines tạm ngừng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát "tham nhũng" được"thanh lọc".

Ngày 30/1, Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa nói Philippines tạm ngừng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát "tham nhũng" được"thanh lọc" và các đơn vị phòng chống ma túy ở Philippines sẽ bị giải tán.
Vi sao Philippines “tam ngung cuoc chien chong ma tuy”?
Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa: Philippines “tạm ngừng cuộc chiến chống ma túy”. Ảnh Rappler 
Theo BBC, tuyên bố trên được đưa ra sau vụ một thương gia Hàn Quốc bị giết chết bên trong trụ sở cảnh sát. Ông này bị cảnh sát phòng chống ma túy bắt cóc và giết chết.
Hơn 7.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nước này tiến hành cuộc trấn áp tội phạm ma túy.
Con số người chết và quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với ma túy đã khiến các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích gay gắt, tuy ông Duterte vẫn nhận được mức độ ủng hộ cao từ phía người dân Philippines.
Phát biểu hôm 30/1, ông Dela Rosa nói Tổng thống Duterte "bảo chúng tôi phải làm trong sạch đội ngũ trước cái đã". Ông Dela Rosa nói tiếp: “Chúng tôi sẽ làm trong sạch hàng ngũ của mình... rồi có thể sau đó, chúng tôi sẽ nối lại cuộc chiến chống ma túy”.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa mục tiêu chống tội phạm ma túy vào nhiệm vụ trung tâm của ông. Ban đầu, ông Duterte cam kết sẽ tiễu trừ xong tội phạm chậm nhất là vào tháng 12/2016, sau đó kéo dài thời hạn cho đến tháng Ba năm nay.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, ông nói với các phóng viên: "Tôi sẽ tiến hành cuộc chiến này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ... không còn chuyện chỉ đến tháng Ba nữa."
Nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022.
Tổng thống Rodrigo Duterte nói trước đây ông đã đánh giá thấp mức độ trầm trọng của tệ nạn ma túy ở Philippines.
"Tham nhũng tới tận lõi"
Trong ngày 29/1, Tổng thống Duterte cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát và nói cương quyết "thanh lọc" lực lượng này, sau vụ sát hại thương gia Hàn Quốc Jee Ick-joo.
Ông Jee Ick-joo bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Angeles, gần Manila, trong một vụ giả bố ráp ma túy, Bộ Tư pháp Philippines cho biết.
Sau khi bóp cổ ông Jee Ick-joo tới chết, những kẻ sát hại ông giả vờ rằng ông vẫn còn sống để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.
"Cảnh sát các anh là tham nhũng nhất. Các anh tham nhũng tới tận lõi. Nó nằm trong hệ thống của các anh," ông Duterte nói và nhận xét thêm rằng ông nghĩ có tới 40% cảnh sát có thói quen tham nhũng.
Trước đây, ông Duterte đã từng tuyên bố ông sẽ ân xá cho các nhân viên cảnh sát nếu họ giết chết tội phạm và dân thường trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Ông nói thêm: "Khi tôi nói tôi sẽ bảo vệ cảnh sát thì có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ cảnh sát. Nhưng tôi không bảo vệ sự dối trá".
Minh Châu (Theo BBC)

>> xem thêm

Bình luận(0)