|
Chuyên gia Mỹ cho rằng, Triều Tiên trì hoãn vụ thử hạt nhân thứ 4 vì e làm mếch lòng Trung Quốc.
|
Nhà khoa học Siegfried Hecker công tác tại Đại học Stanford, người từng đến thăm Triều Tiên nhiều lần nhấn mạnh, Triều Tiên đã “chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng” để thực hiện một vụ thử hạt nhân thứ 4.
Chuyên gia Mỹ cho biết, theo quan điểm của ông, Triều Tiên “cần tiến hành các vụ thử hạt nhân mới nhằm chứng minh khả năng thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân”. Triều Tiên hiện đang nỗ lực để phát triển loại bom hạt nhân kích thước nhỏ hơn nhưng vẫn có sức công phá mạnh mẽ, gắn vào tên lửa, đủ khả năng đe dọa lục địa Mỹ.
Chuyên gia khẳng định, các hoạt động chuẩn bị tại các đường hầm của Triều Tiên gợi lên các suy đoán rằng, nước này có thể tiến hành cùng lúc 2 vụ thử hạt nhân hồi tháng 2. Tuy nhiên, dự đoán trên không trở thành hiện thực. Triều Tiên chỉ tiến hành một vụ thử hạt nhân do đó, một đường hầm còn lại vẫn đang ở trong trạng thái sẵn sàng cho “sứ mệnh” mới.
“Họ có một đường hầm đang sẵn sàng cho sứ mệnh mới. Họ có những lý do mạnh mẽ để làm vậy” nếu họ muốn thử hạt nhân lần nữa. Nhưng việc Trung Quốc không bằng lòng là lý do quan trọng lý giải họ (Triều Tiên) đang do dự. Cái giá mà họ phải trả để làm như vậy chủ yếu do Trung Quốc quyết định”, ông Hecker cho biết.
Chuyên gia Mỹ tin rằng, Triều Tiên đang cân nhắc các lợi ích cũng như cái giá phải trả nếu tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. Trung Quốc là đồng minh chính, hỗ trợ Triều Tiên cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Song gần đây mối quan hệ “môi hở răng lạnh” ở giai đoạn trước của họ bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt.
Đầu năm nay, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2, bị Mỹ và phương Tây lên án, chỉ trích gay gắt. Triều Tiên cũng vì sự kiện này mà làm đồng minh ruột Trung Quốc “mếch lòng”, quay sang ủng hộ Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với “kẻ bướng bỉnh không nghe lời”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chia sẻ lập trường với Mỹ và Hàn Quốc, kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện các bước thiết thực để chấm dứt chương trình hạt nhân và quay lại đối thoại.
Dù vậy, tháng này Triều Tiên nhấn mạnh sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân cho tới khi Mỹ chấm dứt “chính sách thù địch” đối với họ. Thế giới bên ngoài hiện vẫn chỉ có thể theo dõi quá trình phát triển cũng như tiến bộ hạt nhân của Bình Nhưỡng thông qua hình ảnh vệ tinh vì Triều Tiên được mệnh danh là bí ẩn nhất thế giới.
Ngoài ra, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos còn nhấn mạnh, ông quan ngại Triều Tiên có thể hợp tác với Iran trong việc phát triển chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Iran đã phản đối bình luận của ông Hecker và tuyên bố “Tehran không cần vũ khí hạt nhân”.