22 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Gambia Yahya Jammeh đã kết thúc trong nhục nhã. Ban đầu, ông khiến những người chỉ trích ngạc nhiên khi chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử nhưng sau đó tuyên bố phản đối kết quả để rồi lại rút lui và rời khỏi đất nước.
Ông Jammeh rời đi vào ngày 21/1, bao quanh là những người ủng hộ reo hò. Ông bước trên thảm đỏ, đi qua các vị chức sắc, bước lên máy bay rồi vẫy chào người hâm mộ bên dưới với cuốn kinh Koran trên tay.
Trong khi các binh sĩ, người ủng hộ và các chức sắc tuyệt vọng vì sự ra đi của ông, những người khác ở Gambia vui mừng chứng kiến sự kết thúc của một chế độ mà họ cho là độc tài với rất ít sự tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận.
Ông Jammeh đã bị thuyết phục ra sao để rời khỏi đất nước vẫn là một điều bí ẩn. Tuy nhiên, mối đe dọa bị các nước trong khu vực can thiệp quân sự thì đã hiển hiện.
Lập dị và tàn nhẫn
Yahya Jammeh là tổng thống Gambia đầu tiên lên nắm quyền trong hòa bình kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh vào năm 1965. Theo BBC, Jammeh, người thường xuất hiện với cây gậy và tràng hạt cầu nguyện, được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo lập dị và tàn nhẫn nhất thế giới.
Năm 1994, trung úy 29 tuổi Yahya Jammeh lên nắm quyền tại Gambia, quốc gia châu Phi nhỏ bé được mô tả trong các tờ quảng cáo như một điểm nghỉ dưỡng yên bình cho du khách.
Ông trở thành một tổng thống bệ vệ, người tự mô tả bản thân là một người Hồi giáo mộ đạo có năng lực kỳ diệu, chẳng hạn như có thể chữa trị cho những người mắc AIDS và vô sinh. Ông cũng tin rằng đồng tính luyến ái đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
Ông Jammeh ly dị người vợ đầu Tuti Faal và sau đó kết hôn với 2 người phụ nữ khác. Tuy nhiên, trang web chính thức của ông chỉ xác nhận Zineb Yahya Jammeh, người vợ hiện tại, là người giữ danh hiệu Đệ nhất Phu nhân.
Theo Point, một tờ báo tư nhân của Gambia, Jammeh kết hôn với người vợ thứ hai, Alima Sallah, trong năm 2010, nhưng văn phòng của ông đã ban hành chỉ dẫn rằng Sallah không nên được gọi là Đệ nhất Phu nhân. Điều này trái ngược với Nam Phi, nơi tất cả 4 bà vợ của Tổng thống Jacob Zuma đều giữ danh hiệu đệ nhất.
|
Tổng thống Gambia Yahya A.J.J. Jammeh và hôn thê Zineb Jammeh đến Nhà Trắng dự quốc yến trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi vào ngày 5/8/2014 tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh: Getty. |
Trước khi bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu mới đây, ông Jammeh từng giành chiến thắng trong 4 cuộc bầu cử.
Sau cuộc bầu cử năm 2011, Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã từ chối xác nhận chiến thắng của ông và nói rằng các cử tri và phe đối lập đã bị “đàn áp và hăm dọa bằng bạo lực”.
Đây là một dấu hiệu cho thấy uy tín của ông đối với các lãnh đạo châu Phi đã bắt đầu sụt giảm. Quyết định rút khỏi Khối Thịnh vượng chung vào năm 2013 của ông Jammeh là một dấu hiệu nữa cho thấy cựu tổng thống Gambia ngày càng bị cô lập.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 cho chương trình phát thanh của BBC, Jammeh cho biết ông không lo sợ số phận tương tự như lãnh đạo Libya bị bắn chết, Muammar Gaddafi hay tổng thống Ai Cập bị lật đổ, Hosni Mubarak.
"Số phận của tôi nằm trong tay Đấng Allah toàn năng," ông nói. “Tôi sẽ giải phóng cho người dân Gambia và nếu phải cai trị đất nước này trong 1 tỷ năm, tôi cũng sẽ làm, nếu Thánh Allah nói như vậy”.
Ông Jammeh nổi tiếng vì bày tỏ những quan điểm kỳ quái. Năm 2007, ông tuyên bố có thể chữa khỏi AIDS với một thứ hỗn hợp thảo dược. Sau đó, ông cũng tuyên bố mình có thể chữa vô sinh ở phụ nữ.
Bên cạnh đó, ông từng đe dọa chặt đầu người đồng tính. Trong một phát biểu năm 2014 tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông than vãn rằng chính quyền phương Tây đã thúc đẩy việc hợp pháp hóa đồng tính luyến ái.
“Dù rất xấu xa, chống lại loài người cũng như chống lại Thánh Allah, đồng tính luyến ái, trong mọi hình thức và biểu hiện của nó, lại được nâng lên thành quyền con người bởi một số thế lực”, ông nói.
Hoạt động tình báo đáng sợ nhất châu Phi
Cách đối xử của chính quyền Jammeh với các nhà báo cũng khiến các tổ chức nhân quyền quan ngại. Chính phủ của ông Jammeh đã chịu áp lực lớn trong vụ giết hại Deyda Hydara, biên tập viên của tờ Point.
Bị bắn chết vào năm 2004, Hydara trở thành biểu tượng cho chiến dịch đấu tranh vì tự do báo chí ở Gambia. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Jammeh phủ nhận việc nhân viên an ninh của mình đã giết hại Hydara. “Những người khác cũng chết ở nước này. Tại sao Hydara lại là trường hợp đặc biệt?”, ông nói.
|
Người dân ở thủ đô Banjul, Gambia chào mừng lực lượng an ninh của Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) xung quanh Tòa nhà Chính phủ sau khi cựu Tổng thống Yahya Jammeh trốn khỏi đất nước, ngày 23/1. Ảnh: Getty. |
Tháng 8/2013, trong bài phát biểu chào mừng lễ hội Hồi giáo Eid, ông tuyên bố tất cả tử tù sẽ được thi hành án, kết thúc hiệu lực của lệnh cấm kéo dài 27 năm.
9 người đã bị xử tử, bao gồm Alieu Bah, cựu trung úy quân đội bị bắt và bỏ tù năm 1997 vì âm mưu lật đổ Jammeh. Sau áp lực chưa từng có tiền lệ từ Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU), Yahya Jammeh đã chấp thuận ngừng việc thi hành án đối với các tử tù còn lại.
Thất bại của Jammeh trong cuộc bỏ phiếu vừa qua là một bất ngờ lớn. Ông là người điều hành các cơ quan tình báo đáng sợ nhất ở châu Phi với những xúc tu lan rộng trên toàn quốc. Vì vậy, người dân thành thị và nông thôn đều không dám nói xấu người mang danh hiệu “Ngài Sheikh Xuất chúng Giáo sư Alhaji Tiến sĩ Yahya Jammeh AJJ”.
Sau khi tin Jammeh rời nước được lan truyền, cảnh hân hoan gần như diễn ra ngay lập tức trên các đường phố ở thủ đô Banjul. “Chúng tôi được tự do rồi, không còn bị cầm tù nữa. Giờ thì không cần phải nhìn trước ngó sau mỗi khi muốn bày tỏ ý kiến nữa rồi”, Fatou Cham, 28 tuổi, nói với phóng viên AFP.
Theo AP, khoảng 45.000 người chạy trốn khỏi Gambia trong cuộc khủng hoảng đã bắt đầu trở về nước. Quốc gia 1,9 triệu người này là quê hương của nhiều người di cư hướng về phía bắc để tới châu Âu do tình hình chính trị trong nước.
Tổng thống mới của Gambia, Adama Barrow, cho biết ông sẽ lập ra một ủy ban sự thật và hòa giải để điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền dưới chế độ của Jammeh.
Theo Guardian, sau sự ra đi của Jammeh, đất nước Gambia từng nín lặng chờ đợi giờ như được hồi sinh. Các cửa hiệu, nhà hàng được mở cửa, âm nhạc rộn ràng và người dân nhảy múa trên đường phố.
Các binh sĩ thuộc lực lượng an ninh khu vực đã đổ về Bajun đêm chủ nhật tuần trước để bảo vệ thành phố khi Tổng thống Barrow trở về. Một số người dân còn túm lấy họ để chụp ảnh selfie trong lúc ăn mừng.
Bầu cử tổng thống bằng bi ve ở Gambia: Theo truyền thống có từ thập niên 1960, người dân Gambia bỏ bi ve vào thùng có dán ảnh ứng viên mà mình lựa chọn. Số bi ve sau đó sẽ được cho ra khay có 200-500 lỗ để kiểm đếm.